TTVH Online

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: 'Mẹ nói, viết nhạc thiếu nhi là nhiều phước lắm!'

28/09/2020 12:09 GMT+7

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm sự, anh muốn thử thách và khám phá bản thân nên tập trung sáng tác cho thiếu nhi, và đã được xác nhận kỷ lục là “Nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam” với 300 ca khúc. Con số chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó. Nhưng sâu thẳm thì sự chuyển hướng sáng tác này của anh trước hết là vì... các con mình.

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tâm sự, anh muốn thử thách và khám phá bản thân nên tập trung sáng tác cho thiếu nhi, và đã được xác nhận kỷ lục là “Nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam” với 300 ca khúc. Con số chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó. Nhưng sâu thẳm thì sự chuyển hướng sáng tác này của anh trước hết là vì... các con mình.

Thông báo: Mời dự lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - 2020

Thông báo: Mời dự lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - 2020

Là Giải thưởng phi lợi nhuận thường niên nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 – 2020 sẽ trao 01 Giải thưởng Lớn mang tên "Hiệp sĩ Dế Mèn" (Cricket Knight) và 4 giải mang tên "Khát vọng Dế Mèn" (Cricket Desire).

Ban sơ khảo giải thưởng Dế Mèn đã đề cử chùm tác phẩm sáng tác từ 2019 đến nay của Nguyễn Văn Chung gồm 11 bài dưới đây, trong đó 9 bài đã thu âm, 2 bài cuối cùng có tờ nhạc: Chúng con cảm ơn cô, Mỗi ngày học là một ngày vui, Bảng chữ cái, Cẩn thận khi qua đường, Ai cũng cần có một người thầy, Tiếng Việt thiêng liêng, Yêu sao hai tiếng thân thương gia đình, Không đâu bằng nhà mình, Rửa tay nào, Tự bảo vệ chính mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã có cuộc trò chuyện với Thể thao và văn hóa.

Tôi muốn cống hiến cho thiếu nhi

* Thưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, là cha đẻ của các bản hit "Chiếc khăn gió ấm", "Vầng trăng khóc", đặc biệt "Nhật ký của mẹ" được đề cử Giải Cống hiến lần 8 - 2013... nhưng gần chục năm nay anh lại quay sang gắn bó với nhạc thiếu nhi. Không phải việc sáng tác nhạc trẻ dễ có danh tiếng và tiền bạc hơn sao?

- Đúng là viết nhạc trẻ rất dễ có danh tiếng và tiền bạc, nhưng tôi đã trải qua giai đoạn đó rồi, đã từng thành công với nhiều bài hát nhạc trẻ, được ghi nhận, được nhiều lợi ích. Nhưng nếu cứ ham muốn thì không bao giờ là đủ và cuộc sống thật vô vị khi cứ phải ham muốn như vậy!

Tôi muốn thử thách và khám phá thêm những gì bản thân có thể làm được nữa. Tôi muốn có thêm những điều mới trong sự nghiệp âm nhạc, tôi muốn cống hiến ngược lại cho khán giả, cho cộng đồng, nhất là thế hệ thiếu nhi bây giờ và cả sau này.

Tôi muốn mọi người nhớ đến tôi như một nhạc sĩ luôn đam mê và đến với nghề bằng cái tâm trong sáng, trái tim vô tư, nhiệt huyết!

Và điều sâu thẳm nhất, tôi muốn làm những điều đó cho các con của mình, cho chúng được nghe, được hát, được học những bài hát thiếu nhi do chính cha của chúng viết và chúng được tự hào với điều đó.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cùng các em thiếu nhi

* Vậy thì kỷ lục 300 ca khúc cho thiếu nhi có ý nghĩa, tác động với anh ra sao?

- Thật ta tôi rất bất ngờ với kỷ lục này, bởi tôi viết nhạc thiếu nhi không phải vì kỷ lục. Tôi cũng không nghĩ mình có thể đạt được kỷ lục, vì tôi biết có nhiều chú nhạc sĩ đã dành suốt cả đời để cống hiến viết nhạc thiếu nhi. Trong khi con số 300 chỉ là ngẫu nhiên khi tôi tự đặt ra thử thách cho chính mình. Tôi vừa bất ngờ, nhưng cũng rất vui vì những tâm huyết của mình được ghi nhận, được trân trọng.

Tôi cảm thấy tự hào vì bản thân đã làm được một điều ý nghĩa cho sự nghiệp sáng tác và cho cả cuộc sống của mình.

Kỷ lục này khiến tôi có thêm nhiều động lực để sáng tác thêm nhiều bài hát có ý nghĩa nhân văn đến cộng đồng, để tôn vinh những điều tốt đẹp của cuộc sống mà không cần phải quan tâm đến lợi nhuận.

* Trong 300 ca khúc viết về thiếu nhi, có 5 bài hát được đưa vào sách giáo khoa, một con số khá tự hào với một nhạc sĩ 8x. Anh đón nhận tin vui này ra sao?

- Trong số 300 bài hát đã đăng ký bản quyền thì có đến hơn 100 bài đã phát hành, hơn 10 bài được phổ biến rộng rãi và quen thuộc, nằm trên cửa miệng của các bé thiếu nhi, được bật thường xuyên tại các trường tiểu học, mầm non, các khu vui chơi thiếu nhi, các trung tâm mua sắm và 5 bài được đưa vào sách giáo khoa.

Tôi rất vui và tôi quyết tâm trong khả năng cùng với các mối quan hệ có sẵn, sẽ cố gắng đưa thật nhiều bài hát thiếu nhi của tôi phổ biến rộng rãi hơn nữa.

Tôi có chia sẻ niềm vui này với mẹ, hơn ai hết, mẹ tôi là người ủng hộ tôi tuyệt đối từ những ngày đầu tôi viết. Vì mẹ nói: "Viết nhạc thiếu nhi là tích được nhiều phước lắm".

* Anh có kế hoạch gì với kỷ lục ấn tượng đã tạo ra được?

- Nếu không có đợt dịch vừa rồi, ngày 1/6 vừa rồi, tôi đã in ấn phát hành được trọn bộ sách 5 quyển 300 bài hát thiếu nhi. Nhưng vì đợt dịch, các nhà tài trợ họ gặp nhiều khó khăn về tài chính nên tôi cũng thấu hiểu và chia sẻ cùng họ.

Vì thế, tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu. Tôi sẽ tìm những đơn vị đồng hành hỗ trợ tôi in ấn, họp báo, phát hành và đến các trường, các trung tâm văn hóa của 24 quận huyện thuộc TP.HCM.

Nếu có đủ nguồn kinh phí, tôi sẽ tổ chức thêm một đêm nhạc thiếu nhi nữa để giới thiệu những bài hát mới. Về online, hiện tại tôi đã thoả thuận được với 2 đơn vị cho phép họ đầu tư sản xuất MV các bài hát thiếu nhi của tôi trên nền tảng YouTube và nhạc số.

Chú thích ảnh
Gia tài 300 bài hát thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung

Viết cho thiếu nhi với tình yêu của một người cha

* Quá trình viết 300 ca khúc khó khăn ra sao? Anh cân bằng yếu tố tài chính thế nào khi tập trung cho dự án này?

- Quá trình viết 300 bài hát thiếu nhi thật sự rất khó khăn. Bây giờ nhìn lại, tôi cũng không thể tin mình lại có thể đủ sức mạnh tinh thần, sự kiên định, quyết tâm để làm được điều kỳ diệu này.

Có thể nói, tôi đã viết bằng tình yêu của một người cha, tôi viết bằng nguồn năng lượng, bằng cảm xúc của một nhạc sĩ. Sự khó khăn đến từ tài chính không là gì so với những khó khăn tinh thần, đến từ cái tôi của chính bản thân.

Tôi cũng là một người trẻ, cũng luôn khao khát chiến thắng, vinh quang. Tôi cũng khát khao những sự ghi nhận ngọt ngào từ các giải thưởng cuối năm.Suốt bao nhiêu năm, nhìn anh em đồng nghiệp có được các thành tích này nọ, tôi đôi lúc cũng tủi thân và xao lòng tự hỏi: Mình đang làm gì thế này? Có đáng không? Hy sinh như vậy để được gì? Ai sẽ ghi nhận? Những gì đang làm ai sẽ thấy? Ai sẽ dùng? Ai sẽ trân trọng? Sao không tự lo cho bản thân?

Rất rất nhiều câu hỏi và rất nhiều cám dỗ níu kéo tôi quay trở lại với con đường thân quen tôi từng thành công.Thế nhưng cái “tôi” lớn bao nhiêu thì cái “sĩ diện” lớn bấy nhiêu. Một lời mình đã hứa, lời mình đã nói ra thì phải làm đến cùng.

May mắn, những lần tôi muốn bỏ cuộc thì lại có câu chuyện nhỏ cảm động về một bé học trò nào đó của tôi tác động đến, khiến tôi nghĩ chính những điều tôi đang làm tác động tốt đến các cháu, có ý nghĩa với các cháu và tôi lại mạnh mẽ tiếp tục công việc.

Ca khúc "Gia đình nhỏ, hạnh phúc to" của Nguyễn Văn Chung:

* Không phải ngẫu nhiên mà thị trường nhạc Việt rất ít ca khúc về thiếu nhi, phần lớn là các bé phải nghe đi nghe lại những bài đã cũ. Theo anh, sáng tác nhạc thiếu nhi khác biệt thế nào so với việc viết nhạc cho người lớn?

- Đúng là không phải ngẫu nhiên mà rất lâu rồi, không có nhiều sáng tác mới cho thiếu nhi, bởi như đã nói trên: Viết nhạc thiếu nhi không mang lại danh tiếng và tiền bạc như nhạc trẻ.

Bên cạnh đó, nếu nghĩ viết nhạc thiếu nhi là đơn giản, dễ dàng như ngày xưa cũng là sai lầm. Vì rõ ràng các bé thiếu nhi bây giờ rất khác chúng ta ngày xưa, các bé giỏi hơn, thông minh hơn, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn nên gu thẩm mỹ âm nhạc và độ cảm thụ cũng cao hơn, nhiều lựa chọn hơn các thể loại âm nhạc. Vì thế chúng ta cũng phải thích nghi, học hỏi và tiếp cận nhiều hơn để có thể có được tư duy chính xác khi viết nhạc thiếu nhi.

Không còn là những bài hát đơn giản chung chung ngắn gọn như xưa, mà mỗi bài hát phải cùng lúc đáp ứng nhiều tiêu chí khác nhau: Có tiết tấu hiện đại, ngôn ngữ chân thật và cũng phải gần gũi với đời sống của thiếu nhi. Nội dung phải đúng với những gì chúng đang quan tâm, hình ảnh cũng phải đầy màu sắc, đủ thu hút và tạo sự thú vị.

Bên cạnh đó, thông điệp bài học ý nghĩa phải được lồng ghép nhẹ nhàng, khéo léo, không hô hào sáo rỗng... Tất cả điều đó cần được nghiên cứu một cách cẩn thận và khoa học trước khi đặt bút viết một bài hát thiếu nhi với nguồn cảm xúc sẵn có.

* Ngoài con trai, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung còn có con nuôi và học trò nữa. Anh gắn kết thế nào để các bé trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tác?

- Khi tôi quyết định viết nhạc thiếu nhi, nghĩa là tôi đã quyết định xây dựng môi trường xung quanh đầy các bé để luôn luôn có nguồn ý tưởng và cảm xúc dồi dào để viết.

Vì thế tôi mới mở những lớp dạy thanh nhạc cho các bé thiếu nhi từ 4-12 tuổi. Quả thật, sau khi mở lớp, mỗi ngày tôi đều như được sống trong thế giới trẻ thơ của các con, nói những điều các con hay nói, lắng nghe những điều các con quan tâm, nhìn thế giới cũng bằng đôi mắt của các con, chơi đùa với chúng, dạy dỗ chúng, tâm sự với chúng...

Mỗi ngày đều có được rất nhiều ý tưởng và chủ đề cho những bài hát thiếu nhi. Hầu như viết mãi không hết, rõ ràng, thế giới tuổi thơ thật nhiều sắc màu và có quá nhiều điều thú vị, tôi muốn ghi lại hết tất cả những gì các con yêu thích quan tâm.

* Ca khúc thiếu nhi nào anh tâm đắc nhất? Bài nào được người nghe yêu thích nhiều nhất?

- Tôi tâm đắc với từng bài hát tôi viết ra nên không thể nói được bài hát nào tôi yêu nhất. Nhưng bài hát được yêu thích nhất là bài Gia đình nhỏ hạnh phúc to. Hầu như bé thiếu nhi nào cũng thuộc, phụ huynh nào cũng thuộc, chương trình thiếu nhi nào cũng phát, tôi thấy vui vì nhiều người bảo nó đã trở thành “bài hát thiếu nhi quốc dân” rồi.

Các nhạc sĩ nói về Nguyễn Văn Chung

“Đi không ngừng nghỉ suốt 2.920 ngày…”

“Thời gian này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lại quay với về thế giới tuổi thơ. Một quyết định bất ngờ đối với những người yêu nhạc và rất khó khăn với người sáng tác âm nhạc! Nguyễn Văn Chung đã đi không ngừng nghỉ suốt 2.920 ngày và ghi lại 300 trang nhật ký bằng những bài hát dành cho thiếu nhi.

Ở thế giới đó, Nguyễn Văn Chung đã gặp lại những ký ức tuổi thơ của mình với tình cảm ấm áp, thương yêu của “Gia đình”, những kỷ niệm hồn nhiên, vui tươi với thầy cô, bạn bè nơi “Mái trường”, bao nét đẹp quê hương trong những “Ngày lễ Tết”, cùng những “Bài học nhỏ” đã giúp Nguyễn Văn Chung trở thành nhạc sĩ trẻ, tài năng, biết cống hiến… được nhiều người mến mộ và quan trọng nhất là trở thành người tốt”. (Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa - Uỷ viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

“Một kỷ lục đáng quý vô cùng”

“Trong thời buổi mà các chương trình dành cho thiếu nhi thật sự gần như mất dạng trên các đài truyền hình và được thay thế bằng các chương trình thiếu nhi hát nhạc của người lớn với rating thật kỷ lục, thì chàng nhạc sĩ dễ mến Nguyễn Văn Chung dự định cho ra mắt tập sách nhạc thiếu nhi 300 bài hát.

Đây là một công trình thật lớn lao, đầy tâm huyết, tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc trong thời buổi mà các cuộc hội thảo do các nhà văn hóa, các hội đoàn chuyên ngành tổ chức đã nêu ra vấn đề đang thiếu rất nhiều các bài hát mới cho thiếu nhi cả nước.

Thời tôi làm biên tập cùng nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, trong một thời gian rất dài các chương trình video thiếu nhi do Phương Nam Phim, Bến Thành Audio - Video, Trùng Dương Audio -Video, Hãng phim trẻ của Thành đoàn TP.HCM. Tôi đã rất nể với tập sách dày cộm với 150 bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên gửi tặng lúc đó.

Và giờ đây sau gần 20 năm, tôi lại càng thú vị với tập sách nhạc 300 bài hát dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Một kỷ lục đáng quý vô cùng.

Chúc cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và tập sách nhạc thiếu nhi sẽ mãi ngân vang và đọng lại mãi trong từng trái tim, không những của các cháu thiếu nhi mà cả ba mẹ, ông bà và các người thân trong gia đình, dòng họ. (Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện)

“Một khu vườn âm nhạc thiếu nhi”

Âm nhạc thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã được nhiều trường học đưa vào giảng dạy. Nguyễn Văn Chung từng ra mắt sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi, liveshow cùng tên, đồng thời tặng 2.000 cuốn sách cho các nhà văn hóa, trường mầm non, tiểu học tại TP.HCM.

Chúng ta không cần nói nhiều hơn nữa về Nguyễn Văn Chung, hãy cứ để những giai điệu ngọt ngào tràn đầy yêu thương đối với tâm hồn tuổi thơ được gói gọn, một cách tinh tế và khéo léo bằng những ca từ đơn giản, gần gũi và được “bọc” bằng một giai điệu thật vui nhộn, dễ nhớ, dễ thuộc để các bé tiếp cận một cách đơn giản nhất. Và đó cũng là hành trang của bé khi chập chững bước vào đời trên những giai điệu tràn đầy yêu thương trong khu vườn âm nhạc tuổi thơ đầy sắc màu với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. (Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, TGĐ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN).

Kim Chi (thực hiện)

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - 2020
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN