TTVH Online

Nhà thơ Trúc Thông: Ở nơi chân trời những cuốn sách

23/12/2020 08:09 GMT+7

Trúc Thông “lặng thầm trong suốt” như thơ mình. Tôi nghĩ thế khi đọc chầm chậm từ bài Cao Bằng (ở tập thứ 5 Mắt trong veo của anh) ngược lên tới tập thứ nhất, có trang anh “xin làm con bò” chở trẻ thơ, để mắt mình được “hiền hết nói”...

(Thethaovanhoa.vn) - Trúc Thông “lặng thầm trong suốt” như thơ mình. Tôi nghĩ thế khi đọc chầm chậm từ bài Cao Bằng (ở tập thứ 5 Mắt trong veo của anh) ngược lên tới tập thứ nhất, có trang anh “xin làm con bò” chở trẻ thơ, để mắt mình được “hiền hết nói”...

 Tọa đàm thơ  'Trúc Thông - Chầm chậm tới mình'

Tọa đàm thơ 'Trúc Thông - Chầm chậm tới mình'

Sáng ngày 9/9, Khoa Viết văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Trúc Thông - Chầm chậm tới mình”.

Bài thơ Cao Bằng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2) là một trong những bài thơ nổi tiếng của ông.

Gắng lặng thầm, trong suốt từng dòng

Sau khi qua đèo Gió/ Ta lại vượt đèo Giàng/ Lại vượt đèo Cao Bắc/ Thì ta tới Cao Bằng// Cao Bằng, rõ thật cao/ Rồi dần dần bằng xuống/ Đầu tiên là mận ngọt/ Đón môi ta dịu dàng// Rồi đến chị rất thương/ Rồi đến em rất thảo/ Ông lành như hạt gạo/ Bà hiền như suối trong// Còn núi non Cao Bằng/ Đo làm sao cho hết/ Như lòng yêu đất nước/ Sâu sắc người Cao Bằng// Đã dâng đến tận cùng/ Hết tầm cao Tổ quốc/ Lại lặng thầm trong suốt/ Như suối khuất rì rào// Bạn ơi có thấy đâu/ Cao Bằng xa xa ấy/ Vì ta mà giữ lấy/ Một dải dài biên cương.

Giọng thơ hiền tới mức, đã mấy mươi năm luyện chữ, chữ đã “chín lửa” vậy mà nói với học sinh cấp 1 vẫn không dám tu từ, cứ mộc mạc chữ tươi, chữ sống “để Mị nói cho mà nghe”! Kìa “đèo” xếp 3 tầng ngoài cửa xe lên đất này! Đang “cao”, xuống “bằng” lúc nào mà “ngọt”, mà ngon trớn vậy? Thử đi! 3 tầng đèo nhưng những 4 lớp, 4 chất người “thương”, “thảo”, “lành”, “trong”. Có ngần ấy chất thì mới “sâu sắc”, mới đứng được ở chỗ “Hết tầm cao Tổ quốc” đặng mà “giữ lấy” tất cả!

Khổ kết bài cứng, nhưng không thô, nếu biết cách nhìn biên cương đang theo đà chữ mềm mại như dải khăn quàng cổ, thắt eo cương vực nước nhà. Các thầy cô giáo chúng tôi khi đọc Trúc Thông hay liên tưởng như thế, để biết đường mà hướng học sinh tới những khoảng không, những góc khuất nơi thi sĩ cất giấu những vẻ đẹp thơ ca, chờ bạn đọc.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Trúc Thông

Đèo Gió, trong thơ ngũ ngôn giáo khoa, có phải Đèo Gió tứ tuyệt 4 dòng, 2 đoạn không đều nhau - “Đường lưng Đèo Gió” ở tập Một ngọn đèn xanh: Nhoai lên, quành xuống/ giữa núi xanh/ tiếng chim rơi tịch mịch/ nỗi người đi muôn trùng.

Có phải, Trúc Thông trên con đường thơ của mình đã “… trung thành tối đa với chớp sáng cảm xúc bộc lộ sâu mạnh nhất tinh hoa thơ con người mình” (Nhặt cho mình). Không vân vi tái hiện những vần vụ dẫn đến chớp sáng. Không đuổi bắt những tỏa lan sau chớp sáng. Chỉ nắm bắt chính cái chớp sáng của cảm xúc. Nên bài thơ bao giờ cũng cất lấy phần tinh chất nhất của cảm xúc thơ như Chu Văn Sơn đã bàn? Và phải như vậy mới có thể “lặng thầm trong suốt”.

Theo chúng tôi, những người soạn giáo khoa tiếng Việt đưa bài Cao Bằng của Trúc Thông vào Tiếng Việt 5 (tập 2), không phải vì đây là thơ viết cho thiếu nhi mà vì Cao Bằng rất Trúc Thông, và những người làm sách muốn học sinh làm quen với thứ thơ mộc, thơ không phấn son tu từ.

Cần mẫn học nghề để dạy nghề

Trúc Thông từng là biên tập viên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, từng được mời lên lớp ở Trường Viết văn Nguyễn Du, cho nên ông rất chú tâm học nghề viết để có thể dạy nghề này, ông có hẳn một chuyên luận về cách dùng từ của Nguyên Tuân, với các phần “Tiếng Việt dưới ngòi bút Nguyễn Tuân”, “Nguyễn Tuân tách từ”, “Một trong những khuyên son văn Nguyễn Tuân”, “Người lái đò sông Đà”…

Theo Trúc Thông “…trong lao động văn học ông [Nguyên Tuân] đã làm nhỏ mình đi, cúi mình xuống, để thấy tiếng Việt sững lên, tiếng mẹ đẻ của ta được tôn cao hết mức. Tiếng Việt dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân đã rạng vẻ lên, càng qua năm tháng, người đọc càng khám phá, phát hiện những thần tính của nó”.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Cao Bằng” của Trúc Thông trong sách giáo khoa “Tiếng Việt 5”

Trúc Thông cần mẫn tìm ra những thần tình kia. Trong văn Nguyễn Tuân, tiếng Việt nói về đất Việt, thật thiên biến vạn hóa! Những ngày hòa bình thì sông Việt “…vui như thấy nắng ròn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng” và thời chiến tranh phá hoại từ trên không, thời “xanh lè hai cục mắt Mỹ” nhòm ngó, thì “Mùa đông năm 1967 da trời Hà Nội thấp thỏm xanh ngắt một niềm cảnh giác”.

Học Nguyễn Tuân, tách từ, ghép từ, Trúc Thông luôn sinh ra từ mới cho trang viết của mình, với hy vọng người đọc chấp nhận rồi dùng chung, dùng quen, cùng làm giàu tiếng mẹ đẻ. Chỉ trong sách Văn chương ngẫu luận (NXB Quân đội Nhân dân 2003) của Trúc Thông, ta thấy ở trang 12 ông thử “chiêm ngẫm vài phẩm chất thi ca…”. Ở trang 16, ông thử “áp nhập từ bên ngoài bài thơ”. Ở trang 33, ông thử “ích cốt từ những khảo sát”. ,Ở trang 82 ông thử “hình thức và nội dung luôn quyện nhuyễn”. Ở trang 99, ông “lạ lùng thay, hình ảnh không ngộn đẹp lên như thế nữa”. Quyện nhuyễn, ngộn đẹp, ích cốt, áp nhập, chiêm ngẫm… kiên trì sinh sôi ngôn ngữ, từng nét, từng nét!

“Học thầy không tày học bạn”, Trúc Thông có cả một trang, để bàn về một câu lục bát, của “cô bé nhà quê” Thu Nguyện, từ Cao Lãnh ra Hà Nội học viết văn: “… nhóm từ “ngọn gió quê nhà” trong trẻo biết mấy, không phải chỉ cảm thấy mà như nhìn thấy, sờ được. Ngọn gió ấy “mát từ kiếp trước mát sang kiếp này”, nếu dịch ra một ngôn ngữ nước ngoài nào cũng không phải là khó, vì cái ý hay bộc lộ không có gì khó nắm bắt. Nhưng dịch dù khéo giỏi mấy cũng sẽ mất đi cái ý vị muốn truyền đạt thật nhiều của tác giả đựng trong cái tính từ được biến thành động từ tiếng Việt “mát”, được lặp lại trong phép đối xứng của thi pháp lục bát dân tộc “mát từ kiếp trước, mát sang kiếp này. Từ ngữ và hình ảnh ở đây vừa “thực như đếm” lại vừa “ảo như thơ”.

Mải miết chép chuyện “văn nhân tương thân”

Học cách viết! Và cần thiết hơn, Trúc Thông học cách sống. Người viết bài này còn giữ được những trang chép tay, Trúc Thông ghi lại chuyện “văn nhân tương thân” mà ông từng thấy, hay nghe kể lại.

“Nhà văn Ông Văn Tùng hồi mới viết đặc biết phục truyện ngắn Nguyễn Khải: “Đấy! Tài ở chỗ ấy! Vứt cho ông ta ba bốn cái nan loại bỏ đi, “lão” đan liền thành một thứ thức đựng thật mê mắt, lọn tay! Mà người tài ấy lại giản mộc đến thế cơ chứ! Mình đến thăm ông ấy ở Phúc Xá, nhà tuềnh toàng chẳng có gì, ông ấy chỉ vận mỗi cái quần đùi, cởi trần, cười hề hề bảo, hai anh em ta ngồi luôn xuống chiếu trải dưới đất này chuyện văn chương”.

Chú thích ảnh
Nhà Thơ Trúc Thông (thứ hai từ phải qua) trong hội thảo về ông

Văn Tùng nể phục Nguyễn Khải còn Nguyễn Khải thì chính Trúc Thông chứng kiến bậc văn tài đàn anh nể phục đàn em Đỗ Chu! Lại công khai nể phục trước cử tọa là sinh viên khoa văn ĐH Tổng hợp Hà Nội: “Sao nó tài thế không biết! Mình thì ngẫm đi nghĩ lại mãi chưa ra, mà cái cậu này, cứ như thể đặt đít xuống ghế là viết ngay một mạch, mà văn lại hay, cứ bay lượn tươi rói mới chết chứ!”.

Nể phục bạn văn bút, nể phục cả bạn chăn gối trăm năm với người văn bút. Một lần thầy Trần Lê Văn nói với học trò của mình: “Vợ cũng quan trọng lắm đấy Trúc Thông ạ. Cứ xem như mình đây này, người thành phố hẳn hoi mà bấy nhiêu năm phải vin vào vai một người đàn bà miền núi mới lần đi nổi giữa đồng bằng đấy!”.

***

Trên mạng facebook cho tới hôm nay, cửa nhà Trúc Thông vẫn sáng đèn. Người yêu thơ vẫn thấy chân dung có phần lãng tử của anh. Và có hỏi vẫn được trả lời. Nhưng người trả lời không phải Trúc Thông, mà là vợ anh, chị Minh Nguyệt, người vợ trẻ, nhỏ hơn Trúc Thông tới gần 20 tuổi.

Trúc Thông nằm bệnh đã cả chục năm nay sau tai biến mạch máu não. Hôm qua điện hỏi thăm sức khỏe nhà thơ, chị Nguyệt cho biết:

- Nhà em tỉnh tỉnh mơ mơ. Thỉnh thoảng bạn thơ đến chơi, nhắc chuyện ngày xưa, ông cũng cười được, vui được chốc lát, rồi lại mơ mơ tỉnh tỉnh. Em lại được trò chuyện thay chồng. Tập thơ nhà nước đặt hàng, mẹ con em nhập tin, đưa nhà xuất bản đấy ạ. Ba mẹ con thay nhau, bón cháo, bón sữa cho nhà em.

Tôi hỏi xin tài liệu viết bài, chị Nguyệt gửi cho file hình, file chữ với nhiều chuyện thật cảm động.

Lại nhớ có lần nhà văn Trung Trung Đỉnh kể chuyện thuốc tiên: “Hôm nhà thơ Trúc Thông nằm bất tỉnh ở Bệnh viện Việt - Xô và phải tiêm thuốc, bạn bè đến thăm nhiều, có người tự tin nói: "Tiêm thuốc làm gì, lão không tỉnh đâu. Tiêm ít thơ vào là tỉnh ngay".

(Còn tiếp)

Vài nét về nhà thơ Trúc Thông

Nhà thơ Trúc Thông sinh năm 1940, đang sống ở Hà Nội. Từng nhập ngũ, biên tập văn học. Đã xuất bản các tác phẩm: Chầm chậm tới mình (thơ, 1985), Maraton (thơ, 1993), Một ngọn đèn xanh (thơ, 2000), Văn chương ngẫu luận (lý luận phê bình, 2003), Vừa đi vừa ở (thơ, 2005), Mẹ và em (bình thơ, 2006), Trúc thông tiểu luận - bình thơ (2013), Trúc thông thơ (2014).

Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.

 

Trần Quốc Toàn Tâm

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN