TTVH Online

Gặp gỡ KTS Lê Hưng Trọng - Người thổi hồn cho những công trình Chay mang đậm văn hóa truyền thống Việt

14/10/2020 19:58 GMT+7

Trong suốt quá trình hành nghề, KTS Lê Hưng Trọng (hay còn được gọi là Trọng Lee) được biết đến với những công trình nhà hàng, quán cafe, nhà ở… trải dài từ Bắc vào Nam.

(Thethaovanhoa.vn)- Trong suốt quá trình hành nghề, KTS Lê Hưng Trọng (hay còn được gọi là Trọng Lee) được biết đến với những công trình nhà hàng, quán cafe, nhà ở… trải dài từ Bắc vào Nam. Gần đây, người ta biết đến anh nhiều hơn với những công trình Chay như: Ưu Đàm Chay, Sadhu và mới nhất là Cồ Đàm Chay. Mỗi công trình đều thể hiện văn hóa truyền thống theo một nét riêng, vừa góp phần lan truyền yếu tố ẩm thực chay vừa góp phần khẳng định cơ duyên của anh với loại công trình này.

Đi tìm giải pháp hát huy giá trị không gian văn hóa - kiến trúc Pháp tại núi Ba Vì

Đi tìm giải pháp hát huy giá trị không gian văn hóa - kiến trúc Pháp tại núi Ba Vì

Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì phục vụ du lịch, giáo dục trực quan trên cơ sở phục dựng, chỉnh trang không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ, là nội dung tọa đàm Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì tổ chức ngày 9/9, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.

Làm công trình Chay bắt nguồn từ chữ “Duyên”

KTS Lê Hưng Trọng học tập và lập nghiệp ở Sài Gòn, đó là nơi anh học kiến trúc, trau dồi kinh nghiệm và hành nghề. Ấy vậy mà Hà Nội mới là nơi mang lại cho anh nhiều cơ duyên với các công trình lớn mà chủ yếu là không gian dịch vụ: nhà hàng, quán cafe. Cũng chính nhờ “duyên” với nơi đây, anh đã “gieo” nên những công trình Chay nổi tiếng, góp phần tạo nên tên tuổi của anh trong nghề.

Chú thích ảnh
Là một người sống tích cực, nhiệt huyết và luôn cố gắng hết mình nên những công trình của anh luôn được đánh giá cao và nhiều người đón nhận

Anh chia sẻ, bản thân anh là một người theo Đạo Phật. Đồng thời, khi làm những công trình ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội anh nhận thấy, ở đây có rất nhiều chùa nhưng lại ít cửa hàng bán đồ ăn chay hàng ngày. Họa chăng có những quán bán vào ngày rằm hay mùng một nhưng cũng rất hiếm. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức ẩm thực chay lại rất lớn. Ở miền Trung hay miền Nam, ăn chay thực dưỡng gần như hàng ngày và mọi người đều có thể dễ dàng tìm được một cửa hàng chay phù hợp. Vì vậy, anh mong muốn tạo nên những công trình để nhân rộng văn hóa ăn chay và ẩm thực chay trong cộng đồng.

Và rồi khi “Duyên” đến và một phần may mắn, anh được chủ đầu tư lựa chọn xây dựng Ưu Đàm Chay. Đây là công trình Chay đầu tiên ghi dấu ấn của anh ở Hà Nội, cũng là công trình đạt top 10 giải thưởng ASHUI AWARDS 2016 và đưa anh đến với những công trình Chay khác.

3 công trình Chay nổi tiếng: Ưu Đàm Chay, Sadhu và Cồ Đàm Chay

KTS Lê Hưng Trọng chia sẻ, 3 công trình đều có những nét đặc trưng riêng được anh và đội ngũ thiết kế lấy ý tưởng dựa trên Văn hóa ẩm thực chay của 3 vùng miền: Ưu Đàm Chay đậm chất miền Bắc, Sadhu đậm chất miền Trung - Hội An, Cồ Đàm Chay đậm chất miền Nam Trung Bộ.

Công trình đầu tiên và cũng là công trình nổi bật nhất của anh chính là Ưu Đàm Chay. Đây là công trình mang làn gió mới và thay đổi cách suy nghĩ của mọi người về ăn chay là vô vị, nhạt nhẽo. Trái lại, ăn chay thể hiện lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe của mọi người. Những món ăn ở Ưu Đàm đều được xây dựng với mong muốn truyền bá tinh thần tích cực này.

Chú thích ảnh
Giữa phố thị ồn ào, Ưu Đàm Chay nhẹ nhàng khai nở, như ốc đảo xanh tươi mát đón người bộ hành trên sa mạc. Hình ảnh: Hiroyuki Oki
Chú thích ảnh
Không gian thưởng thức ẩm thực ấm cúng, thanh tịnh bên trong Ưu Đàm Chay. Ảnh: Hiroyuki Oki

Không chỉ vậy, chỉ cần đi bộ xuyên qua sân mái hiên, băng qua bức tượng Phật nghìn mắt là thực khách có thể hòa mình vào không gian của Ưu Đàm, rũ bỏ muộn phiền nơi cánh cửa. Bên trong được bài trí theo 3 thời kì: quá khứ, hiện tại và tương lai với những món đồ trang trí đậm chất miền Bắc.

Công trình thứ hai là Sadhu nằm trên con phố Lý Thường Kiệt sầm uất. Sadhu có nghĩa là “Lành thay” mang ý nghĩa tốt lành đến với mọi người. Trái với vẻ sôi động bên ngoài, Sadhu cổ kính, thâm trầm mà đầy uy nghiêm với mái ngói âm dương đồ sộ, hệ cửa lam gỗ lớn. Đặc biệt, biểu tượng của Sadhu được sử dụng như Mắt cửa - một đặc điểm gắn liền với kiến trúc đặc thù của Hội An, mang ý nghĩa nguồn năng lượng bảo hộ cho ngôi nhà.

Chú thích ảnh
Sadhu - Công trình Chay phảng phất nét kiến trúc Hội An do KTS Lê Hưng Trọng và đội ngũ thiết kế hoàn thành vào năm 2018. Hình ảnh: Triệu Chiến
Chú thích ảnh
Thiết kế mở kết hợp với những chi tiết như tượng Phật cao, chất liệu gỗ, cửa thượng song hạ bản mang đến những trải nghiệm vô cùng thú vị. Hình ảnh: Triệu Chiến

Không gian bên trong Sadhu bao gồm hai tầng với lối kiến trúc gần như mở hoàn toàn đem đến cảm giác liên kết gần gũi như vẫn đảm bảo sự riêng tư, ấm cúng. Màu sắc được sử dụng chủ đạo là gỗ trầm và xanh cổ vịt tạo cảm giác thư thái, phảng phất không gian sống trong những ngôi nhà cổ Hội An.

Công trình thứ ba, cũng là công trình mới nhất KTS Lê Hưng Trọng và đội ngũ thiết kế hoàn thiện mang tên Cồ Đàm Chay. Đây là một công trình khá đặc biệt khi ý tưởng bắt nguồn từ một giấc mơ kỳ lạ. Trong quá trình lên ý tưởng, anh đã mơ thấy một ngôi đền thờ mang hơi hướng Chăm Pa và khi đặt những nét vẽ đầu tiên anh đã nghĩ ngay đến giấc mơ này. Anh mong muốn làm sống dậy những ký ức đẹp đẽ của nền văn hóa Chăm Pa trong công trình của mình. Sinh ra và lớn lên ở Ninh Thuận - vùng đất có nền văn hóa Chăm Pa lâu đời nên với anh, việc đưa yếu tố này vào Cồ Đàm dường như thuận lợi và truyền cảm hứng hơn rất nhiều.

Chú thích ảnh
Cồ Đàm Chay gây ấn tượng ngay từ mặt tiền với khung cửa mô phỏng ngôi đền Chăm Pa đến chất liệu gạch nung đỏ rực rỡ. Hình ảnh: Triệu Chiến
Chú thích ảnh
Không gian bên trong với những chi tiết độc đáo và khác lạ được trau chuốt tỉ mỉ đậm nét văn hóa Chăm Pa. Hình ảnh: Triệu Chiến

Ngay từ cổng vào, thực khách đã dễ dàng hình dung về một ngôi đền Chăm Pa với cổng chào cao vút và toàn bộ đều được làm bằng gạch nung. Không gian bên trong với những hoa văn, họa tiết, phù điêu đậm chất do những người thợ Chăm thực hiện và trau chuốt tỉ mỉ. Nhờ vậy, thực khách không chỉ được thưởng thức ẩm thực tinh túy của Cồ Đàm mà còn trải nghiệm một không gian văn hóa đậm chất miền Nam Trung Bộ.

Chú thích ảnh
Với anh mỗi công trình là một trải nghiệm, một câu chuyện để từ đó anh rút ra bài học cho bản thân và "làm dày" thêm hành trang trên hành nghề của mình

Thông qua những công trình này, anh mong muốn xây dựng một lối sống khỏe nhờ ăn uống đồng thời tạo nên những không gian đa dạng bằng ngôn ngữ sáng tạo của kiến trúc. Anh cũng chia sẻ thêm: “Cái Duyên đã đưa mình đến với những công trình Chay và mình sẽ cố gắng làm tốt nhất để mọi người không chỉ được thưởng thức ẩm thực chay đẹp mắt, ngon miệng mà còn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống Việt”.

PTTT

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN