TTVH Online

Chạp đốn đau, Giêng mau hái

07/01/2021 07:08 GMT+7

Nghe đọc câu tục ngữ trên chúng ta nghĩ tới tháng Chạp (tháng cuối cùng của năm Âm lịch). Vào khoảng thời gian này, dân gian đang rậm rịch chuẩn bị đón xuân, chia tay năm cũ đang qua và mừng một năm mới đang cận kề. Người ta hối hả sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ dùng, chuẩn bị thức ăn, bánh trái, rượu thịt cho một cái tết đủ đầy, báo hiệu một năm mới an lành, hanh thông, thịnh vượng.

(Thethaovanhoa.vn) - Nghe đọc câu tục ngữ trên chúng ta nghĩ tới tháng Chạp (tháng cuối cùng của năm Âm lịch). Vào khoảng thời gian này, dân gian đang rậm rịch chuẩn bị đón xuân, chia tay năm cũ đang qua và mừng một năm mới đang cận kề. Người ta hối hả sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ dùng, chuẩn bị thức ăn, bánh trái, rượu thịt cho một cái tết đủ đầy, báo hiệu một năm mới an lành, hanh thông, thịnh vượng.

Chữ và nghĩa: Ghen vợ ghen chồng, không bằng ghen đồng ghen bóng

Chữ và nghĩa: Ghen vợ ghen chồng, không bằng ghen đồng ghen bóng

“Ghen đồng ghen bóng” trở thành một kiểu ghen "lạ đời" nhất trong đời sống tín ngưỡng Tứ Phủ.

Bởi, tháng chạp là tháng thu xếp nghỉ ngơi sau cả năm trời làm việc. Dân gian xưa đã có một bài ca dao diễn giải mọi việc diễn ra từng tháng trong năm như sau: Tháng Giêng ăn Tết ở nhà/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè/ Tháng Tư đong đậu nấu chè/ Bước vào mùa vụ làm nghề tháng Năm/ Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm/ Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân/ Tháng Tám chơi đèn kéo quân/ Trở về tháng chín chung nhân buôn hồng/ Tháng Mười buôn thóc bán bông/ Tháng Một, tháng Chạp nên công hoàn toàn.

Nhưng câu tục ngữ này lại nói về kinh nghiệm trồng cây của ông cha ta vào đúng tháng Chạp.

Làm nghề nông, phải luôn đặt mình vào tư thế "trông trước, trông sau", "trông trời, trông đất, trông mây" đối với các việc: Làm đất, chuẩn bị giống má, chăm sóc cây trồng theo mùa vụ. Như vậy, họ phải có tinh thần "đi trước thời đại", tức là lựa sao cho cây trồng có điều kiện phát triển để cho sản phẩm tốt nhất (lá, hoa, quả, củ...).

Chú thích ảnh

Câu tục ngữ "Chạp đốn đau, Giêng mau hái" nói về kinh nghiệm trồng chè và thu hoạch chè.

Chè (còn gọi là "trà") là một loại cây công nghiệp nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đó là một loại cây nhỡ (không cao lắm), lá mọc cách, có răng cưa. Hoa lưỡng tính, màu trắng, kết thành quả. Lá chè (và cả cành cây chè) được dùng để pha nước uống. Ở nước ta có nhiều loại chè: Chè tươi (chè xanh), chè khô (chè búp, chè mạn, chè đen). Nước chè là một loại nước giải khát rất thông dụng ở Việt Nam. Chắc nhiều người đã biết và thuộc bài thơ "Tam bôi tửu" (tương truyền là của Hải Thượng Lẫn Ông Lê Hữu Trác): Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh nhất trản trà/ Nhật nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia (Buổi tối ba chén rượu/ Sáng ra một chén trà/ Ngày nào cũng như thế/ Thầy thuốc không đến nhà).

Trở lại với câu tục ngữ trên. Đây là kinh nghiệm dân gian trong việc trồng chè. Đó là "Vào tháng Chạp mà đốn chè thật mạnh tay thì sang tháng Giêng (sang năm) sẽ tha hồ mà hái búp" (Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2010). Cũng bởi vào tháng Chạp này, cây chè đang ở tình trạng khô cằn, chậm phát triển. Ta phải mạnh dạn chặt bớt cành (đốn là chặt bớt cành hay rễ ở mức độ thích hợp: Mít đốn cành, chanh đốn rễ; đốn đau là đốn nhiều, đốn rộng) để cây dồn sức, ra Giêng có mưa phùn (mưa Xuân) ấm áp, thì mầm lá sẽ lập tức bật nhanh và bật nhiều. Người ta sẽ có dịp để hái được nhiều búp, từ đó có nguyên liệu chế biến thành những loại chè hảo hạng, rất có giá trị.

Cùng nhau chung một chén trà

Mà vui như Tết chuyện xa chuyện gần...

PGS-TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN