TTVH Online

Phim 'Cậu vàng': Một góc nhìn khác vào thế giới của Nam Cao

11/01/2021 07:03 GMT+7

Đã có khá nhiều tranh cãi xung quanh bộ phim Cậu Vàng (phim khởi chiếu trên toàn quốc ngày 8/1), một phóng tác từ chùm tác phẩm của cố nhà văn Nam Cao, được chấp bút bởi cố NSND Bùi Cường, và thực hiện bởi đạo diễn trẻ Trần Vũ Thủy. Nhưng một bộ phim gây nhiều tranh cãi có lẽ lại là một may mắn cho tác phẩm.

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có khá nhiều tranh cãi xung quanh bộ phim Cậu Vàng (phim khởi chiếu trên toàn quốc ngày 8/1), một phóng tác từ chùm tác phẩm của cố nhà văn Nam Cao, được chấp bút bởi cố NSND Bùi Cường, và thực hiện bởi đạo diễn trẻ Trần Vũ Thủy. Nhưng một bộ phim gây nhiều tranh cãi có lẽ lại là một may mắn cho tác phẩm.

Phim 'Cậu Vàng' tung trailer hé lộ những điểm mới so với tác phẩm văn học

Phim 'Cậu Vàng' tung trailer hé lộ những điểm mới so với tác phẩm văn học

Trailer và poster chính thức của Cậu Vàng do Trần Vũ Thủy làm đạo diễn, cố NSND Bùi Cường biên kịch vừa được tung ra vào ngày 21/12.

1. Sau 40 năm tròn, một bộ phim được khai thác từ chùm tác phẩm của nhà văn Nam Cao lại được ra mắt, như một lời tri ân của người từng thành danh với vai Chí Phèo trong bộ phim kinh điển Làng Vũ Đại ngày ấy của cố NSND đạo diễn Phạm Văn Khoa.

Lời tri ân của “Chí Phèo” Bùi Cường dành cho tác giả nguyên tác và đạo diễn, những người mà sinh thời, từ trong sâu thẳm trái tim, cố NSND Bùi Cường vẫn coi là những người thầy của cuộc đời mình. Tuy nhiên, khi khởi động dự án này, Bùi Cường đã chịu nhiều áp lực. Đây là kịch bản đầu tiên do chính ông chấp bút, dù đã thực hiện hàng trăm bộ phim điện ảnh và truyền hình lớn nhỏ khác nhau và đã gặt hái nhiều thành công ở cương vị đạo diễn.

Không phải là câu chuyện chữ nghĩa, mà chính là “cái bóng” của Làng Vũ Đại ngày ấy quá lớn, đem lại vinh quang cho cuộc đời nghệ thuật của ông, nhưng cũng đồng thời buộc ông phải thoát khỏi sự bao trùm ấy để tìm kiếm một thành công khác nữa, một thành công do chính mình, cho chính mình.

Rõ ràng sau gần 40 năm, trải nghiệm đời sống cùng với trải nghiệm nghệ thuật đã khiến Bùi Cường muốn nhìn lại bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng cũng đồng thời đóng đinh ông vào một hình tượng, một quan điểm nghệ thuật. Với Cậu Vàng (từng có tên Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc khi mới khởi động), Bùi Cường dường như muốn đối thoại với chính nhân vật Chí Phèo năm xưa, dưới một góc nhìn mới, một quan điểm nhân sinh và quan điểm nghệ thuật mới. Sau rất nhiều trăn trở, NSND Bùi Cường đã chọn giải pháp “phóng tác” mà không “chuyển thể” trung thành chùm nguyên tác Lão Hạc, Chiếc lò gạchSống mòn của Nam Cao.

Với lựa chọn này, có thể thấy áp lực đặt lên vai tác giả kịch bản vô cùng lớn. Nhưng có lẽ, với con người nghệ sĩ trong Bùi Cường, làm mới mình, làm mới tác phẩm… luôn là một nhu cầu thúc bách và thường trực.

Chú thích ảnh
Nhân vật Lão Hạc trong phim “Cậu Vàng”

Việc đổi tên kịch bản Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc thành Cậu Vàng không phải là một sự thay đổi cơ học. Nó cho thấy một lựa chọn quyết liệt cả về chủ đề, cả hướng đi của bộ phim tương lai. Và hơn thế, nó cho thấy Chí Phèo của 40 năm trước đang tự tái sinh chính mình trong một vai trò, một tầm vóc vạm vỡ và mạnh mẽ. Tầm vóc của bề dày trải nghiệm cuộc sống đa chiều, của quan điểm nhân sinh mới và sự tự ý thức bản thân.

Có thể nói, làm phim dựa trên một chùm tác phẩm đã ghi dấu sâu sắc trong lòng công chúng yêu văn học là điều vô cùng khó khăn. Trước khi bộ phim đến được với công chúng, nó đã vấp phải không ít những phản ứng từ những người quan tâm. Từ chuyện Lão Hạc trong Cậu Vàng và nhiều nhân vật khác như Bá Kiến, Lý Cường, bà Cả, bà Hai, bà Ba… có đúng với nhân vật trong nguyên tác không? Rồi chuyện tìm kiếm một chú chó vàng thuần Việt vào vai chính là một thử thách khiến đôi lúc chính tác giả kịch bản (sẽ là đạo diễn cho chính kịch bản ấy) cũng cảm thấy bế tắc.

Những người từng yêu mến các tác phẩm của Nam Cao cũng như bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy lo lắng một điều vô cùng thực tế rằng bộ phim có thể phá hỏng ấn tượng tốt đẹp mà họ từng có. Nhưng may mắn thay, lựa chọn “phóng tác” là một lựa chọn thông minh và đúng đắn, khi kịch bản khai thác chùm 3 tác phẩm, nhưng lại không phải là một phép cộng. Cái cốt lõi nhân sinh của nguyên tác vẫn còn đó, mà không gian và thời gian của truyện phim lại như mở ra không cùng.

Lão Hạc biểu tượng của một kiếp người thấp cổ bé họng với cái dáng còm cõi và bất lực điển hình trong nguyên tác vẫn đó, nhưng đã lấp lánh một “tinh thần phản kháng bất bạo động”, và Lão đã “thắng” sau lời thách thức ngấm ngầm trước cái ác, và một kế hoạch hoàn hảo cho thắng lợi ấy. Những bà Cả, bà Hai, bà Ba, những Binh Tư, Lý Cường… đều được mô tả với nguyên tắc “đi đến cùng số phận”. Từng nhân vật đều kết thúc con đường của mình theo những cách khác nhau, mà vô cùng súc tích, vô cùng sáng rõ… với một quan điểm rất “dân gian”. Đó là “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”.

Chú thích ảnh
Chú chó “Cậu Vàng” - nhân vật chính trong phim

“Đất” là mục tiêu cốt lõi của một dân tộc mà 90% cư dân (ở thời điểm đó) sinh tồn bằng nông nghiệp, không chỉ là biểu tượng của một sở hữu vật chất, mà còn là biểu tượng tinh thần máu thịt, với ý nghĩa cha truyền con nối. Giữ được đất, là giữ được dòng giống, giữ được quê hương, giữ được một bản thể mạnh mẽ… khiến con người có thể chết đi rồi vẫn còn được tự hào vì đã làm tròn nghĩa vụ với tổ tiên và hậu duệ.

2. Rồi sự cố lớn xảy ra: NSND Bùi Cường đột ngột qua đời vì bạo bệnh, để lại một dự án dang dở và tâm huyết một đời của mình. May mắn thay, ông đã có một “hậu duệ” đáng tin cậy, một học trò và là người con rể xứng đáng mà ông đã quan sát, lựa chọn, dạy dỗ và gửi gắm cả gia đình cùng sự nghiệp của mình.

Nhưng cũng với đạo diễn trẻ Trần Vũ Thủy, kịch bản Cậu Vàng một lần nữa có sự chuyển dịch đáng kể. Hiểu rõ trách nhiệm trước sự gửi gắm của bố vợ cũng là người thầy nghệ thuật của mình, Trần Vũ Thủy chịu một áp lực có lẽ còn lớn hơn cả bố vợ anh khi chấp bút kịch bản này.

Làm sao để không làm hỏng tâm nguyện của bố? Làm sao để khán giả chấp nhận tác phẩm đầu tay của mình? Làm sao để bộ phim được ra đời mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ của chính mình? Bởi cũng như bố vợ - và là thầy của mình - Trần Vũ Thủy là một nghệ sĩ đích thực với ham muốn được bộc lộ bản thân, nhưng đồng thời luôn ý thức nghĩa vụ không được để dồng vốn của các nhà đầu tư bị uổng phí.

Vốn là một người trẻ thuần Nam Bộ, tham gia vào quá trình hình thành kịch bản phim từ lúc nó còn là một ý tưởng manh nha, Trần Vũ Thủy đã phải dùng đến 200% công lực để hiểu rõ, thấu cảm cái đẹp, cái triết lý ẩn sâu trong cuộc đời người nông dân và làng quê Bắc Bộ gần 100 năm trước.

Khi trách nhiệm thực hiện bộ phim đặt lên vai mình, Trần Vũ Thủy đã rất cầu thị, tìm đến những người bạn thân thiết của NSND Bùi Cường để hiểu thêm thầy mình, và tìm kiếm một sự chỉ dẫn, một sự giúp đỡ tận tình. Và anh đã được NSƯT Phi Tiến Sơn chấp nhận đồng hành. Với sự khắt khe của thầy Phi Tiến Sơn, với sự nỗ lực đầy đam mê của bản thân, Trần Vũ Thủy đã hoàn thành được sứ mệnh nặng nề ấy.

Chú thích ảnh
Chú chó “Cậu Vàng” và lão Hạc trong phim

3. Nhân vật chính của truyện phim từ một ông lão nông dân nghèo khó thấp cổ bé họng, chọn “bữa ăn cuối cùng” như một cách phản kháng bất bạo động nhằm hóa giải sức mạnh cường quyền… với Trần Vũ Thủy đã chuyển dịch sang hẳn nhân vật “Cậu Vàng”, chú chó thủy chung của Lão Hạc với năng lực sinh tồn và phản kháng mãnh liệt.

Người viết bài này tin chắc rằng không khán giả nào xem phim lại không hài lòng về hình tượng Cậu Vàng với màn trả thù cho chủ không khoan nhượng, đến mức khốc liệt ấy. Cách phát triển, bổ sung hình tượng Cậu Vàng cho thấy một góc nhìn trẻ, rõ ràng trong nhân sinh quan của Trần Vũ Thủy.

Đặc biệt, khi đưa Cậu Vàng lên vị trí nhân vật chính, chuyển tải triết lý của truyện phim, Trần Vũ Thủy đã tự đưa mình vào điều “chưa từng có” trong lịch sử điện ảnh Việt. Đó là dùng động vật (ở đây là một chú chó) để xây dựng hình tượng nhân vật chính với đủ hỉ, nộ, ái, ố…

Động vật trong phim Việt không phải chưa từng có, nhưng dùng một chú chó với đòi hỏi diễn xuất cao độ và khiến người xem thỏa mãn thì chưa ai làm được. Có lẽ, với sự táo bạo này, Trần Vũ Thủy đã mở ra một hướng đi mới trong các dòng chảy của phim Việt. Nó cho phép các nhà làm phim dám nghĩ tới khả năng thực hiện những bộ phim có động vật làm nhân vật chính, với sự trợ giúp của công nghệ huấn luyện như của mọi nền điện ảnh tiên tiến khác.

Bây giờ, bộ phim đã được công chiếu. Có thể có người thích hay chê bai. Nhưng đó là sự thẩm thấu nghệ thuật của từng khán giả. Còn tôi tin chắc sẽ không có khán giả nào sau khi xem Cậu Vàng rồi bước ra khỏi rạp chiếu mà giữ được tâm thế “như trước”. Đó là điều mà một tác phẩm nghệ thuật đích thực cần làm được.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN