TTVH Online

Samizdat và Gatsby vĩ đại của Thiên Lương

08/04/2021 10:15 GMT+7

Bản dịch Gatsby vĩ đại của Thiên Lương vừa được xuất bản vào tháng 3 năm 2021 tại Việt Nam, với sự hợp tác cùng nhà xuất bản Văn học

(Thethaovanhoa.vn)- Bản dịch Gatsby vĩ đại của Thiên Lương vừa được xuất bản vào tháng 3 năm 2021 tại Việt Nam, với sự hợp tác cùng nhà xuất bản Văn học, và là bản dịch tiếng Việt thứ 4 của kiệt tác văn chương The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald, văn hào vĩ đại người Mỹ.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Kim Hài từng đi guốc mộc trên đường văn

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Kim Hài từng đi guốc mộc trên đường văn

Nữ nhà văn Kim Hài đã “làm quen” với sách giáo khoa mới từ năm học trước, khi nhóm thực hiện sách "Tiếng Việt "1 bộ "Chân trời sáng tạo" chọn của bà truyện ngắn "Đôi chim" để biên soạn thành tiết kể chuyện "Đôi bạn và hai chú chim non" (trang 88 tập 2).

Mặc dù đã ra đời gần 100 năm trước, nhưng Gatsby vĩ đại vẫn luôn là một thách thức với độc giả nói chung và các phê bình gia văn học nói chung. Năm nào cũng có khoảng nửa triệu bản sách Gatsby vĩ đại được bán ra trên toàn thế giới, với nhiều bản dịch khác nhau chứ không chỉ với tiếng Anh nguyên gốc của nó.

Gatsby vĩ đại là một cuốn sách dễ đọc. Dễ đọc không chỉ vì nó không quá dài và sử dụng ngôn ngữ đời thường với vốn từ vựng hạn chế. Nó không đánh đố người đọc bằng vô số cạm bẫy ngôn từ và những siêu liên kết vô cùng phức tạp như các tác phẩm của Vladimir Nabokov, không cám dỗ các nhà nghiên cứu bằng vô số từ ngữ đặc biệt tự tác giả tạo ra hoặc lấy từ các ngôn ngữ khác như văn chương của James Joyce, cũng không thách thức luân thường đạo lý bằng các nghịch biện hài hước chua chát như Oscar Wilde. Bất cứ ai cũng có thể xem hết bề mặt cuốn sách một cách dễ dàng, vấn đề chỉ là đọc nó sâu được đến đâu.

Chú thích ảnh

Nhưng nó lại được hiểu rất nhiều cách khác nhau, có người cho rằng nó chỉ là câu chuyện về một đại gia trọc phú, si tình, chết vì một người đàn bà có chồng, làm giàu phi pháp và khi chết đi cũng chẳng có người bạn nào đến thăm, ngoài cha đẻ và người kể chuyện.

Có người lại cho rằng đây là câu chuyện về một vị thánh, với những ước mơ nằm ngoài tầm của một phàm nhân, với những nỗ lực và sự hy sinh phi thường cho sự đồi bại của con người. Có thể nói Gatsby là một con người viết hoa theo đúng nghĩa của từ đó, một vĩ nhân thật sự.

Lại có người nhìn thấy qua nó những ảo vọng của giấc mơ con người, sự vô thường của cuộc sống, sự phân biệt giàu nghèo, giai cấp, đẳng cấp trong xã hội Mỹ.

Văn chương thực ra là tấm gương phản ánh chính độc giả, hay nói như Oscar Wilde: Hình thái phê bình cao nhất cũng như thấp nhất là một dạng tự truyện.

Chính vì sự bí ẩn của kiệt tác văn chương này, nên mặc dù đã có đến 3 bản dịch tiếng Việt, và bộ phim cùng tên đã được chiếu ở Việt Nam, nhưng bản dịch hoàn toàn mới của Thiên Lương vẫn được độc giả Việt Nam đón nhận nhiệt tình.

Có lẽ do độc giả Việt Nam vẫn không hiểu nổi tại sao The Great Gatsby lại được coi là kiệt tác văn chương số 1 của Mỹ, và lại càng không hiểu được sự vĩ đại của chính Gatsby. Các bản dịch trước đây không trả lời được cho họ câu hỏi ấy!

Một điểm đặc biệt của bản dịch này là ở sự phát hành của nó - có thể nói là mặc dù làm với nhà xuất bản Văn học, nhưng nó chỉ được bán duy nhất trên facebook, và được phát hành hết sức thành công với 500 bản đặc biệt bìa cứng và 300 bản đặc biệt bìa da được mua hết chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Một điểm đặc biệt nữa là tất cả các bản Gatsby vĩ đại của Thiên Lương đều được đánh số và có chữ ký của chính dịch giả.

Hình thức xuất bản này có cái tên gốc Nga là samizdat, có nghĩa rằng tác giả tự phát hành tác phẩm của mình, không dùng các kênh bán hàng truyền thống như nhà sách hoặc các trang thương mại điện tử.

Dĩ nhiên đây cũng chỉ là cách nói tượng trưng, vì Gatsby vĩ đại của Thiên Lương được xuất bản chính thức, với sự kiểm định của Cục xuất bản và nhà xuất bản Văn học, được lưu chiểu và lưu trữ trong thư viện quốc gia, chứ không phải là một cuốn sách hoàn toàn samizdat.

Tuy nhiên, trong thời kỳ mà các dịch giả đều kêu ca về mức nhuận bút quá thấp mà họ nhận được – chỉ khoảng 6-8 triệu đồng cho một bản dịch có độ dày như Gatsby vĩ đại, thì sự tự phát hành này là một thành công đáng ngạc nhiên, và có lẽ sẽ mở ra hướng đi mới cho các dịch giả nói riêng và ngành xuất bản nói chung của VN.

Việc dịch lại các kiệt tác kinh điển như Gatsby vĩ đại cũng còn cần thiết ở chỗ nó sẽ cập nhật tiếng Việt hiện đại, đảm bảo độ chính xác cao hơn do người dịch ngày nay có cơ hội tiếp cận các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu và những bộ từ điển trực tuyến lớn hơn. Sự tiếp cận với các nền văn minh phương Tây của các dịch giả hiện đại cũng cho phép họ hiểu văn hóa nền của tác phẩm hơn, và nhờ đó mà bản dịch của họ có sức sống mới, tín-đạt-nhã hơn.

Và sự kiện này cũng cho thấy rằng rất nhiều kiệt tác văn chương kinh điển vẫn có thị trường rất lớn ở Việt Nam. Vấn đề là bản dịch có chất lượng hay không và người dịch là ai. Nếu tìm được đúng cách làm, các nhà xuất bản vẫn có thể mở ra được một thị trường sách mới và rộng lớn chứ không cần phải chạy theo các tác phẩm thời thượng và mau tàn.

PTTT

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN