TTVH Online

Cơ hội vàng để mua các kiệt tác của Michelangelo, Rodin

01/10/2020 07:24 GMT+7

Trong bối cảnh nhiều bảo tàng cân nhắc việc bán các tác phẩm nghệ thuật để bù đắp thiệt hại do đại dịch COVID-19, Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia ở London (Anh) đang gây tranh cãi khi một số nhà điều hành đang muốn bán kiệt tác điêu khắc The Virgin and Child with the Infant St. John của bậc thầy Phục hưng Michelangelo để tránh phải sa thải 150 nhân viên

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh nhiều bảo tàng cân nhắc việc bán các tác phẩm nghệ thuật để bù đắp thiệt hại do đại dịch COVID-19, Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia ở London (Anh) đang gây tranh cãi khi một số nhà điều hành đang muốn bán kiệt tác điêu khắc The Virgin and Child with the Infant St. John của bậc thầy Phục hưng Michelangelo để tránh phải sa thải 150 nhân viên.

'Il Postino': Câu chuyện thương tâm đằng sau một kiệt tác

'Il Postino': Câu chuyện thương tâm đằng sau một kiệt tác

Trong lịch sử điện ảnh, có lẽ chưa phim nào lại xảy ra một câu chuyện hậu trường đau lòng như Il Postino (Người đưa thư) - Một trong những kiệt tác lớn của điện ảnh Italy cuối thế kỷ 20.

“Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia: Bán tác phẩm của Michelangelo hoặc 150 nhân viên mất việc làm” là tiêu đề bài báo gây xôn xao trên tờ Guardian của Anh hôm 20/9.

“Cục đá cẩm thạch” đặc biệt

Tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch 515 năm tuổi, còn được gọi là Taddei Tondo, là một trong những báu vật của Bảo tàng Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia London (RA) và là tác phẩm điêu khắc duy nhất của bậc thầy thời Phục hưng Michelangelo ở Anh.

Theo tờ Guardian, họa sĩ huyền thoại thời lãng mạn Anh John Constable (1776-1837) đã cực kỳ choáng ngợp khi chiêm ngưỡng kiệt tác bằng đá cẩm thạch của Michelangelo, gọi đây là “một trong những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất còn tồn tại”.

Tác phẩm này đã đến Bảo tàng Anh vào năm 1829 theo lệnh của nhà bảo trợ giàu có - Lady Margaret Beaumont - nhằm mục đích truyền cảm hứng cho các sinh viên nghệ thuật từ các trường của Viện.

Bức phù điêu bằng đá cẩm thạch do thương nhân vải Taddeo Taddei đặt làm vào đầu thế kỷ 16 khi Michelangelo lần đầu đến Florence. Thuật ngữ “tondo” thời Phục hưng dùng để chỉ hình dạng tròn của tác phẩm. Tên chính thức của tác phẩm là The Virgin and Child with the Infant St. John (tạm dịch: Đức mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng bên thánh John bé nhỏ).

Chú thích ảnh
Tác phẩm điêu khắc “The Virgin and Child with the Infant St. John” của Michelangelo

Dù giá trị chính xác của kiệt tác này chưa được xác định, song một số chuyên gia ước tính nó có giá 100 triệu bảng Anh (128 triệu USD). Theo các nhà điều hành của RA, giá trị của tác phẩm đủ để cứu 150 nhân viên không mất việc làm - chiếm 40% lực lượng lao động của bảo tàng.

Quá trình bán các tác phẩm trong một bảo tàng - được gọi là “loại bỏ hiện vật” - từ lâu đã trở thành điều cấm kỵ trong giới nghệ thuật. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiệt hại tài chính liên quan đến đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức đang cân nhắc xem có hợp lý không khi cứ cố giữ chúng.

Việc cân nhắc bán tác phẩm điêu khắc của Michelangelo đã gây nên cuộc tranh luận tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia ở London. Quan điểm về đề tài này rất khác nhau. Một thành viên RA giấu tên đã gọi tác phẩm của Michelangelo là “cục đá cẩm thạch”. Theo tờ Guardian, người này nói rằng việc giữ tác phẩm “có thể giúp RA an toàn về tài chính trong nhiều năm tới là sai về mặt đạo đức”.

Song những người ủng hộ không bán tác phẩm của Michelangelo phần nào có thể yên tâm khi ban lãnh đạo của RA, bao gồm cả Chủ tịch Rebecca Salter, hứa xem xét việc bán tác phẩm trong bộ sưu tập. Người phát ngôn của RA cho biết tổ chức này “chưa có ý định bán bất kỳ tác phẩm nào trong bộ sưu tập. Chúng tôi có đặc quyền và trách nhiệm là người trông coi các tác phẩm nghệ thuật đặc biệt”.

Chú thích ảnh
Lượng du khách tới bảo tàng Rodin ở Paris giảm 70% trong năm 2020

Đơn độc trong dịch bệnh

Tuy nhiên, nhiều bảo tàng khác đang quyết định chia tay với các tác phẩm từ bộ sưu tập để tận dụng tối đa những món đồ có giá trị nhất trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, hồi tháng 7, Bảo tàng Rodin thông báo sẽ bán các tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp sau khi lượng khách tham quan giảm 70% vào năm 2020.

Đài Truyền hình Đức-Pháp ARTE đưa tin, các tác phẩm được đề cập là bản sao bằng đồng được làm từ phôi nguyên bản. Giám đốc Bảo tàng Rodin - Catherine Chevillot - cho biết, việc làm bản sao từ phôi nguyên bản là khá phổ biến và giúp tạo thêm thu nhập cho Bảo tàng Rodin.

Theo Chevillot, việc bán các bản sao là một cách điển hình để mang về nguồn tiền của bảo tàng. Và năm nay việc làm này cần thiết hơn bao giờ hết. Cũng cần nói thêm, mỗi năm, có khoảng nửa triệu khách du lịch tới đây, trong đó 2/3 là người nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, con số này gần như bằng 0.

Chú thích ảnh
Lần đầu tiên Bảo tàng Rodin đúc phiên bản The Gates of Hell để bán vì đại dịch

Vừa qua, cũng lần đầu tiên trong lịch sử của mình, bảo tàng đã đúc Cánh cổng địa ngục (The Gates of Hell) - một tác phẩm điêu khắc hoành tráng mô tả cảnh trong trường ca Thần khúc (Inferno) của Dante. Trước đó, Cánh cổng địa ngục chỉ có một phiên bản và do Rodin đúc. Tác phẩm mới này đang được bán tại Phòng trưng bày Gagosian ở New York.

Là một tổ chức tư nhân, Bảo tàng Rodin không được hưởng lợi từ khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp 614 triệu euro (714 triệu USD) cho các di tích, bảo tàng và nhà thờ mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa công bố. Trong khi đó, với khoản viện trợ này, các Bảo tàng Louvre, lâu đài Chateau de Versailles và Bảo tàng d'Orsay đều được hỗ trợ do lượng khách tham quan giảm từ 40% đến 80%.

Các bảo tàng ở Mỹ cũng đang ngừng hoạt động khi đại dịch bùng phát. Một trong số đó là Bảo tàng Brooklyn của New York và thiết chế này đã chọn bán đấu giá một số tác phẩm.

“Đây là việc rất khó khăn đối với chúng tôi” - Giám đốc Anne Pasternak nói với tờ New York Times hồi tuần trước. “Nhưng đó là điều tốt nhất cho tổ chức cũng như việc chăm sóc các bộ sưu tập”.

12 tác phẩm từ bộ sưu tập của bảo tàng dự kiến được Christie's đấu giá vào tháng 10, trong số đó có tác phẩm của bậc thầy người Đức Lucas Cranach the Elder cũng như bức tranh của họa sĩ Pháp thuộc trường phái ấn tượng Gustave Courbet.

Không phải là chuyện hiếm ở Mỹ

Cuộc tranh luận về việc có nên bán các tác phẩm trong bộ sưu tập của bảo tàng đã nổ ra trong thế giới bảo tàng từ rất lâu trước khi đại dịch xảy ra, đặc biệt là ở Mỹ, nơi hầu hết các bảo tàng dựa vào nguồn vốn tư nhân từ du khách và các nhà tài trợ.

Năm 2019, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Metropolitan, Bảo tàng Guggenheim ở New York và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco đều bán các tác phẩm quan trọng từ bộ sưu tập của họ tại nhà đấu giá Sotheby’s. Với hàng triệu USD thu được từ việc bán tác phẩm, các bảo tàng đã có thể mua được các tác phẩm mới để cập nhật vào bộ sưu tập của họ.

Tuy nhiên, việc bán bớt tác phẩm nghệ thuật là điều không tưởng ở các bảo tàng Đức, nơi có các bộ sưu tập đang được sở hữu một cách công khai. Theo quy chế, các bảo tàng này cam kết lưu trữ, bảo quản và nghiên cứu các tác phẩm do họ chăm sóc. Do đó, việc bán một tác phẩm nghệ thuật để bù lỗ là bị nghiêm cấm.

 

Việt Lâm

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN