TTVH Online

Bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao Amy Coney Barrett: Cục diện chính trường Mỹ thay đổi ra sao?

27/10/2020 21:46 GMT+7

Với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã xác nhận đề cử của Tổng thống Donald Trump đưa bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao, thay cho cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Đây được coi là một thắng lợi lớn đối với Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa khi chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày bầu cử chính thức.

(Thethaovanhoa.vn) - Với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã xác nhận đề cử của Tổng thống Donald Trump đưa bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao, thay cho cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Đây được coi là một thắng lợi lớn đối với Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa khi chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày bầu cử chính thức.

Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống D.Trump muốn tham gia vận động tranh cử tại Florida vào ngày 10/10

Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống D.Trump muốn tham gia vận động tranh cử tại Florida vào ngày 10/10

Ngày 8/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sức khỏe đang hồi phục sau khi mắc COVID-19, đồng thời cho biết ông muốn tham gia cuộc vận động tranh cử sớm nhất vào ngày 10/10 tới, có thể tại bang Florida.

Khoảng trống đã được lấp đầy

Sau sự kiện nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời do căn bệnh ung thư vào ngày 18/9, cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Mỹ đã thêm phần gay cấn hơn khi cả 2 phe Dân chủ và Cộng hòa tranh cãi gay gắt quanh việc lựa chọn người thay thế bà Ginsburg. Theo truyền thông Mỹ nhận định, sở dĩ việc lựa chọn người thay thế bà Ginsburg luôn là vấn đề “nóng” bởi vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ rất quan trọng, có thể định hình các đường nét của xã hội Mỹ trong vài chục năm tới.

Mỹ, chính trường Mỹ, Thẩm phán Tòa án tối, Amy Coney Barrett
Bà Amy Coney Barrett - Thẩm phán Tòa án Tối cao thứ 115. Ảnh: AFP/TTXVN

Thực tế trong vòng 4 năm qua, chính trường nước Mỹ đã bị phân cực và chia rẽ sâu sắc bởi hàng loạt cuộc đối đầu giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Sự ra đi của bà Ruth Ginsburg, một biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng, vào ngày 18/9 vừa qua tiếp tục là một yếu tố khiến chính trường Mỹ thêm chia rẽ. Vì vậy, sự ra đi của bà Ginsburg không chỉ để lại khoảng trống lớn tại Tòa án Tối cao Mỹ mà còn tạo ra một khoảng trống chia đôi chính trường nước Mỹ.

Mỹ, Tòa án Tối cao là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp và quyền tài phán chung thẩm đối với mọi vấn đề tố tụng liên bang. Dù cơ cấu chỉ có 9 thẩm phán, song Tòa án Tối cao là một nhánh quyền lực, đảm bảo cân bằng quyền lực và thực hiện chức năng giám sát đối với hai nhánh còn lại là hành pháp và lập pháp trong hệ thống “tam quyền phân lập” vốn là giá trị cối lõi của nền chính trị Mỹ.

Theo Hiến pháp nước này, các thẩm phán Tòa án Tối cao do tổng thống đề cử, Thượng viện phê chuẩn và làm việc với nhiệm kỳ trọn đời. Một khi đã được Thượng viện phê chuẩn thì thẩm phán toà này sẽ tại nhiệm suốt đời, trừ khi từ chức. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm được hai thẩm phán Tòa án Tối cao theo đường lối bảo thủ là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh. Trước khi bà Ginsburg qua đời thì tỉ lệ thẩm phán ủng hộ đảng Cộng hòa so với đảng Dân chủ đang là 5-4.

Do đó, bất chấp sự phản đối của phe Dân chủ khi cho rằng quy trình bổ nhiệm Thẩm phán mới nên do tổng thống đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới thực hiện, đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump vẫn thúc đẩy thật nhanh tiến trình trên.

Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức thông báo bổ nhiệm Thẩm phán tòa phúc thẩm theo đường lối bảo thủ Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tối cao Mỹ, thay cho Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Sau sự đề cử này của Tổng thống Trump, từ ngày 12/10, bà Barrett đã trải qua phiên điều trần công khai kéo dài 4 ngày tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ. Nhưng với thuận lợi là đảng Cộng hòa hiện đang nắm quyền kiểm soát tại Thượng viện nên việc thông qua đề cử của Tổng thống Trump đối với vị trí Thẩm phán tối cao của bà Barrett được xem là không quá khó khăn.

Ngày 26/10, bà Amy Coney Barrett đã được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu phê chuẩn vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống. Đáng chú ý là Thượng nghị sĩ bang Maine Susan Collins là nhân vật của đảng Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu phản đối.

Ngay sau khi được Thượng viện phê chuẩn, bà Amy Coney Barrett đã tuyên thệ nhậm chức tại buổi lễ ngoài trời diễn ra tại vườn hoa phía Nam của Nhà Trắng. Như vậy, nữ Thẩm phán tòa phúc thẩm Amy Coney Barrett đã trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao thứ 115 và là người phụ nữ thứ 5 phục vụ tại cơ quan này trong lịch sử của Mỹ. Bà cũng là thẩm phán thứ 6 trong Tòa án Tối cao gồm 9 thẩm phán do một Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa bổ nhiệm và là thẩm phán thứ 3 được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. 

Cục diện chính trường Mỹ sẽ thay đổi ra sao?

Bà Amy Coney Barrett, sinh năm 1972 tại New Orleans, từng là giáo sư Luật tại Đại học danh tiếng Notre Dame ở bang Indiana. Bà Barrett cũng từng đảm nhiệm vị trí Thư ký của cố Thẩm phán Tòa án Tối cao nổi tiếng Antonin Scalia.

Mỹ, chính trường Mỹ, Thẩm phán Tòa án tối, Amy Coney Barrett
Bà Amy Coney Barrett (trái) tuyên thệ nhậm chức Thẩm phán Tòa án Tối cao trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) tại Nhà Trắng ở Washington, DC.. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2017, bà Barrett được Tổng thống Trump bổ nhiệm một vị trí trong Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7, trụ sở ở Chicago và thụ lý các vụ án từ các bang Illinois, Indianna và Wisconsin. Bà cũng từng là một lựa chọn khi Tổng thống Trump cân nhắc cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ thay cho ông Anthony Kennedy nghỉ hưu vào năm 2018. Song ông Trump ở thời điểm đó đã lựa chọn ông Brett Kavanaugh.

Là một người theo Công giáo được đánh giá sùng đạo và cực kỳ bảo thủ, cá nhân bà Barrett phản đối mạnh mẽ tình trạng nạo phá thai, một trong những vấn đề chủ chốt gây tranh cãi trong văn hóa Mỹ cũng như giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Bởi vậy bà Barrett đang được kỳ vọng sẽ đảo ngược những quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án tối cao Mỹ năm 1973 vốn hợp pháp hóa việc nạo phá thai trên toàn quốc. Bên cạnh quan điểm phản đối mạnh mẽ việc nạo phá thai, bà Barrett cũng là người ủng hộ quan điểm về các chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump và bày tỏ sự ủng hộ các quyền về sở hữu súng đạn. Bà cũng có quan điểm đi ngược lại đạo luật cải cách y tế giá rẻ, còn gọi là Obamacare, do cựu Tổng thống Barack Obama ban hành.

Tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 26/10, bà Barrett khẳng định sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách công bằng và không thiên vị. Bà Barrett cũng khẳng định bảo vệ Hiến pháp và nền cộng hòa dân chủ được thiết lập và cam kết sẽ cống hiến hết sức mình để bảo vệ nó.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Donald Trump đánh giá cao những phẩm chất và thành tích của bà Barrett, đồng thời nhấn mạnh người dân Mỹ đặt niềm tin vào nữ thẩm phán khi bà nhận nhiệm vụ bảo vệ luật pháp, Hiến pháp của Mỹ.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, việc bổ nhiệm Barrett vào vị trí Thẩm phán tòa án tối cao ngay trước khi thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Dân chủ. Nhiều nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của Thượng viện Mỹ vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát. Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris - liên danh tranh cử của ông Joe Biden, nhấn mạnh rằng đảng Cộng hòa “đã bác bỏ nguyện vọng của người dân Mỹ” khi xác nhận đề cử đối với bà Barrett. Bà Harris cho rằng việc tiếp cận đối với chăm sóc sức khỏe, các quyền lợi về bỏ phiếu, quyền của người đồng tính, quyền nạo phá thai an toàn và hợp pháp sẽ phải đối mặt với rủi ro.

Còn Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ thuộc bang Rhode Island - Sheldon Whitehouse thì cảnh báo rằng đảng Cộng hòa có thể "hối hận", trong khi Thượng nghị sĩ bang Illinois - Dick Durbin - nhân vật số hai của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, cho rằng đảng Cộng hòa sẽ hối tiếc về quyết định này của Thượng viện. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã chỉ trích các thành viên của đảng Cộng hòa ở Thượng viện về quyết định phê chuẩn bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.

Theo các nhà phân tích, với việc bà Barrett được bổ nhiệm vào vị trí Thẩm phán tối cao Mỹ, hiện cán cân quyền lực tại Toà án tối cao Mỹ đang nghiêng về phe bảo thủ nhiều hơn, với 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do. Điều này được xem là lợi thế cho những phán quyết có lợi hơn cho đảng Cộng hòa. Tòa án Tối cao Mỹ là nơi đưa ra các phán quyết định quan trọng ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ, như vấn đề nạo phá thai, chăm sóc sức khỏe, quyền sở hữu súng… Những phán quyết của Tòa án Tối cao không chỉ chi phối tương lai chính trị cũng như pháp lý của nước Mỹ, mà thời hạn tác động của những quyết sách này còn không hề bị giới hạn trong thời hạn nhiệm kỳ cầm quyền của tổng thống đương nhiệm.

Hơn nữa, Tổng thống Trump khi thúc đẩy việc bổ nhiệm bà Barrett thời gian qua cũng đã khẳng định rằng, việc đẩy nhanh tiến trình bổ nhiệm bà Barrett trước ngày bỏ phiếu để Tòa án Tối cao có đủ người để xử lý các hành vi gian lận kết quả (nếu có) do ông Trump đã từng cáo buộc phe Dân chủ sẽ tìm mọi cách để thao túng bầu cử năm nay.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chỉ còn 1 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 3/11), việc bà Barrett được phê chuẩn trở thành Thẩm phán tối cao không chỉ tạo thêm lợi thế cho cánh bảo thủ trong hệ thống tòa án liên bang, mà còn có thể sẽ tác động lớn đến thái độ và các lá phiếu của cử tri trước cuộc bầu cử Tổng thống cam go sắp tới tại Mỹ, nhất là khi ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden vẫn đang dẫn trước ông Trump trong một số cuộc thăm dò dư luận.

Trọng Đức (tổng hợp)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN