TTVH Online

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa và con người Việt Nam

07/11/2020 06:00 GMT+7

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 6.11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 6.11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Việt Nam là ngọn hải đăng trong chống dịch COVID-19, điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Việt Nam là ngọn hải đăng trong chống dịch COVID-19, điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, sáng 2/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của đợt thứ 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội, làm rõ các vấn đề được cử tri quan tâm như nguyên nhân, giải pháp ứng phó thiên tai; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19; mô hình khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; quản lý các công trình văn hóa tâm linh...

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên chất vấn ngày 6/11. Ảnh: TTXVN

Sáng 6.11, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) về quy định mô hình khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, hiện vẫn chưa thống nhất, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành 3 nghị định, Bộ ban hành 2 thông tư hướng dẫn Luật Du lịch. Về mô hình quản lý khu du lịch, nội dung này chưa hoàn thành. Mô hình gắn với công tác quản lý và tổ chức bộ máy, tổ chức bộ máy không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Đây là chỗ rất khó mà trong quá trình Bộ nghiên cứu, tham mưu, vừa rồi Bộ đã tổ chức các hội nghị hội thảo về các mô hình này, nơi thì là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, nơi thì thuộc huyện, nơi thì thuộc Sở VHTTDL… Theo tôi, Bộ trưởng Nội vụ rõ hơn về vấn đề này; còn tình hình thực tế tùy thuộc vào quyết định của chính quyền địa phương. Chúng tôi đang nghiên cứu và sớm nhất đầu năm sau sẽ có hướng dẫn và đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp giải quyết.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn. Ảnh: Báo Văn hoá

Chiều cùng ngày, trả lời về quản lý các công trình văn hóa tâm linh của đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn tỉnh Tiền Giang), Bộ trưởng Bộ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Theo quy định hiện hành thì không có khái niệm khu du lịch tâm linh, tuy nhiên, có thể hiểu là khu du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Thời gian qua, các địa phương đã thu hút các doanh nghiệp có các sản phẩm như vậy. Hiện nay, mới có 6 khu du lịch quốc gia. Sáng nay tôi đã báo cáo là các mô hình quản lý, việc này hơi chậm, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và sẽ sớm ban hành mô hình quản lý. Về công khai minh bạch, thì phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Theo trách nhiệm quản lý, chúng tôi đề nghị các địa phương thực hiện việc công khai minh bạch này.

Trước đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Đề cập lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: “Hành lang pháp lý, cơ chế chính sách từng bước được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa phát triển. Triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Quan tâm đầu tư bảo tồn giá trị các di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Triển khai các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch trong đó ưu tiên phát triển du lịch gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số. Du lịch Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong giai đoạn 2016 - 2019, hạ tầng phục vụ du lịch phát triển, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu. Riêng năm 2020 ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cần được quan tâm hỗ trợ để phục hồi và phát triển”.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch tại một số địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả; công tác quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; khai thác quá mức tài nguyên du lịch; một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một”.

Theo Báo Văn hoá

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN