TTVH Online

Huyền thoại Woody Allen tròn 85 tuổi: Bê bối đeo bám 'kho báu của nền điện ảnh'

03/12/2020 08:20 GMT+7

Bất chấp nhiều năm được ca ngợi với tư cách là đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ và nhà văn, danh tiếng của Woody Allen đang bị lu mờ bởi những cáo buộc lạm dụng từ bạn gái cũ và con gái nuôi. Khi nhà làm phim bước sang tuổi 85 vào ngày 1/12 vừa qua, người ta nói nhiều tới di sản đầy mâu thuẫn của ông.

(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp nhiều năm được ca ngợi với tư cách là đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ và nhà văn, danh tiếng của Woody Allen đang bị lu mờ bởi những cáo buộc lạm dụng từ bạn gái cũ và con gái nuôi. Khi nhà làm phim bước sang tuổi 85 vào ngày 1/12 vừa qua, người ta nói nhiều tới di sản đầy mâu thuẫn của ông.

Hai phụ nữ ngực trần làm loạn đêm nhạc của đạo diễn Woody Allen

Hai phụ nữ ngực trần làm loạn đêm nhạc của đạo diễn Woody Allen

Hai phụ nữ biểu tình trong trạng thái ngực trần đã làm gián đoạn buổi hòa nhạc của đạo diễn Woody Allen và ban nhạc jazz New Orleans hôm 11/7.

Allen bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một cây bút tự do vào đầu những năm 1950, khi vẫn còn là một thiếu niên. Trước khi bước sang thập niên 1960, ông trở thành nhà văn châm biếm với bút danh là Woody Allen và mau chóng củng cố vững chắc danh tiếng của mình. Nhà phê bình điện ảnh lừng danh Roger Ebert mô tả Allen là “kho báu của nền điện ảnh”.

Nhà làm phim có ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ 20

Theo ước tính của Allen, chỉ trong năm 1962, ông đã viết 20.000 truyện cười. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu trong sự nghiệp của ông. Từ các chương trình truyền hình như Ed Sullivan Show và các câu lạc bộ hài kịch ở Greenwich Village, Manhattan, Allen đã trở thành một cái tên quen thuộc với danh nghĩa là một trong những nhà làm phim có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Nhiều ngôi sao Hollywood nổi tiếng đã tham gia các bộ phim của nhà biên kịch kiêm đạo diễn lừng danh này, như Cate Blanchett, Emma Stone, Kate Winslet, Joaquin Phoenix và Scarlett Johansson. Có điều, sự nghiệp của Allen luônbị ảnh hưởng với những lùm xùm.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “A Rainy Day in New York” của Woody Allen

Allen tên thật là Allan Stewart Konigsberg. Ông sinh ngày 1/12/1935 ở Bronx. Allen là một người toàn diện thực sự. Ông không chỉ viết nhiều vở kịch thành công, giải trí cho thế giới bằng những câu chuyện cười của mình mà còn làm đầy tủ danh hiệu của mình với 4 giải Oscar, giải Quả cầu Vàng Cecil B. DeMille Thành tựu trọn đời và 9 giải của Viện Hàn lâm Điện ảnh Anh. Ông còn là người được nhiều đề cử Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất: 16 đề cử. Chưa kể, ông còn là một nghệ sĩ kèn clarinet thành công, chơi trong ban nhạc jazz Eddy Davis New Orleans đã đi lưu diễn khắp thế giới.

Theo nhà viết tiểu sử Stephan Reimertz, Allen đã đề cập đến “các chủ đề chung của thế kỷ 20” trong hơn 50 bộ phim của mình.

“Phim của Allen phản ánh tầng lớp trung lưu với những phức tạp của nó như tiền bạc, tình dục, văn hóa và phân tâm học, với những thử nghiệm mới mẻ về lòng tự trọng của họ. Ông tìm thấy những nỗi sợ thất bại chung của con người trong những những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt của tầng lớp trung lưu” - Reimertz viết.

Các bộ phim của Allen thường lấy bối cảnh ở thành phố New York, như Manhattan (1979), Broadway Danny Rose (1984), Everyone says: I love you (1999), Blue Jasmine (2013) hay A Rainy Day in New York (2019). Allan Stewart Konigsberg biết thành phố này từ thời thơ ấu, lớn lên trong khu phố Do Thái Flatbush của New York ở Brooklyn.

Chú thích ảnh
Nhà làm phim huyền thoại Woody Allen

Vào đầu thiên niên kỷ, Allen chủ yếu chuyển bối cảnh các bộ phim của mình đến các đô thị châu Âu như Barcelona, Paris hoặc Roma. Tuy nhiên, trong bộ phim A Rainy Day in New York (2019), ông lại chuyển bối cảnh về quê hương của mình. Bộ phim này, cũng như Rifkin's Festival (2020) gần đây nhất của ông, xoay quanh lĩnh vực kinh doanh điện ảnh.

Trong khi A Rainy Day in New York kể về một sinh viên được phép phỏng vấn một đạo diễn ngôi sao lớn tuổi ở Manhattan để đăng trên tờ báo của trường đại học, thì bộ phim hài mới Rifkin's Festival lấy bối cảnh tại Liên hoan phim San Sebastian.

Không có gì lạ khi những bộ phim của Allen đề cao lĩnh vực điện ảnh, trong đó nổi bật nhất là The Purple Rose of Cairo (1985). Trong phim, thực tế và thế giới điện ảnh hợp nhất với nhau. Đây là bộ phim rất hấp dẫn và thú vị, tôn vinh những bộ phim Hollywood thời kỳ hoàng kim.

Tai tiếng với cáo buộc lạm dụng

Tuy nhiên, hình ảnh của nhà làm phim “mắn đẻ” và xuất sắc đã bị tổn hại, đặc biệt là trong những năm gần đây do cáo buộc từ cuộc sống riêng tư của ông. “Đối tác” cũ của ông, Mia Farrow, đã cáo buộc Allen lạm dụng tình dục con gái nuôi của họ là Dylan Farrow vào những năm 1990. Allen luôn bác bỏ cáo buộc. Nhà làm phim mất quyền giám hộ Farrow do các cáo buộc nhưng không bị kết tội lạm dụng. Một số cuộc điều tra kết luận rằng không có bằng chứng đáng tin cậy.

Khi Dylan Farrow lặp lại cáo buộc vào năm 2014 trong một bức thư ngỏ được đăng trên blog của New York Times, ngành điện ảnh bắt đầu nhìn nhận lại vụ việc này, đặc biệt là trong bối cảnh phong trào #MeToo nổi lên từ năm 2017.

Chú thích ảnh
Woody Allen chỉ đạo làm phim A Rainy Day in New York

Trong bối cảnh ấy, nhiều diễn viên nổi tiếng đã quay lưng lại với Allen, bao gồm Colin Firth và Natalie Portman. Nhiều ngôi sao khác cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi từng làm việc với ông. Timothée Chalamet (A Rainy Day in New York - 2019) thậm chí còn quyết định ủng hộ thù lao của mình cho phong trào Time's Up - chiến dịch chống lại nạn quấy rối và lạm dụng.

Các cáo buộc mới lại “kích hoạt” phản ứng của công chúng đối với âm nhạc và sáng tác của Allen. Năm 2017, các nhà hoạt động từ nhóm quyền phụ nữ Femen đã làm gián đoạn buổi hòa nhạc mà Allen chơi kèn clarinet biểu diễn cùng ban nhạc của mình tại Hamburg Elbphilharmonie.

Các ấn phẩm sách của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở Mỹ. Nhà xuất bản Mỹ của Allen, Hachette, đã hủy xuất bản cuốn hồi ký Apropos of Nothing của ông vào hồi tháng 4.

Không phải tất cả đều quay lưng

Nữ diễn viên Scarlett Johansson tiếp tục công khai ủng hộ Allen. Ở một mức độ lớn, cô mang ơn Allen bởi nhờ đóng phim của ông sự nghiệp của cô ở Hollywood mới được như ngày hôm nay. Johansson đã gây được tiếng vang khi đóng 3 bộ phim của Allen, gồm Match Point (2005), Scoop (2006) và Vicky Cristina Barcelona (2008).

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim Rifkin's Festival, tác phẩm điện ảnh mới nhất của Woody Allen

Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2019 của tờ Hollywood Reporter, Johansson nói rằng cô tin nhà làm phim. “Tôi yêu Woody. Tôi tin ông và tôi sẽ làm việc với ông bất cứ lúc nào”.

Còn Elle Fanning, người đóng vai chính trong phim A Rainy Day in New York của Allen, không quyên góp thù lao của mình cho quỹ từ thiện giống như bạn diễn Timothee Chalamet và đây có thể được coi là một tuyên bố ủng hộ đạo diễn.

Trong khi đó, nam tài tử Jude Law, người cũng đóng trong bộ phim được bấm máy vào năm 2017, đã công khai nói rằng anh nhận lời làm việc với đạo diễn và cho rằng những lùm xùm cáo buộc nhà làm phim là “chuyện riêng tư”.

“Một trong những nhà biên kịch vĩ đại
nhất mọi thời”

Nhiều đạo diễn ngưỡng mộ tác phẩm của Allen, trong đó Quentin Tarantino đã gọi ông là “một trong những nhà biên kịch vĩ đại nhất mọi thời”. Còn Martin Scorsese đã phát biểu trong Woody Allen: A Documentary rằng: “Sự nhạy cảm của Woody đối với thành phố New York là một trong những lý do tại sao tôi yêu thích cách làm phim của ông".

Việt Lâm

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN