TTVH Online

Kịch chống tham nhũng - Chỉ mong cất tiếng nói xây dựng

02/11/2020 21:11 GMT+7

Sân khấu kịch 5B vừa ra mắt vở Công lý như mặt trời (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Chánh Trực). Khán giả đã đến đầy kín khán phòng. Một vở kịch chống tham nhũng hình như đã làm khán giả xả được nỗi bức xúc trong lòng.

(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu kịch 5B vừa ra mắt vở Công lý như mặt trời (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Chánh Trực). Khán giả đã đến đầy kín khán phòng. Một vở kịch chống tham nhũng hình như đã làm khán giả xả được nỗi bức xúc trong lòng.

'Phiêu lưu' vì tình yêu nghệ thuật, Mỹ Uyên vay 600 triệu đồng 'tái dựng' Kịch 5B

'Phiêu lưu' vì tình yêu nghệ thuật, Mỹ Uyên vay 600 triệu đồng 'tái dựng' Kịch 5B

Kịch 5B (Hội Sân khấu TP.HCM) đóng cửa gần 3 năm nay để chờ kinh phí từ thành phố rót xuống sửa chữa trụ sở, nhưng kinh phí chưa về. NSƯT Mỹ Uyên - trong cương vị Giám đốc Kịch 5B - muốn sớm sáng đèn trở lại để hội viên, đồng nghiệp có chỗ làm nghề, thế là chủ động vay 600 triệu đồng sửa sân khấu.

1. Thực ra Công lý như mặt trời kể một câu chuyện xưa, chứ không phải chuyện của hôm nay. Ở đó có Lưu tri huyện và bọn công bộc bất tài, háo sắc, ăn của đút lót, nên xử án oan rằng A Ngưu đã giết người. Ở đó có Dần viên ngoại là một “đại gia” trong vùng, lấy của cải chi phối cả quan chức. Và con của lão là Dần Dần Chí thuộc loại công tử ham chơi hơn ham học, đua đòi hưởng thụ. Bọn họ cấu kết nhau lũng đoạn cả xã hội. Án oan của A Ngưu may có bà chủ Cao lầu là Lão Khổ đã chịu khó tìm manh mối và giải oan cho anh ta. Rốt cuộc, công lý như ánh sáng mặt trời, dù ai có lấy tay che đi thì cũng không che nổi, ánh sáng đó cũng hiện ra rực rỡ.

Tác giả Vương Huyền Cơ vốn là người luôn đau đáu với xã hội, luôn cất lên tiếng nói xây dựng cái tốt, bài trừ cái xấu. Những câu chuyện thời sự, tất nhiên chỉ là nguồn cảm hứng để chị kết hợp với sự hư cấu và các thủ pháp nghệ thuật để sáng tạo nên các trang viết chất lượng.

Chú thích ảnh
NSUT Mỹ Uyên (vai Lão Khổ), Chánh Trực (vai Lưu tri huyện) trong vở Công lý như mặt trời (Ảnh: H.K)

Kịch bản này khi tham dự trại sáng tác kịch bản sân khấu của TP.HCM thì đoạt giải A.

Chị cho biết, chính vì muốn thể hiện những con người bình thường trong cuộc đời, thậm chí những con người dưới đáy xã hội, nên chị cố tình yêu cầu đạo diễn đừng chọn diễn viên quá đẹp, mà hãy chọn diễn viên với ngoại hình bình thường, một người nằm trong số đông dân chúng, thậm chí đại diện cho người dân thấp cổ bé họng. Và đạo diễn Chánh Trực đã chọn Quốc Cường đóng vai A Ngưu rất phù hợp.

Chú thích ảnh
Hùng Thuận vai Dần viên ngoại, Quốc Thịnh vai Công tư tiên sinh (Ảnh: H.K)

Nhân vật Lão Khổ do NSƯT Mỹ Uyên đóng, đại diện cho trí tuệ nhân dân, mà theo Vương Huyền Cơ, chị lấy mẫu từ một ông cán bộ đã tâm huyết đi tìm chứng cớ giải oan cho một nạn nhân, bất chấp nguy hiểm, gian khó. Chánh Trực vừa là đạo diễn, vừa vào vai Lưu tri huyện, với sở trường hài hước, anh đã biến nhân vật thành một tên hề giữa công đường, luôn ra vẻ trịnh trọng, tuyên thệ những lời đạo đức, thanh liêm, hạ quyết tâm xây dựng huyện nhà, nhưng rốt cuộc chẳng làm được gì hết.

Tất nhiên, Chánh Trực biết tiết chế, mảng miếng hài rất chừng mực, tỉnh rụi, mà khán giả cười mới hay chứ. Cây hài Quốc Thịnh cũng tung những chiêu mới trong vai Công Tư tiên sinh, đúng là cả công đường chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Thủ pháp châm biếm này tỏ ra lợi hại so với cách nói lên án thẳng thừng. Suy cho cùng thì khi không nói trực diện được người ta sẽ đi đường vòng, đặc biệt dùng tiếng cười để phản biện. Khi người xem “cười ra nước mắt” thì sân khấu đã thành công.

Chú thích ảnh
Quốc Cường vai A Ngưu, Đoàn Tường Vy vai Nguyệt Hồng (Ảnh: H.K)

2. Thật sự để một vở kịch chống tham nhũng ra đời, người viết lẫn người dựng, nghệ sĩ đều phải vượt qua muôn ngàn khó khăn. Vương Huyền Cơ nói: “Đề tài này dễ bị khô, nên đa số tác giả đều ngại. Viết không tới thì không hay, còn viết cho tới thì đụng chạm. Cho nên khi viết, khi dựng, người ta đã nghĩ cái này, cái kia không qua được cửa “thẩm định” nên đã tự “thẩm định” trước, thành ra tác phẩm cứ bị cắt xén, không còn bao nhiêu sức nóng”.

Đạo diễn Chánh Trực cũng tâm sự: “Chúng tôi chưa nói hết ý của mình trong vở kịch đâu, nhưng thôi, bao nhiêu đó cũng “đã nư” (đã thoả mãn mong muốn) rồi, còn những bức xúc khác thì có khi mỗi đêm diễn anh em cập nhật thời sự thêm. Trong 2 suất diễn vừa qua, khán giả vỗ tay rất nhiều, có lẽ họ cũng được xả những nỗi niềm cùng với chúng tôi”.

Chú thích ảnh
Võ Ngọc Tân vai công tử Dần Dần Chí, Đoàn Tường Vy vai Nguyệt Hồng (Ảnh: H.K)

NSƯT Mỹ Uyên thì chia sẻ: “Chúng tôi mượn chuyện xưa nói nay, ai nhột thì ráng chịu. Thời nào thì con người cũng có những sai lầm giống nhau, lòng tham tạo nên tham nhũng, thiếu tình thương nên đối xử với dân tệ bạc, gây oan ức, hờn tủi. Chúng tôi chỉ mong cất tiếng nói xây dựng, mọi người nghĩ lại mà thương yêu lẫn nhau, sửa chữa sai lầm. Có sai thì có sửa, rồi cuộc sống sẽ tốt đẹp thôi”.

Mỹ Uyên cũng cho biết đầu tư vào một vở chống tham nhũng có khi là sự mạo hiểm hơn là đầu tư cho vở tình yêu, tâm lý. Nhưng chị yêu nghề, và cũng có những đau đáu về xã hội, nên mạnh dạn làm. Hình như đó cũng là trách nhiệm công dân mà người nghệ sĩ luôn ghi nhớ.

Hoàng Kim

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN