TTVH Online

Cứu hộ, thả hơn 800 cá thể rùa quý hiếm về biển

01/12/2020 08:41 GMT+7

Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, đã cứu hộ thành công và thả hơn 800 rùa con cùng 4 cá thể rùa trưởng thành về biển an toàn. Các cá thể rùa biển này thuộc danh sách các loài nguy cấp, quý hiếm đang được ưu tiên bảo vệ.

(Thethaovanhoa.vn) - Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, đã cứu hộ thành công và thả hơn 800 rùa con cùng 4 cá thể rùa trưởng thành về biển an toàn. Các cá thể rùa biển này thuộc danh sách các loài nguy cấp, quý hiếm đang được ưu tiên bảo vệ.

Tuyên án kẻ tàng trữ số lượng lớn xác rùa biển nguy cấp, quý hiếm

Tuyên án kẻ tàng trữ số lượng lớn xác rùa biển nguy cấp, quý hiếm

Ngày 4/6, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Tuấn Hải (sinh năm 1972, trú tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) 4 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 11, tại khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa có 43 lượt rùa lên bãi biển đẻ; trong đó có 13 tổ đẻ thành công với 1.377 trứng. Các nhân viên đã cứu hộ thành công và thả 810 cá thể rùa con về biển. Đồng thời, Vườn đã tiếp nhận cứu hộ 4 cá thể rùa trưởng thành thuộc bộ rùa biển gồm Rùa xanh, Đồi mồi, Quản đồng thả về lại môi trường sống tự nhiên.

Ông Trần Văn Tiếp, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, Vườn hiện là một trong số ít khu vực trên đất liền ở Việt Nam có rùa biển lên đẻ trứng hàng năm. Mùa rùa biển lên đẻ trứng thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11, trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 là mùa cao điểm sinh sản của rùa biển.

Chú thích ảnh
Rùa con chuẩn bị bơi ra biển để bắt đầu một hành trình mới. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Để bảo vệ rùa biển, trứng và rùa con không cho các loài thiên địch phá hoại và bị săn trộm, các khu vực có rùa biển lên làm tổ được Ban Quản lý Vườn tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt. Trong thời gian rùa lên bãi đẻ trứng, các nhân viên thường xuyên tuần tra, theo dõi, ghi nhận các thông tin về rùa biển lên bãi đẻ trứng, di dời các tổ trứng có nguy cơ ngập nước do thủy triều, tiến hành cứu hộ và thả rùa con về biển an toàn.

Đồng thời, Ban Quản lý Vườn xây dựng khu vực cứu hộ sinh vật biển để tiếp nhận, cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện rùa bị nuôi nhốt, đánh bắt, đảm bảo đủ các điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi thả ra môi trường tự nhiên.

Theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn, trước đây tại vùng biển Vườn Quốc gia Núi Chúa có 3 loài rùa biển đến sinh sản gồm Rùa xanh, Đồi mồi, Quản đồng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tần suất rùa biển xuất hiện, lên bãi tìm chỗ đẻ ngày càng ít dần, hiện chỉ còn ghi nhận loài Rùa xanh còn lên bãi đẻ trứng.

Nguyên nhân khiến rùa biển ít xuất hiện và lên tìm bãi đẻ là do tình trạng biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài khiến lớp cát ở bãi biển không đủ độ ẩm thích hợp để làm tổ đẻ nên rùa quay trở lại biển. Các hoạt động đánh bắt có tính hủy diệt như khai thác san hô, đánh mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường sống của rùa biển; hoạt động đánh bắt để lấy thịt, trứng và mai rùa khiến số lượng rùa suy giảm.

Ngoài ra, tình trạng rùa biển bị chết do vô tình mắc vào lưới đánh cá của ngư dân khiến rùa không thể ngoi lên mặt nước để thở và dần chết ngạt. Bãi đẻ và nguồn thức ăn của rùa biển ngày càng thu hẹp do các hoạt động xây dựng, ô nhiễm môi trường...

Ông Trần Văn Tiếp cho biết, để bảo vệ loài rùa biển quý hiếm, Vườn quốc gia Núi Chúa đang triển khai đồng bộ nhiều phương án, giải pháp để bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng cùng các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm khác.

Cụ thể, Vườn xây dựng và duy trì các vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập các tổ tình nguyện viên cùng tham gia bảo vệ rùa biển; đồng thời tăng cường phối hợp với các tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật về việc bảo tồn, cứu hộ và cứu chữa rùa biển cho cán bộ, tình nguyện viên.

Song song đó, Vườn tuyên truyền cho ngư dân địa phương khi gặp rùa lên bãi đẻ hoặc đi biển thấy rùa bị nạn lập tức báo ngay cho lực lượng cứu hộ; xây dựng mạng lưới các vùng biển trên đất liền tại Việt Nam để tiếp nhận các cá thể rùa còn sống, đưa tới Vườn Quốc gia Núi Chúa cứu hộ, thả về tự nhiên. 

Theo Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vườn Quốc gia Núi Chúa là một trong những khu vực ưu tiên bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển.

Để bảo tồn các loài rùa biển, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Vườn Quốc gia Núi Chúa tăng cường công tác bảo vệ loài rùa biển; kiểm tra, giám sát chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ rùa biển, trứng và các bộ phận của rùa biển; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quản lý, bảo vệ, bảo tồn rùa biển./.

Nguyễn Thành - TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN