TTVH Online

Phim tài liệu 'Màu cỏ úa': Thắm tình du thủ với du ca

01/12/2020 08:00 GMT+7

Tuần trước, phim tài liệu Màu cỏ úa chính thức ra mắt khán giả TP.HCM thông qua đường bán vé tại rạp. Đây là phim tài liệu nói về những chuyến du ca bất tận trong âm nhạc và trong cuộc đời của nhạc sĩ Trần Tiến...

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần trước, phim tài liệu Màu cỏ úa chính thức ra mắt khán giả TP.HCM thông qua đường bán vé tại rạp. Đây là phim tài liệu nói về những chuyến du ca bất tận trong âm nhạc và trong cuộc đời của nhạc sĩ Trần Tiến. Phim làm người xem xúc động khi vừa nhìn lại hành trình âm nhạc xuyên suốt nửa thế kỷ của một nhạc sĩ tài hoa, vừa được thưởng thức một cách làm phim tài liệu cuốn hút và thành công của một nhà làm phim 9X.

Trần Tiến và tôi

Trần Tiến và tôi

Vũng Tàu đêm chớm Thu. Trần Tiến tự lái xe đưa tôi đến nhậu ở nhà một người em mến mộ âm nhạc. Gặp nhau ở Hà Nội - mỗi lần Tiến ra - đã nhiều. Nhưng gặp nhau ở Vũng Tàu, nơi Tiến chọn làm chỗ ẩn náu cuối đời thì đây mới là lần thứ 2, sau 5 năm về trước.

Trước hết, xin hiểu từ du thủ ở đúng nghĩa ban đầu của nó: là người lang thang, bất định, không ổn định nơi ở hoặc nghề nghiệp (chứ không phải nghĩa phái sinh có phần tiêu cực mà đa phần mọi người vẫn dùng).

Hiểu như vậy, có thể thấy với Màu cỏ úa, nhà làm phim Lan Nguyên đúng là một kẻ du thủ thật sự. Bởi chị không hề có kinh nghiệm hoặc kinh qua trường lớp bài bản nào về mảng phim ảnh nói chung, cũng như với thể loại phim tài liệu nói riêng.

“Liều” với một nhân vật lớn

Học kiến trúc, ra làm phóng viên và biên tập viên truyền hình. Rồi giờ lại “cả gan” làm phim tài liệu về một nhạc sĩ lớn như Trần Tiến. Trong lời đầu phim chị đã tâm sự, vì mê nhạc Trần Tiến từ thuở bé, rồi lớn lên vẫn không ngừng bị thôi thúc bởi sự tò mò về đời và nhạc của ông, nên Lan Nguyên quyết “đi tìm” chân dung con người cách mình 5 thập niên. Nhìn lại, có thể thấy chị thật sự liều.

Chú thích ảnh
Trần Tiến (cầm micro, bên trái) trong một chuyến du ca thời còn trẻ

Sau nhiều nỗ lực và cơ duyên, cuối cùng cô biên tập viên truyền hình, lúc đó mới chừng 25 tuổi đã được nhạc sĩ gật đầu để cô thực hiện bộ phim tài liệu về ông. Có thể nói, bộ phim ngồn ngộn những thước phim tư liệu quý giá về nhạc sĩ Trần Tiến từ thời ông còn trẻ, cho đến hiện tại.

Với phim, người xem sẽ thấy lại những bài hát, những khoảnh khắc Trần Tiến làm say mê bao thế hệ người nghe nhạc từ trẻ đến già của những năm thập niên 80, 90 thế kỷ trước. Đó là một sự dày công đáng nể của ê-kíp làm phim.

Hơn nữa, Màu cỏ úa làm hiện lên một Trần Tiến vừa quen mà vừa mới lạ. Quen bởi vẫn những ca khúc đó, vẫn là Trần Tiến bằng da thịt đó, nhưng cách nhìn của thế hệ 9X - thế hệ chưa từng kinh qua mưa bom bão đạn, chưa kinh qua những tháng năm đất nước khốn khó, con người sống chật vật - lại khác. Trần Tiến đang lý giải cho không chỉ riêng Lan Nguyên hay một bạn trẻ nào mà cho tất thảy mọi người thấy, ông du ca và phiêu lãng bằng chính cuộc đời thăng trầm, chật vật một thời của mình chứ không thoát lên chín tầng mây hư tưởng. Phiêu lãng trong hiện thực tàn khốc.

Chú thích ảnh
Nhà làm phim trẻ Lan Nguyên

Chưa dừng lại ở đó, với việc đi theo nhạc sĩ suốt 5 năm với 15 chuyến đi, tiếp xúc và thực hiện bộ phim, lựa chọn những khoảnh khắc đời thường nhưng rất đắt, rất độc, bộ phim đã mang đến cho người xem một Trần Tiến của thời hiện tại vẫn đang tiếp tục chuyến du ca bằng đôi chân trần và bằng tâm tưởng lãng du, phiêu bồng như thế nào. Đến ngay chính bản thân nhạc sĩ, khi xem bộ phim được dựng hoàn chỉnh, ông cũng không giấu nổi cảm xúc “hạnh phúc” đang trào dâng trong mình.

Có thể nói, lối dựng phim đa điểm nhìn về một nhân vật của Lan Nguyên cho thấy chị du thủ nhưng không hề amateur với phim tài liệu. Mỗi phân đoạn, phân cảnh, luôn có những chi tiết, những tình tiết xuất hiện ấn tượng và ăn sâu vào tâm trí người xem. Tiêu biểu như chi tiết người bạn chiến đấu ở Trường Sơn năm xưa với nhạc sĩ, ông Trần Cường, ngồi trong căn chòi dựng trên tán cây me cổ thụ, nhìn ra biển xa xăm kể về thần tượng của mình. Khi thấy khoảnh khắc này, tác giả của ca khúc Mặt trời bé con phải thốt lên: “Cường ơi, em có tất cả, còn anh vẫn đang đi tìm”.

Chú thích ảnh
Trần Tiến tâm sự cuộc đời ông sinh ra bên một dòng sông và ông biết nước của nó sẽ trôi ra biển, nên sau này ông đã chọn về sống bên biển

Thêm một hy vọng về phim tài liệu Việt

Xưa nay, ở Việt Nam, sân chơi dành cho phim tài liệu hầu hết được mặc định là những chiếc ti vi, là kênh truyền hình. Cách đây hơn 5 năm, cơ hội để phim tài liệu ra rạp, hút khách, đọ với phim điện ảnh là điều không thể. Định kiến đó cùng với sự kém sáng tạo, rập khuôn kéo dài hàng mấy chục năm của phim tài liệu Việt đã khiến thể loại vốn kén khán giả này càng lúc càng ít nhận được sự quan tâm đúng mức.

Nhưng gần đây với việc gây được tiếng vang khi ra rạp của các phim như: Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đi tìm Phong, Đoạn trường vinh hoa… thể loại phim vốn chỉ dành cho màn ảnh nhỏ này đang dần tạo được ấn tượng và sự chú ý của khán giả màn ảnh rộng. Những gương mặt mới, những nhà làm phim trẻ đang dần thay đổi những định kiến cố hữu kia bằng cách làm táo bạo cả về cách thức lẫn đề tài của họ.

Và nay, Màu cỏ úa xứng đáng được vinh danh là một bộ phim tài liệu chiếu rạp, một bộ phim tài liệu của dòng chảy thị trường điện ảnh.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Trần Tiến trong phim

Lối làm phim không hề có truyện, không dựng kịch bản sẵn của Màu cỏ úa kích thích sự tò mò của khán giả về một nhân vật thần tượng mà họ ngỡ đã quá quen. Không kịch bản sẵn là một trong những cách làm phim tài liệu căn bản nhưng luôn mang lại tính hiệu quả cao. Trước Màu cỏ úa của Lan Nguyên, Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy gây chấn động dư luận những năm 1987 cũng được dựng theo lối này.

Xem phim, chú ý kỹ có thể thấy, nhiều thước phim được đưa lên ở khoảnh khắc mà lúc đó, nhân vật chính đang là chính mình ở đời thật và ông không cho ghi hình. Ống kính đã phải quay trộm. Ghi lại cuộc sống chứ không viết lại cuộc đời luôn dễ mà khó. Dễ bởi ta không cần vắt óc tưởng tượng. Khó bởi ta phải vắt óc làm nó hiện lên sống động như chính nó. Và sống động đủ để lôi cuốn thỏa mãn người xem. Với những gì đã làm được, bộ phim tài liệu âm nhạc mà Lan Nguyên thực hiện có vẻ đã chinh phục được cả cái dễ lẫn cái khó này.

Bảo Bình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN