TTVH Online

Phế cầu khuẩn và biện pháp phòng ngừa sớm

26/11/2020 15:32 GMT+7

Phế cầu là một tác nhân vi khuẩn rất nguy hiểm, là thủ phạm gây ra 11% tổng số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể gây nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết

1. Dịch tễ học

Phế cầu là một tác nhân vi khuẩn rất nguy hiểm, là thủ phạm gây ra 11% tổng số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể gây nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, tỷ lệ tử vong lên đến 46,4% trong các nguyên nhân do bệnh nhiễm.

Trên thế giới, cứ 20 giây lại có 1 trẻ tử vong do viêm phổi. Có khoảng 350 triệu ca viêm tai giữa cấp hàng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh viêm phổi, viêm tai giữa thì viêm màng não cũng có tỷ lệ mắc cao, dao động từ 3,5 đến 7,4 trường hợp trong 100.000 dân mỗi năm trên toàn thế giới. Không chỉ có tỷ lệ tử vong cao, viêm màng não do vi khuẩn phế cầu còn để lại nhiều di chứng nặng nề: Rối loạn khả năng học tập, mất thính lực nhẹ, thỉnh thoảng lên cơn co giật…

Chú thích ảnh

Tại Việt Nam, hàng năm viêm phổi cướp đi mạng sống của 4.000 trẻ em trong tổng số 2,9 triệu ca mắc. Viêm phổi đáng sợ là thế, nhưng không phải ai cũng biết phế cầu khuẩn chính là một trong các nguyên nhân thường gây ra căn bệnh này, tỷ lệ tử vong trung bình là 10-20%, thậm chí trên 50% ở trẻ nhỏ.

2. Bệnh do phế cầu khuẩn lây lan như thế nào?

Phế cầu là vi khuẩn rất dễ lây lan qua đường hô hấp, thông qua việc ho, hắt hơi, hôn, dùng chung vật dụng… hoặc tiếp xúc, va chạm với người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang mầm bệnh.

3. Những ai có nguy cơ bị nhiễm bệnh do phế cầu khuẩn?

Bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn là một tình trạng đe dọa tính mạng gây tử vong trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi và những người mắc bệnh lý mạn tính, bệnh lý về gan, phổi, tim, người hút thuốc lá. Đây là nhóm người có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn những người khác.

4. Phế cầu khuẩn nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa từ sớm

Bệnh lý do phế cầu ở Việt Nam gây ra gánh nặng kinh tế - y tế - xã hội thật sự cần đáng quan tâm.

Tình hình đề kháng kháng sinh của phế cầu ngày càng nghiêm trọng.

Tính cấp thiết của việc phòng ngừa bệnh lý do nhiễm phế cầu cần thực hiện:

- Cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu đời.

- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống.

- Đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng.

- Giữ ấm cho trẻ.

Chủng ngừa vắc-xin là biện pháp hữu hiệu, đơn giản, ít tốn kém. Vắc xin giúp bảo vệ chống lại những chủng phổ biến gây ra hầu hết những trường hợp bệnh lý phế cầu nặng ở trẻ em và người lớn.

Hiện tại có 2 loại vắc xin giúp phòng ngừa sớm các bệnh lý do phế cầu:

Vắc xin Synflorix (Bỉ): Được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi với nhiều phác đồ khác nhau tùy theo độ tuổi. Theo đó lịch tiêm được khuyến cáo như sau:

Trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi:

- Mũi 1: vào 2 tháng tuổi.

- Mũi 2: vào 3 tháng tuổi.

- Mũi 3: vào 4 tháng tuổi.

- Mũi 4: sau 6 tháng kể từ mũi thứ 3.

Trẻ từ 7- 11 tháng (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó):

- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.

- Mũi 2: cách mũi 1 là 1 tháng.

- Mũi 3: hai tháng sau mũi 2 và phải tiêm sau 1 tuổi.

Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó):

- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.

- Mũi 2: cách mũi 1 là 2 tháng.

Vắc xin Prevenar 13 (Anh): Được chỉ định cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi, trẻ trên 5 tuổi và người lớn, đặc biệt là người cao tuổi và người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp, hút thuốc lá… để phòng ngừa bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết.

Lịch tiêm được khuyến cáo như sau:

Trẻ em từ 2 đến 6 tháng tuổi:

- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.

- Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.

- Mũi 3: Cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.

- Mũi 4: Tiêm khi trẻ 11 đến 15 tháng tuổi.

* Lưu ý: Mũi 4 cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 7 - 11 tháng tuổi:

- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.

- Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.

- Mũi 3: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.

* Lưu ý: Mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 12 đến 23 tháng tuổi:

- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.

- Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 24 tháng tuổi đến người lớn:

- Tiêm 1 mũi duy nhất.

PTTT

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN