TTVH Online

BioNTech sẽ định giá vaccine Covid-19 thấp hơn mức giá thị trường

10/11/2020 21:26 GMT+7

Ngày 10/11, công ty dược phẩm BioNTech thông báo đang lên kế hoạch ấn định giá của vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới dưới mức giá thông thường trên thị trường, cũng như điều chỉnh mức giá riêng giữa các nước và khu vực.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/11, công ty dược phẩm BioNTech thông báo đang lên kế hoạch ấn định giá của vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới dưới mức giá thông thường trên thị trường, cũng như điều chỉnh mức giá riêng giữa các nước và khu vực.

Người Việt tại Nga tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 lần thứ hai

Người Việt tại Nga tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 lần thứ hai

Nhóm 11 người Việt Nam tham gia tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 Sputnik V tại Nga đều có sức khỏe bình thường và đang được theo dõi y tế sát sao.

Giám đốc chiến lược Ryan Richardson của BioNTech nhận định giá vaccine sẽ phản ánh các rủi ro về tài chính mà các nhà đầu tư tư nhân đã gặp phải. Ông nhấn mạnh BioNTech đang hướng tới một cách tiếp cận cân bằng với nguồn vốn và đầu tư dành cho công tác bào chế vaccine. Do đó, công ty quyết định ấn định mức giá thấp hơn so với tỷ lệ trên thị trường để đảm bảo việc tiếp cận vaccine trên diện rộng.

Trước đó, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo một loại vaccine phòng COVID-19 do 2 công ty này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối, đang được tiến hành. Theo những kết quả sơ bộ, vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ 7 ngày sau khi các tình nguyện viên được cho dùng liều thứ 2 và 28 ngày sau khi dùng liều thứ nhất.

Chú thích ảnh
Trụ sở BioNTech. (Ảnh: Time of Israel)

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết Ủy ban châu Âu (EC) có thể ký thỏa thuận mua vaccine ngừa COVID-19 với BioNTech và Pfizer trong vài ngày tới. Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Berlin, Bộ trưởng Spahn cho biết đang đẩy nhanh quá trình đàm phán và hy vọng có thể hoàn tất hợp đồng trong những ngày tới.

EC đang trong giai đoạn đàm phán cuối với BioNTech-Pfizer về việc cung cấp 200 triệu vaccine ngừa COVID-19, và khả năng mua thêm 100 triệu liều nữa. Bộ trưởng Spahn hy vọng Đức sẽ nhận được 100 triệu liều vaccine của BioNTech-Pfizer. Ông cho biết dù không hy vọng nguồn cung vaccine có thể sẵn sàng trước quý I năm sau, song bày tỏ mong muốn vaccine có thể nhanh chóng được phê duyệt.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định tất cả các vaccine ngừa COVID-19 của Nga đều hiệu quả, đồng thời thông báo Nga sẽ sớm thông báo đăng ký vaccine thứ 3. Trong một tuyên bố, Tổng thống Putin nhấn mạnh Moskva sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước trong việc phát triển vaccine ngừa COVID-19, và hối thúc các nước khống nên chính trị hóa quá trình này.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, nhật báo The Straits Times ngày 10/11 đưa tin nước này có thể sẽ có vaccine phòng COVID-19 vào đầu năm 2021. Đây là sản phẩm vaccine do các nhà khoa học Singapore và Mỹ cùng phối hợp phát triển.

Công ty dược phẩm Mỹ Arcturus Therapeutics, đơn vị phối hợp cùng với các nhà khoa học của Trường Y Duke-NUS, ngày 9/11 cho biết đã có những kết quả tích cực  về thử nghiệm giai đoạn đầu loại vaccine này tại Singapore. Hiện tại, Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) đã đầu tư 45 triệu USD để sản xuất loại vaccine này. EDB sẽ được mua một lượng vaccine với giá trước đàm phán trị giá 175 triệu USD và các lô hàng đầu tiên sẽ có mặt tại Singapore trong quý I/2021.

Giáo sư Ooi Eng Eong của trường Duke-NUS cho biết kết quả thử nghiệm tới nay cho thấy loại vaccine này có thể có hiệu quả thông qua một liều duy nhất. Điều này khiến nó khác biệt so với nhiều loại vaccine khác đang được các nước phát triển.

Arcturus Therapeutics cho hay khoản đầu tư của Singapore giúp công ty có thêm nguồn lực để đẩy nhanh sản xuất vaccine, đáp ứng yêu cầu của các thoả thuận hiện có với Singapore và Israel, cũng như các thoả thuận tiềm năng khác trong năm 2021.

Đặng Ánh - Lê Dương

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN