TTVH Online

Chữ và nghĩa: Lại quả, xưa và nay

27/01/2021 07:27 GMT+7

Những ai từng dự hoặc từng chứng kiến những nghi thức tiến hành lễ cưới ở nước ta đều biết một nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ cần phải thực hiện khi hoàn tất cuộc se duyên "tính cuộc vuông tròn" cho đôi nam nữ tới tuổi thành hôn. Đó là “lại quả”.

(Thethaovanhoa.vn) - Những ai từng dự hoặc từng chứng kiến những nghi thức tiến hành lễ cưới (từ truyền thống đến hiện đại) ở nước ta đều biết một nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ cần phải thực hiện khi hoàn tất cuộc se duyên "tính cuộc vuông tròn" cho đôi nam nữ tới tuổi thành hôn. Đó là “lại quả”.

Chữ và nghĩa: 'Tu chính án' là gì?

Chữ và nghĩa: 'Tu chính án' là gì?

Những ngày vừa qua, các phương tiện thông tin truyền thông nói nhiều đến cụm từ “tu chính án”, liên quan tới một sự kiện gần đây ở Mỹ. Đó là việc Hạ viện và một số nghị sĩ yêu cầu Phó Tổng thống Mỹ M.Pence kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ, khởi động cho việc truất phế Tổng thống.

"Lại quả" còn gọi là "lại mâm" là một nghi thức, được hiểu là "nhà gái để lại một phần lễ vật của nhà trai đưa đến để biếu trả lại nhà trai, theo tục lệ cưới xin cổ truyền" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Chữ "lại" này, gần nghĩa với "trả, trở lại". Nó có chung nét nghĩa trong các từ: Lại bữa (ăn trả bữa, ăn khỏe và rất ngon miệng khi mới khỏi ốm), lại gạo (bánh trái trở lại trạng thái khô cứng như lúc gạo chưa nấu chín), lại hồn (trở lại trạng thái tinh thần bình thường sau cơn hoảng sợ hay ốm nặng kéo dài), lại mặt (vợ chồng mới cưới đưa nhau về thăm nhà vợ ngay sau khi đón dâu), lại người (trở lại trạng thái cơ thể bình thường sau thời gian bị tổn hao sức lực) v.v…

Lễ lại quả được thực hiện khi kết thúc lễ ăn hỏi. Lúc này nhà trai và nhà gái đã hoàn tất mọi thủ tục để 2 họ chuẩn bị cho lễ cưới (trước đây thường tiến hành sau ít nhất 1 tuần, nhưng bây giờ, thường các đám cưới (nhất là ở đô thị) sẽ gói gọn ngay trong 1 ngày). Theo đó, tiến hành xong lễ ăn hỏi, nhà trai tạm ra khỏi nhà gái một khoảng cách nào đó (cho đúng thủ tục) rồi quay lại ngay để làm lễ xin dâu rồi đưa cô dâu tới phòng làm lễ cưới.

Chú thích ảnh

Nhưng dù là nhanh gọn đến mấy thì 2 bên cũng không vì thế mà bỏ bớt nghi thức. Bởi chỉ đến lễ ăn hỏi, tổ tiên, gia tộc 2 họ và đôi bên cha mẹ mới chính thức thừa nhận mối quan hệ vợ chồng của cặp đôi. Chú rể, cô dâu lúc đó bỏ cặp xưng hô "bác (hay cô, chú) - cháu" để gọi bố mẹ, xưng con. Họ đã là thành viên thực sự của 2 gia đình.

Sau khi nhận đồ sính lễ và nạp tài, nhà gái liền mở các tráp mà nhà trai chuẩn bị cho lễ ăn hỏi ra, bớt mỗi thứ một phần và gửi lại nhà trai. Tất nhiên không phải mọi thứ mang đến đều "lại quả" mà chỉ có những vật tượng trưng tiêu biểu nhất: Rượu, cau trầu, chè, bánh trái, thuốc lá... (có thể theo số lẻ hoặc số chẵn tùy theo phong tục từng vùng). Tất cả các thao tác (bóc quả tráp, tách cau khỏi buồng, gỡ dây buộc bánh...) hoàn toàn được thực hiện bằng tay, tuyệt đối không được dùng dao kéo (theo quan niệm là điềm gở, sẽ gây rủi ro hoặc điều không may). Đặc biệt, khi chia lễ lại quả, nhà gái phải cho vào khay và lật ngửa nắp tráp, không đóng nắp.

Lễ lại quả mang đậm nghi thức truyền thống văn hóaá tâm linh của người Việt. Nhưng bây giờ, "lại quả" lại là một từ chỉ một hành vi không bình thường trong cuộc sống. Trên thương trường, nhất là trong giới làm ăn, lại quả là một "công đoạn" khó có thể bỏ qua. Đó là: "Bên nhận biếu lại một phần quà cáp, tiền bạc v.v… cho đại diện trực tiếp của bên giao, trong quá trình giao nhận" (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn).

Cái không bình thường như đã nói, là ở đây, dù 2 bên đối tác đã ràng buộc chặt chẽ với nhau với những điều khoản trong hợp đồng. Rằng bên B thực hiện một công việc, một dịch vụ hay cung cấp một mặt hàng nào đó cho bên A, bên A phải thanh toán một khoản chi phí, thù lao theo thỏa thuận. Nhưng sự đời lại không thẳng như mực tàu.

Bên B vừa nhận xong tiền cần được nhận thì ngay lập tức phải nghĩ tới chuyện "thối lại" hay "lại quả" cho xứng đáng. Bao nhiêu phần trăm giá trị hợp đồng? Dân "sành điệu" cứ thế mà theo. Tất nhiên, bên A biết điều này nên phải chấp nhận khi ký hợp đồng, phải tính toán "nâng giá" quá mức dự toán. Bởi nếu cứ đằng thẳng mà làm thì hòa vốn hoặc thu lỗ, lấy đâu ra tiền để mà "lại quả"?

Đây chính là "mặt trái", là "kẽ hở" để những kẻ tham nhũng thể hiện mánh lới để trục lợi. Những năm vừa qua, báo chí đã phanh phui những phi vụ làm ăn lớn của các quan chức hay đại gia, số tiền mà họ lại quả cho nhau lên tới nhiều tỷ đồng. "Lại quả" như thế quả là "hết tầm đại bác".

Các đám cưới xin bây giờ dù giàu có đến mấy cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Chính cuộc sống "muôn màu" đã "cấp" cho “lại quả” một chức năng hoàn toàn khác.

“Lại” này không phải trầu cau

Mà là tài khoản chuyển vào đô la...

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN