TTVH Online

'Ngôn ngữ' của nước mắt

03/11/2020 07:45 GMT+7

Hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi nghẹn ngào bật khóc đang liên tục được chia sẻ trên không gian mạng sau vụ sạt lở đất tại Trà Leng (Quảng Nam) – thảm kịch tang thương khiến hơn 20 người dân mất tích và bỏ mình. Rất dễ để nhận ra sự khác biệt giữa anh và những người xung quanh, khi bên cạnh khuôn mặt đau đớn ấy là chiếc máy quay phim chuyên dụng.

(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi nghẹn ngào bật khóc đang liên tục được chia sẻ trên không gian mạng sau vụ sạt lở đất tại Trà Leng (Quảng Nam) – thảm kịch tang thương khiến hơn 20 người dân mất tích và bỏ mình. Rất dễ để nhận ra sự khác biệt giữa anh và những người xung quanh, khi bên cạnh khuôn mặt đau đớn ấy là chiếc máy quay phim chuyên dụng.

Vụ sạt lở đất ở Nam Trà My: Tìm thấy thêm hai thi thể nạn nhân ở thôn 1, xã Trà Leng, thêm điểm sạt lở ở xã Trà Mai

Vụ sạt lở đất ở Nam Trà My: Tìm thấy thêm hai thi thể nạn nhân ở thôn 1, xã Trà Leng, thêm điểm sạt lở ở xã Trà Mai

Bằng nhiều nỗ lực, chiều 30/10, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy được thêm 2 thi thể nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Không nói, ai cũng đoán ra, đó là một nhà báo đang thực hiện công việc của mình - ghi hình và đưa tin về những gì đang diễn ra ở Trà Leng. Anh là Đoàn Hữu Trung, phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại khu vực Quảng Nam.

Như những gì được kể, những giọt nước mắt ấy xuất hiện vào sáng 30/10, khi Trung chứng kiến cảnh các lực lượng chức năng đang tìm kiếm những người thiệt mạng tại hiện trường. 30 năm trong nghề, anh vẫn không kìm nổi cảm xúc trước thi thể một cháu bé 2 tuổi được đưa lên sau khi khi bị vùi lấp ở độ sâu 1 mét. Những người cạnh Trung, dù là các sĩ quan lớn tuổi trong quân đội, cũng nghẹn ngào - trong khi anh quay máy đi chỗ khác, không thể ghi lại những gì đang có...

Chú thích ảnh
Phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Nam Đoàn Hữu Trung

Những giọt nước mắt, và cả ống kính được quay đi chỗ khác của Trung, khiến người ta nhớ tới câu chuyện của MC Tuấn Dương trên sóng VTV3 vài ngày trước, khi đang dẫn chương trình “Mưa lũ lịch sử miền Trung”. Khi ấy, nói về những nỗi đau mà thiên tai mang lại, chàng MC này cũng không kìm được cảm xúc và bật khóc - trước khi dừng lại, cố trấn tính và xin lỗi khán giả để tiếp tục phần dẫn dắt của mình.

Tất nhiên, sẽ chẳng ai chê cười việc ngừng tác nghiệp của Trung, cũng như... chấp nhận lời xin lỗi sau phút gián đoạn mà Dương mang lại. Một dòng thác trên không gian mạng của những lời động viên và chia sẻ dành cho 2 nhà báo này, đủ để chúng ta hiểu: Họ đang được quý mến, đồng cảm và tôn trọng như thế nào khi thể hiện cảm xúc thật của mình.

Bởi, không giống với những giọt nước mắt ở những cảnh huống khác - vốn xuất hiện đầy rẫy trên không gian mạng hay gameshow truyền hình - nước mắt của Trung và Tuấn Dương đến từ cảm xúc bình thường và đáng quý của mỗi con người trong những ngày này, trước những gì được chứng kiến tại dải đất miền Trung. Đó là một phần của những giọt nước mắt luôn dễ dàng ứa ra trên mặt của những người dân bình thường nhất, khởi nguồn từ những giọt nước mắt lặng lẽ rớt xuống trên những gò má hốc hác, những ánh mắt phờ phạc đỏ ngầu vì thiếu ngủ, vì đau đớn của những người dân miền Trung đang gặp nạn.

Nó cũng giống như những giọt nước mắt trên khuôn mặt của những khán giả trong đêm nhạc thiện nguyện “Cho người trong giông bão” diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 1/11 vừa qua, đã được đăng tải trên khá nhiều tờ báo điện tử. Chẳng ai trong số họ phải ngượng ngùng hoặc phải kìm chế những giọt nước mắt tự nhiên và chân thành ấy.Những giọt nước mắt có giá trị hơn muôn ngàn lời nói.

***

Bão lũ là câu chuyện đã quá quen thuộc ở Việt Nam cả ngàn năm nay, với sự khắc nghiệt về thời tiết cũng như những đặc thù về địa lý, địa hình. Và có lẽ, hiếm có năm nào, chúng ta không chứng kiến những giọt nước mắt đau đớn tuôn chảy vì những gì mà bão lũ gây ra.

Nhưng, chu trình ấy có lặp lại đến đâu, thì người ta cũng không bao giờ cảm thấy chai lì, thờ ơ và vô cảm khi bắt đầu nghe những thông tin về một cơn bão mới. Bởi đi kèm với bão luôn là nỗi đau, cũng như sự chia sẻ của những người Việt Nam trên cùng một dải đất. Chúng ta không bao giờ vô cảm trước nỗi đau của đồng bào mình.

Trí Uẩn

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN