TTVH Online

Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định về nghệ thuật biểu diễn vừa ban hành

18/12/2020 12:00 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chính thức có hiệu lực từ 1/2/2021 với những điểm mới.

(Thethaovanhoa.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chính thức có hiệu lực từ 1/2/2021 với những điểm mới.

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn 'nhiều trái ngọt nhưng không thiếu trái đắng'

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn 'nhiều trái ngọt nhưng không thiếu trái đắng'

“Thời gian qua, hoạt động nghệ thuật biểu diễn có nhiều trái ngọt nhưng cũng không thiếu trái đắng”. Đây là ý kiến đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại Phiên họp thứ 46 diễn ra sáng 14/7.

Cụ thể, so với quy định trước đây tại Điều 6 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định cấm tổ chức, cá nhân biểu diễn sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.

Tại Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP có quy định các hành vi sau đây bị cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn:

1. Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

3. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thủ giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.

4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Trong Nghị định số 144/2020/NĐ-CP cũng không còn nhắc tới các khái niệm “tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia biểu diễn”.

Cũng theo nghị định mới này, các người đẹp đi thi quốc tế sẽ không cần có danh hiệu nhan sắc trong nước. 

Chú thích ảnh
Người đẹp không cần có danh hiệu nhan sắc vẫn được đi thi quốc tế. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Điều 19 của Nghị định 144/2020/NĐ-CP về: “Điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu” chỉ yêu cầu: 1. Có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi; 2. Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; 3. Không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về thủ tục, cá nhân muốn ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu sẽ phải đề nghị cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cá nhân cư trú cấp văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài.

Hoài Ngọc

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN