TTVH Online

Khả năng Mỹ chậm lại trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh

24/03/2021 16:05 GMT+7

Áp lực đang gia tăng với Bộ Quốc phòng Mỹ trong cải tổ các chương trình nghiên cứu vũ khí siêu thanh tối tân mà bộ này dang thực hiện với những cảnh báo rằng hệ thống nghiên cứu hiện nay có thể cản trở nỗ lực của chính Mỹ trong cuộc đua phát triển những loại vũ khí có khả năng định hình lại các cuộc chiến trong tương lai.

(Thethaovanhoa.vn) - Áp lực đang gia tăng với Bộ Quốc phòng Mỹ trong cải tổ các chương trình nghiên cứu vũ khí siêu thanh tối tân mà bộ này dang thực hiện với những cảnh báo rằng hệ thống nghiên cứu hiện nay có thể cản trở nỗ lực của chính Mỹ trong cuộc đua phát triển những loại vũ khí có khả năng định hình lại các cuộc chiến trong tương lai.   

Tình báo Mỹ lo ngại về vũ khí siêu thanh bất khả chiến bại của Nga

Tình báo Mỹ lo ngại về vũ khí siêu thanh bất khả chiến bại của Nga

Tình báo Mỹ hiện râm ran về loại vũ khí siêu thanh đáng gờm của Nga đến năm 2020 có thể sẵn sàng ra trận. Theo đó, mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay của Mỹ đều bất lực trước loại vũ khí siêu thanh này.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn tờ Newsweek ngày 23/3 cho biết Mỹ hiện đang đầu tư nhiều tỷ USD nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh do tốc độ cao và khả năng cơ động của các loại vũ khí này có thể đánh bại các hệ thống chống tên lửa và các hệ thống phòng không.

Trong báo cáo mới nhất, Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) cảnh báo đường hướng nghiên cứu hiện nay của Mỹ đang “gây tổn hại cho những tiến bộ đạt được” và Lầu Năm Góc cần xem xét lại các vị trí lãnh đạo cũng như việc tổ chức các chương trình nghiên cứu vũ khí đang được triển khai hiện nay.    

GAO chỉ ra hiện Mỹ có 70 dự án phát triển vũ khí siêu thanh hoặc liên quan vũ khí siêu thanh, với tổng ngân sách khoảng15 tỷ USD cho giai đoạn 2015-2024, trong đó có một dự án hợp tác giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Chú thích ảnh
Mỹ thừa nhận gặp khó khăn trong việc phát triển vũ khí siêu thanh. Nguồn: Sputnik

Tuy nhiên, các khoản giải ngân cho nghiên cứu hiện nay đều liên quan đến phát triển sản phẩm cụ thể trong khi thời gian trước đó, tính tới năm 2019, các khoản chi của bộ Quốc phòng Mỹ chủ yếu dành cho nghiên cứu công nghệ phổ rộng hơn.    

Báo cáo của GAO cũng đề cập tới phần giải trình chi tiết của Bộ Quốc phòng Mỹ rằng đường hướng nghiên cứu của họ, ví dụ như đồng thời thực hiện nhiều chương trình, là để luôn có nhiều lựa chọn; hoặc việc đầu tư vào các cơ sở công nghiệp, lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng nhằm mục đích thực hiện những dự án công nghệ cao.

Tuy nhiên, GAO cho rằng nếu không xác định vai trò lãnh đạo, trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng trong các dự án nghiên cứu, Lầu Năm Góc sẽ cản trở các bước tiến để phát triển vũ khí siêu thanh tân tiến cũng như lãng phí nguồn lực tài chính quốc gia.    

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ đồng tình với khuyến nghị rằng Bộ trưởng Lloyd Austin nên xác định và làm rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của từng vị trí lãnh đạo cũng như từng cơ quan trực thuộc trong việc chịu trách nhiệm phát triển vũ khí siêu thanh.   

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới đang diễn biến phức tạp, các cường quốc lớn gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số cường quốc tầm trung như Ấn Độ đang nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh. Cuộc đua ngày càng trở nên nóng hơn với các đợt nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả thực tế, cùng việc chế tạo những hệ thống chống vũ khí siêu thanh.   

Có hai loại vũ khí siêu thanh cơ bản. Một là tên lửa hành trình siêu thanh, có thể phóng từ đất liền, tàu hoặc máy bay và hai là thiết bị lượn siêu thanh.   

Tên lửa siêu thanh Zircon 3M22 của Nga có thể được phóng từ biển, trên không, thậm chí từ tàu ngầm. Loại vũ khí này có tầm bắn ngắn, chủ yếu được thiết kế để chống hạm. Theo như tuyên bố, Zircon có thể đạt tốc độ Mach 8 hoặc Mach 9.

Trung Quốc cũng thông báo nước này có một tên lửa hành trình siêu thanh mới có thể được phóng bằng máy bay ném bom chiến lược H-6N. Còn Ấn Độ đang phát triển phiên bản mới của tên lửa hành trình BrahMos, có thể đạt đến tốc độ Mach 7 hoặc Mach 8.

Dự án có tên gọi BrahMos-II, do Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) phối hợp với Tập đoàn công nghiệp quân sự NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga thực hiện.

Hải Vân/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN