TTVH Online

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): 'Hoa' cho ngày thầy thuốc

27/02/2021 10:15 GMT+7

Những ngày qua, liên tiếp nhiều bệnh viện, cơ sở y tế thông báo không tổ chức lễ, không nhận hoa, quà vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, liên tiếp nhiều bệnh viện, cơ sở y tế thông báo không tổ chức lễ, không nhận hoa, quà vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Chiến sĩ áo trắng nỗ lực chống dịch COVID-19

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Chiến sĩ áo trắng nỗ lực chống dịch COVID-19

“Chiến sĩ áo trắng nỗ lực chống dịch COVID-19” là tọa đàm truyền hình trực tuyến do Báo Lao Động tổ chức ngày 26/2 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020) nhằm tôn vinh đội ngũ thầy thuốc – những chiến sỹ áo trắng trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch COVID- 19.

Đây là năm thứ 2 nhiều đơn vị y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt hủy bỏ các nghi thức kỷ niệm ngày tôn vinh chính họ, thay vào đó, các chiến sỹ áo trắng âm thầm lên tuyến đầu, vào tâm dịch, đẩy lùi dịch bệnh…

Với họ, nụ cười của người dân, khúc khải hoàn của dân tộc khi chiến thắng dịch COVID-19 mới là bó hoa đẹp, trân quý nhất trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ, y tá... - những chiến binh thầm lặng

Quả thật như vậy, suốt 365 ngày của năm 2020 các thầy thuốc, nhân viên y tế, nhất là những người trên tuyến đầu đã sống và làm việc như những chiến binh quả cảm khi dịch COVID-19 xâm nhập và gây ra sự xáo trộn chưa từng có. Những ngày đầu năm 2021, một lần nữa dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước khiến cho nhiều nhân viên y tế phải tạm xa gia đình lên đường làm nhiệm vụ.

Ngày Thầy thuốc, Covid-19, Thầy thuốc Việt Nam
Bệnh viện dã chiến phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Củ Chi. Ảnh: medinet.gov.vn

Không cần bất cứ lời hiệu triệu nào, nhiều người đã xung phong lên tuyến đầu, tiến vào tâm dịch. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm bác sỹ khắp các bệnh viện đã luân phiên nhau thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, các khu cách ly tập trung... Đến khi dịch bệnh lây lan mạnh tại một số địa phương khác như Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh..., thì khắp các bệnh viện từ Nam chí Bắc như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhiệt đới, Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh... hàng trăm y, bác sỹ không ngần ngại xung phong lên đường, "chia lửa" với các đồng nghiệp ở vùng dịch.

“Chỉ cần có lệnh là chúng tôi lên đường", đó là tâm sự của không riêng Tiến sỹ, bác sỹ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi lên đường tiến vào tâm dịch mà cũng là quyết tâm của rất nhiều y, bác sỹ trên khắp cả nước. Có người đã phải hoãn lại đám cưới, có người không thể trở về khi người thân trong cơn “thập tử nhất sinh”, họ lựa chọn ở lại chiến đấu cùng đồng đội nơi tâm dịch với lời hứa “bao giờ hết dịch mới trở về”. Họ lên đường và chiến đấu trong tâm thế của một "chiến binh" như cách mà thế hệ cha anh từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thuở nào.

Ngày Thầy thuốc, Covid-19, Thầy thuốc Việt Nam
Nhân viên Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức tối Mùng 1 Tết. Ảnh: TTXVN

Không chỉ sẵn sàng lên tuyến đầu, cứu chữa cho người mắc COVID-19, những cán bộ y tế dự phòng đã rong ruổi khắp các “hang cùng ngõ hẻm” truy vết, điều tra dịch tễ để không bỏ sót, bỏ lọt bất cứ một nguy cơ dịch bệnh nào, dù là nhỏ nhất. Trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ở các địa phương có dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai... cán bộ y vẫn lặng lẽ đi lấy mẫu xét nghiệm “thần tốc” trong đêm, điều tra, truy vết. Khi cởi bỏ được bộ đồ bảo hộ cũng là lúc mặt trời đã ló dạng, năm mới đã bắt đầu. Nhờ thế, dịch bệnh đã được chặn đứng tại nhiều địa phương. Dù bỏ lỡ phút giây đón năm mới thiêng liêng bên gia đình người thân nhưng họ lại có một niềm vui khác cao cả hơn, đó là mang đến sự bình an cho hàng triệu gia đình.

Sau những vất vả, hi sinh, thứ mà những chiến binh áo trắng nhận lại là cảm xúc đẹp khi được trở lại một thời dấn thân của tuổi trẻ ở thời điểm đất nước còn khó khăn với nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện thiết thực vì cộng đồng. Đó là cảm xúc hạnh phúc khi chứng kiến niềm vui vỡ òa của người bệnh và thân nhân nhận kết quả xét nghiệm âm tính, đủ tiêu chuẩn để xuất viện sau những ngày cách ly, điều trị. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn rơi, vỡ òa trong khoảnh khắc lá cờ Tổ quốc tung bay trong niềm hân hoan của người dân khu vực được dỡ bỏ phong tỏa.

Chia sẻ về nỗi niềm của những người trong cuộc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ở mỗi người thầy thuốc, dù ở các vị trí công tác khác nhau sẽ không còn cảm giác “lạ”, hẫng hụt khi không tổ chức ngày lễ tôn vinh chính  mình nhưng nhưng bù lại họ có đến 365 ngày của năm 2021 để cả thế giới tôn vinh những chiến sỹ áo trắng không mệt mỏi trong cuộc chiến với COVID-19. Bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn năm 2021 là "Năm Quốc tế của nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc" (Year of the Health and Care Workers 2021- WHO).  Do đó, năm 2021 chính là năm tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc trên toàn cầu thời gian qua và tưởng niệm những chiến sỹ áo trắng đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Ngày Thầy thuốc, Covid-19, Thầy thuốc Việt Nam
Triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng tại Hải Dương. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Ngày tôn vinh những người thầy thuốc, một bác sỹ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã ước ao chỉ cần được tắt điện thoại và yên tâm ngủ một giấc thật ngon sau chuỗi ngày truy vết, điều tra, xét nghiệm. Có lẽ món quà ý nghĩa nhất đối với họ ngay lúc này là dịch bệnh được đẩy lùi, tất cả người dân được an toàn, cả thế giới cùng nắm tay nhau bước qua đại dịch.

Tôn vinh ngày thầy thuốc, những buổi lễ tri ân, bó hoa tươi thắm xin được gác lại, mà thay vào đó, cộng đồng hãy hướng về họ bằng những hành động thiết thực, đó là tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch của chính quyền địa phương, thực hiện nguyên tắc 5K mà Bộ Y tế khuyến cáo. Xin hãy tri ân họ bằng cách khai báo y tế trung thực, bớt đi những chuyến đi không cấp thiết, giảm đi những cuộc họp mặt, vui chơi, tụ tập không cần thiết để các em thơ được đến trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa, giải trí được tiếp diễn trong trạng thái bình thường mới.  

Và hơn thế nữa là để cho đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế có được một giấc ngủ ngon hay vài phút giây quây quần đầm ấm bên gia đình, người thân. Đó là những “bông hoa” thiết thực nhất, ý nghĩa nhất cho ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay.

Đinh Hằng/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN