TTVH Online

Chữ và nghĩa: 'Em bú chị, cháu bú bà'

07/04/2021 07:11 GMT+7

Đây là em bú chị ruột và cháu cũng bú bà nội (hoặc bà ngoại) chính danh chứ không phải là "chị họ" (người trong gia tộc vào vai chị, nhưng còn rất trẻ) hoặc "bà trẻ" (tức người ngang vai bà, nhưng tuổi cũng ngang bố mẹ trẻ kia thôi).

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là em bú chị ruột và cháu cũng bú bà nội (hoặc bà ngoại) chính danh chứ không phải là "chị họ" (người trong gia tộc vào vai chị, nhưng còn rất trẻ) hoặc "bà trẻ" (tức người ngang vai bà, nhưng tuổi cũng ngang bố mẹ trẻ kia thôi).

Chữ và nghĩa: 'Cộng đồng' là những ai?

Chữ và nghĩa: 'Cộng đồng' là những ai?

"Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, sáng nay, ngày... lại có thêm 3 ca mắc mới, trong đó, 1 ca nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng". Vậy từ “cộng đồng” ở đây được hiểu thế nào?

Và cả "bà" và "chị" đều là 2 vai đích thực (trong gia tộc) chứ không phải bà hai, bà ba, thậm chí bà tư của ông nào đó "năm thê bảy thiếp". Không nói ngày xưa, bây giờ không ít đại gia sắm vợ bé hay bồ nhí thì những cô nàng này chỉ ngang (thậm chí kém) tuổi con gái của họ thôi. Vậy "Con và mẹ cùng sinh em bé/ Mẹ và con ấy hai mẹ hiền" là chuyện thường mà.

Trở lại với câu trên, dân gian dùng nó để chỉ một hiện trạng liên quan tới 5 người: 1. người đàn ông (không có mặt trong thành ngữ, là chồng của "bà" và là bố của "chị"), 2. vợ ông ta (vai "bà"), 3. con gái ông ta (vai "chị") và 4. hai đứa trẻ đang tuổi bú mẹ (vai "em" và "cháu").

Câu thành ngữ này có tiền giả định (presupposition: hiện thực được chấp nhận để thông tin phát ngôn đang nói có giá trị): "bà" và "chị" (2 nhân vật được nói tới) đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ (trẻ ở độ tuổi bú mẹ). Tất nhiên, sẽ có một suy luận tiếp theo: Cả 2 người này đều còn trẻ, còn có thể sinh nở.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghịch lý trong câu thành ngữ trên không phải là hiếm trong hiện thực xưa và nay (dù nay có ít hơn).

Ngày xưa, chuyện tảo hôn (trai gái lấy vợ hoặc lấy chồng ở độ tuổi chưa được pháp luật cho phép) là thường. “Gái thập tam, nam thập lục” (gái 13 tuổi, trai 16 tuổi là dậy thì), có thể kết duyên được rồi. Ca dao có những câu: “Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến năm mười tám thiếp đà năm con; Lấy chồng từ thuở mười lăm/ Chồng chê tôi bé không nằm với tôi/ Đến khi mười tám, đôi mươi/ Tôi nằm dưới đất chồng tôi lôi lên giường....

Nếu như vậy thì một cô gái lấy chồng tuổi 13, 14 sinh con, đến khi con gái của cô cũng vào độ 13 thì cô cũng mới 27 tuổi. Giả sử con cô cũng lấy chồng sớm như cô thì 28 tuổi cô đã thành bà ngoại. Chao, "bà ngoại" này vẫn sinh vẫn đẻ ngon lành (bây giờ, không ít cô gái 30-35, thậm chí 40 tuổi vẫn đang trong thời kỳ "kén phò mã").

Quay lại thời hiện đại, văn minh, sống theo hiến pháp và pháp luật (trai phải 20, gái phải 18 mới được phép kết hôn) thì cũng chẳng hiếm những gia đình gả con gái lấy chồng sớm trong khi mẹ cô dâu trẻ đến nỗi chụp ảnh nom cứ như 2 chị em. Con lấy chồng, mẹ còn trẻ, con còn son, mẹ cũng còn son. Mẹ tuy dăm bảy con rồi vẫn cứ "khát" có thêm con trai (hoặc con gái). Thế là chuyện mẹ và con gái cùng "ôm con nằm bếp" vẫn là "chuyện thường ngày ở huyện" từ xưa tới nay.

Rốt cuộc, có 2 em bé hưởng lợi. Bé 1: khi mẹ đi vắng thì có ngay bà chị đang căng bầu sữa đây. Thế là "em bú chị". Bé 2: khi mẹ bận việc thì "bà" vạch vú cho cháu tu. Thế là "cháu bú bà".

Những tình huống đó, có khi chỉ là "giải pháp tình thế", nhưng có khi lại là sự "tương thân tương ái". Rất có thể, 1 trong 2 bà mẹ kia vì lý do nào đó (sức khỏe yếu, mất sữa hoặc ít sữa) thì 2 người đổi vai nhau trong thiên chức làm mẹ cũng phải thôi. Âu cũng là lẽ đời thường tình và là sự may mắn cho cả 2 gia đình.

Em bú chị, cháu bú bà

Tưởng là nghịch lý, hóa ra bình thường

PGS-TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN