TTVH Online

Gian nan đường trở về của những 'cô dâu IS'

17/03/2021 16:15 GMT+7

"Um...xin chào, tôi là Shamima. Tôi đến từ Anh. Tôi 19 tuổi". Một giọng nói pha chút ngại ngùng cùng một nụ cười ngượng ngịu vang lên giữa một căn phòng tập trung nhiều người phụ nữ cùng những em bé không chịu ngồi yên một chỗ.

(Thethaovanhoa.vn) - "Um...xin chào, tôi là Shamima. Tôi đến từ Anh. Tôi 19 tuổi". Một giọng nói pha chút ngại ngùng cùng một nụ cười ngượng ngịu vang lên giữa một căn phòng tập trung nhiều người phụ nữ cùng những em bé không chịu ngồi yên một chỗ.

Vấn đề chống khủng bố: Nga đập tan âm mưu tấn công khủng bố của IS

Vấn đề chống khủng bố: Nga đập tan âm mưu tấn công khủng bố của IS

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 31/7, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết lực lượng chức năng nước này vừa tiến hành chiến dịch tại Cộng hòa (CH) Tatarstan và bắt giữ 2 thành viên tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Đây có thể là phần giới thiệu mà người ta có thể bắt gặp ở một buổi sinh hoạt của bất kỳ nhóm hỗ trợ các bà mẹ trẻ tuổi nào cho tới khi biết rằng đó là chia sẻ rất đặc biệt của một người mẹ đơn thân từng rời bỏ đất nước châu Âu văn minh để tham gia thánh chiến.   

Đoạn giới thiệu trên là của Shamima Begum, từng là cô dâu tuổi vị thành niên của một phần tử thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và nay đang sinh sống trong một trại tập trung tại Syria cùng những phụ nữ phương Tây khác đồng cảnh ngộ. Những thước phim về nhóm phụ nữ này được tập hợp trong bộ phim tài liệu The Return: Life After ISIS của đạo diễn Alba Sotorra.

Phim được đạo diễn người Italy xây dựng trong nhiều tháng tiếp cận với những phụ nữ này tại trại tập trung Roj ở Syria, nơi họ sinh sống sau khi IS sụp đổ vào năm 2019 trong khi quê hương không còn đón nhận họ.   

Chú thích ảnh
Khủng bố IS tàn bạo nhốt phụ nữ vào lồng sắt làm lá chắn sống tại Syria. Ảnh Daily Mail

Phim là tập hợp các phân đoạn các "cô dâu IS" viết thư cho chính mình hồi trẻ để thể hiện sự nuối tiếc vì quyết định đến Syria. Cùng với 2 người bạn học khác, Shamima Begum đã bỏ nhà ở London khi mới 15 tuổi để tới Syria và kết hôn với một tay súng IS. Begum hồi tưởng về cảm xúc đã thúc giục cô quyết định tới Syria là vì mong muốn giúp đỡ người dân tại quốc gia đang chìm trong nội chiến nhưng ngay khi đến nơi cô đã nhận ra IS thực chất chỉ đang giăng bẫy mọi người, để nâng số "cư dân" của cái mà chúng gọi là nhà nước và tăng độ thuyết phục cho những video chúng lan truyền để dụ dỗ những người khác.   

Các nhà báo Anh đã bắt gặp Begum tại một trại tập trung ở Syria vào khoảng tháng 2/2019 khi cô đang mang bầu. Thời điểm đó, những đoạn trả lời phỏng vấn không hề có một chút biểu hiện ăn năn của Begum đã gây làn sóng chỉ trích lớn. Nhưng phải đến khi bộ phim tài liệu về cuộc sống hiện tại của những phụ nữ phương Tây từng rời bỏ quê hương để đầu quân cho IS được công chiếu tại liên hoan phim trực tuyến South By Southwest, người ta mới hiểu hơn phần nào về những mảnh đời này và về cái giá mà họ đang phải trả cho những quyết định thời trẻ. Trong phim tài liệu của Sotarra, Begum và nhiều phụ nữ phương Tây từng tham gia thánh chiến khác, đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong thái độ và cách suy nghĩ.   

Khi Sotorra tới trại tập trung vào khoảng tháng 3/2019, rất nhiều phụ nữ ở đây, những người vừa thoát khỏi vùng chiến sự, đã rơi vào trạng thái hoàn toàn khép kín, không cảm xúc và không suy nghĩ. Cảm nhận của Sotarra lúc đó về những người phụ nữ này đó là họ chỉ đang cố gắng tự vệ để tồn tại.

Với Sotorra, Shamina trong lần gặp đầu tiên lạnh lùng như một tảng băng, đó là thời điểm cô vừa mất đi đứa con của mình và phải mất một lúc cô gái trẻ người Anh mới có thể bật lên những tiếng khóc. Trong trại cũng có một nhóm khác, dù số lượng không nhiều nhưng lại có ảnh hưởng ngầm ghê gớm, đó là nhóm những phụ nữ đã bị cực đoan hóa nặng nề, vẫn trung thành với IS và đe dọa cả những thành viên trong trại. Trong bộ phim mới công chiếu, Begum cho biết dưới sức ép của nhóm này, cô buộc phải nói ra những điều mà chúng cho phép với các nhà báo Anh trong các cuộc phỏng vấn trước đó để tránh cho bản thân và con của mình bị nhóm này giết hại.   

Cuộc sống của họ tại các trại tập trung vẫn trôi qua một cách nặng nề, vô định, trong tình trạng mắc kẹt tại vùng đất này. Không ít người có mong muốn được trở lại quê hương nhưng đường trở về vẫn còn mờ mịt khi các quốc gia phương Tây chưa có quan điểm nhất quán về phương án với những bà mẹ trẻ và con cái của họ. Có những quốc gia vẫn phản đối để những người này và con cái trở về, có những nơi đã đón nhận công dân để cho họ cơ hội thứ 2.

Riêng với Begum, cô đã bị tòa án Anh từ chối cho phép trở về để kháng nghị quyết định tước quyền công dân của mình. Không ai có thể biết những phụ nữ này đã biết những gì về IS khi quyết định tới Syria, liệu họ có biết trước về những tội ác cưỡng hiếp phụ nữ, tra tấn dân thường hay các hình thức hành quyết dã man của nhóm này thực hiện hay không. Với Begum, cô khẳng định ở độ tuổi 15 cô đã quyết định đi theo IS khi chưa hiểu đầy đủ về tổ chức này thậm chí không cùng chung ngôn ngữ. Cô mong muốn quê hương cho mình cơ hội thứ 2 để thay đổi những định kiến về những cô gái chung cảnh ngộ.   

Đạo diễn Sotorra tin rằng những người phụ nữ này nên được trao một cơ hội trở về quê hương, họ sẽ giúp ích trong việc ngăn chặn thế hệ sau đi vào vết xe đổ của chính mình và cũng để con cái của họ có cơ hội được lớn lên trong một môi trường khác, tốt đẹp hơn.

Những người đã từng trải qua thời gian sinh sống tại Syria, phải chứng kiến những đứa con của mình sinh trưởng trong các trại tập trung ở một quốc gia Trung Đông vừa trải qua nội chiến với nhiều bất ổn là những người hiểu rõ nhất về cái giá mà họ phải trả cho quyết định của mình khi còn trẻ và cũng sẽ là những người đưa ra lời khuyên xác thực nhất cho thế hệ sau.

Lê Ánh/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN