TTVH Online

Bộ ảnh của Hoàng hậu Sisi: Vén bức màn về một huyền thoại

29/10/2020 08:16 GMT+7

Những bức ảnh được Hoàng hậu Elisabeth của Áo - còn được biết đến với tên Sisi - thu thập đang xuất hiện trong triển lãm ảnh Sisi in Private: The Empress's Photo Albums tại Bảo tàng Ludwig ở Cologne (Đức). Những bức ảnh ấy giúp người ta hiểu thêm về góc khuất, cũng như cá tính của người phụ nữ huyền thoại này.

(Thethaovanhoa.vn) - Những bức ảnh được Hoàng hậu Elisabeth của Áo - còn được biết đến với tên Sisi - thu thập đang xuất hiện trong triển lãm ảnh Sisi in Private: The Empress's Photo Albums tại Bảo tàng Ludwig ở Cologne (Đức). Những bức ảnh ấy giúp người ta hiểu thêm về góc khuất, cũng như cá tính của người phụ nữ huyền thoại này.

Lễ Đăng quang của Nhà vua Thái Lan Rama X và tiểu sử tân Hoàng hậu, Đại tướng Suthida

Lễ Đăng quang của Nhà vua Thái Lan Rama X và tiểu sử tân Hoàng hậu, Đại tướng Suthida

Hoàng hậu Suthida trước đây được bổ nhiệm làm chỉ huy lực lượng bảo vệ gia đình hoàng tử Maha Vajiralongkorn vào tháng 8/2014. Sau đó, bà được bổ nhiệm tiếp làm chỉ huy lực lượng đặc nhiệm trong đội cận vệ Hoàng gia Thái Lan, rồi thăng hàm đại tướng vào ngày 1/12/2016.

Mùa Hè năm 1853, công chúa Bavaria Elisabeth được mời đến dự lễ sinh nhật lần thứ 23 của Hoàng đế Franz Joseph, người cai trị đế chế Habsburg. Đối với vị vua trẻ, đó là tình yêu sét đánh khi ông gặp cô. Họ nhanh chóng kết hôn và cùng nhau cai trị một trong những đế chế hùng mạnh nhất của châu Âu.

Trốn khỏi “ngục tối” để du lịch khắp châu Âu

Là một nhân vật lịch sử, Hoàng hậu Sisi thế kỷ 19 vừa là một huyền thoại vừa là một biểu tượng. Bà đại diện cho một khao khát chung, khao khát thoát ra khỏi sự trói buộc của cuộc sống hàng ngày để được là mình.

Sinh năm 1837, công chúa trẻ Elizabeth là con thứ 4 trong số 10 người con của Công tước Maximilian. Elizabeth đã trải qua những ngày tháng hạnh phúc nhất trong thời thơ ấu của mình tại dinh thự mùa Hè của cha mẹ mình ở Munich và hồ Starnberg gần đó, trước khi trở thành Hoàng hậu khi kết hôn vào năm 16 tuổi với Hoàng đế Áo Franz Josef.

Chú thích ảnh
Chân dung Hoàng hậu Áo Sisi

100 năm sau, biệt thự của Hoàng đế trở thành bối cảnh cho một số cảnh trong bộ 3 phim Sissi nổi tiếng của đạo diễn Ernst Marischka với sự thủ diễn của nữ diễn viên Đức gốc Áo Romy Schneider. Với bộ 3 phim về nàng công chúa trẻ có biệt danh Sisi (đánh vần là “Sissi” trong tựa phim), phát hành từ năm 1955 đến 1957, nhiều thế hệ khán giả truyền hình trên khắp thế giới đã thích thú theo dõi hành trình của nàng công chúa trẻ tuổi, khi cô cố gắng tuân thủ các nghi thức cung đình của Áo.

Tuy nhiên, việc trở thành hoàng hậu và chuyển đến Vienna không hẳn là thiên đường đối với công chúa tuổi vị thành niên. Chỉ 2 tuần sau khi kết hôn, Elizabeth gọi ngôi nhà mới của mình là một “ngục tối”. Chồng bà đã không thể dành toàn tâm cho cuộc sống riêng tư do vị vua trẻ bận rộn đối phó với những thất bại quân sự và quá trình chuyển đổi đế chế thành hai chế độ quân chủ lập hiến: Áo và Hungary.

Trong khi đó, những nghi thức cung đình nghiêm ngặt và Thái hậu can thiệp vào việc nuôi dạy con cái của Sisi (Sisi có 3 con gái và một con trai). Những chuyện này đã sớm khiến cho cuộc sống của Elizabeth ở Hofburg trở nên khó chịu. Elizabeth rất không hài lòng với cuộc sống trong cung đình và thường đau ốm.

Chú thích ảnh
Một bức ảnh đen trắng chụp một người phụ nữ đang ngủ trên giường. Ảnh do Hoàng hậu Sisi sưu tầm đang được trưng bày

Để nghỉ ngơi, Hoàng hậu trốn khỏi gia đình và Vienna, đi du lịch vòng quanh châu Âu, sống ở Venice (Italy), Madeira (Bồ Đào Nha) và Corfu (Hy Lạp) - nơi bà có thể thư giãn và hồi phục. Sau đó, Sisi đã xây dựng một cung điện sang trọng trên hòn đảo Corfu và dành nhiều thời gian để học tiếng Hy Lạp, đi dạo và gặp gỡ bạn bè.

Người phụ nữ cá tính

Trong thời gian ở nước ngoài, Sisi bắt đầu sưu tập bộ ảnh của mình. Trong số những album ảnh được hiển thị có 3 cái gọi là “album người đẹp”, được đóng bằng da tốt. Trong đó, Sisi thu thập hình ảnh của phụ nữ để nghiên cứu ngoại hình của họ.

“Tôi đang tạo một album làm đẹp và hiện đang sưu tập những bức ảnh chỉ dành cho phụ nữ” - Sisi viết cho anh rể của mình, Archduke Ludwig Viktor, vào những năm 1860 - “Bất kỳ khuôn mặt xinh đẹp nào anh có thể thu thập được từ các nhiếp ảnh gia thì hãy gửi cho tôi”.

Bảo tàng Ludwig đang lưu giữ 18 album ảnh của Hoàng hậu Sisi, trong đó có 2.000 bức ảnh. Triển lãm ở Cologne còn trưng bày cả những bức ảnh của Sisi, bao gồm các hình ảnh Hoàng hậu với những chú chó của bà hoặc những cảnh trong cuộc sống gia đình bà. Sisi còn sưu tầm những bức ảnh của các nữ nghệ sĩ và diễn viên “khét tiếng” trong xã hội hoàng gia lúc bấy giờ.

Chú thích ảnh
Romy Schneider trong bộ ba phim Sissi

Ở một khía cạnh nào đó, Hoàng hậu Elisabeth có thể được coi là người đi tiên phong trong việc sưu tầm các bức ảnh trong thời kỳ sơ khai của nhiếp ảnh. Thực tế, nhiếp ảnh được họa sĩ người Pháp Louis Daguerre chính thức giới thiệu vào năm 1839. Nhưng cho đến cuối thế kỷ 19, nhiếp ảnh mới trở thành một phương tiện được chấp nhận. Thông qua những bức ảnh được trưng bày, khách tham quan triển lãm ở Cologne sẽ khám phá ra nữ hoàng “hiện đại hơn nhiều và phóng khoáng hơn, sắc sảo, hoang dã hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng về bà” - theo giám tuyển triển lãm, Miriam Szwast.

Bằng cách tạo ra những album ảnh này, nữ hoàng Elisabeth “đã tạo ra một phân khúc xã hội phù hợp với sở thích của bà và bao quanh mình với những người trong những bức ảnh mà bà quan tâm” - Szwast giải thích.

Sisi cũng sử dụng bộ sưu tập để nhấn mạnh vẻ đẹp của chính mình. Trong thời của bà, đàn ông và phụ nữ đều say mê vẻ đẹp của Elisabeth. Tương truyền, hàng ngày Sisi dành rất nhiều thời gian cho việc làm đẹp, bao gồm cả việc chăm sóc cho mái tóc xoăn dài của mình trong nhiều giờ. Cho đến khi về già, Elizabeth vẫn có vòng eo con kiến với số đo 50cm.

Chưa hết, vào năm 1888, thời điểm mà việc xăm mình còn là điều cấm kỵ thì Sisi đã thể hiện tinh thần “nổi loạn” khi đã xăm hình mỏ neo trên vai nhằm tượng trưng cho tình yêu lớn lao của bà với biển.

Chú thích ảnh
Album ảnh của Sisi với nhiều bức ảnh đen trắng khác nhau

Bi kịch cuối đời

Trong những năm cuối đời, Elisabeth cũng làm thơ và được truyền cảm hứng từ nhà thơ, nhà tư tưởng cấp tiến người Đức Heinrich Heine.

Khi con trai bà Rudolf tự sát vào năm 1889, Hoàng hậu chỉ mặc đồ đen, cách ly triều đình và vai trò chính trị, chìm sâu hơn vào căn bệnh trầm cảm đã đeo bám bà từ lâu. Sisi tìm kiếm niềm an ủi trong những chuyến đi bộ dài và đi thuyền. Hoàng hậu thường lui tới “Achilleion”, cung điện bằng đá cẩm thạch trắng mà bà xây dựng làm nhà nghỉ dưỡng của mình. Trong khu vườn có những tác phẩm điêu khắc tưởng nhớ các nhân vật của nhà thơ Hy Lạp Homer, người đã truyền cảm hứng cho Sisi.

Elisabeth đã trở thành huyền thoại ở tuổi 60 khi bị sát hại vào ngày 10/9/1898 trong chuyến du lịch Thụy Sĩ. Kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ Luigi Lucheni đã đâm vào tim Hoàng hậu bằng một cái giũa khi bà đang đi bộ dọc theo bờ hồ Geneva. Căn phòng cũ của nữ hoàng tại khách sạn Beau Rivage vẫn còn lưu giữ một số kỷ vật, chẳng hạn như một dải lụa dính máu.

Chú thích ảnh
Album ảnh có nạm ngọc

Thi thể của Hoàng hậu được chuyển đến Vienna trong một chiếc quan tài đầy băng trong xe hơi của bà và được chôn cất trong hầm mộ Vienna Capuchin sau 7 ngày bị ám sát. Mong ước cuối cùng của Sisi là được chôn cất trên hòn đảo Corfu nhưng ước nguyện của bà vẫn chưa được thực hiện.

Triển lãm Cologne nói về những khía cạnh đen tối hơn trong cuộc sống của Sisi đến với công chúng đương đại. Song ở đó người ta thấy được Sisi là một người phụ nữ hiện đại có gu với nghệ thuật đương thời.

Việt Lâm

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN