TTVH Online

Dịch COVID-19: Ấn Độ ghi nhận hơn 5 triệu bệnh nhân

16/09/2020 12:09 GMT+7

Với 91.136 ca mắc mới, số bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 5 triệu người, trong đó hơn 82.091 người đã tử vong.

(Thethaovanhoa.vn) - Với 91.136 ca mắc mới, số bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 5 triệu người, trong đó hơn 82.091 người đã tử vong.

Dịch COVID-19: Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ lên gần ngưỡng 100.000 ca/ngày

Dịch COVID-19: Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ lên gần ngưỡng 100.000 ca/ngày

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ ngày 10/9 cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 95.735 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số lên hơn 4,46 triệu ca, trong đó 75.062 ca tử vong, tăng 1.172 ca so với 1 ngày trước đó. 

Theo số liệu mới nhất của worldometers.info, con số chính xác bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia châu Á này - tính đến 11h ngày 16/9 (giờ Việt Nam) - là 5.018.034 người.

Ấn Độ hiện là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ (ghi nhận 6,7 triệu bệnh nhân, trong đó hơn 200.000 người đã tử vong). Số ca mắc bệnh tại Ấn Độ tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động và tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày hiện ở mức cao nhất trên thế giới. Hiện cứ 6 ca mắc bệnh COVID-19 trên thế giới thì có 1 ca ở Ấn Độ.

Trung bình số ca mắc mới/ngày trong mỗi 7 ngày tại Ấn Độ  hiện ở mức 93.334 ca, cao hơn nhiều so với mức đỉnh từng ghi nhận ở Mỹ là 69.373 ca trong tuần kết thúc ngày 25/6. Khác với Mỹ, biểu đồ dịch bệnh tại Ấn Độ không có dấu hiệu đạt đỉnh trong suốt thời gian qua và vẫn tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng dần. Trung bình số ca mắc mới trong 7 ngày tăng 50,7% trong vòng 30 ngày qua và từng lên mức 61.933 ca vào ngày 17/8.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: TTXVN

* Trong khi đó, Canada không loại trừ nguy cơ nước này đã bước vào làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai. 

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 15/9, Bộ trưởng Y tế Canada Patty Hajdu cho biết Canada sẽ áp dụng cách tiếp cận "có mục tiêu cụ thể" đối với biện pháp phong tỏa trong tương lai nếu số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt. Chính phủ Canada đang chuẩn bị để ứng phó với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này. Tuy nhiên, giải pháp đóng cửa nền kinh tế trên diện rộng như hồi mùa Xuân là khó có khả năng xảy ra.

Chính phủ Canada sẽ làm việc với chính quyền các tỉnh bang và vùng lãnh thổ về khả năng áp dụng biện pháp phong tỏa có chiến lược hơn, dựa theo nơi phát hiện ca nhiễm, áp dụng với từng khu vực, hay từng lĩnh vực của nền kinh tế hoặc một doanh nghiệp cụ thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Canada cho biết, chính phủ không loại trừ khả năng Canada đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ hai và năng lực ứng phó của nước này đã có bước cải thiện lớn. Trong tháng 8 vừa qua, số ca nhiễm mới tính trên phạm vi toàn Canada dao động trong khoảng từ 200-400 ca/ngày. Nhưng trong 7 ngày gần đây, theo người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada, Theresa Tam, số ca nhiễm mới trung bình đã vọt lên 838 người. Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này đã có 138.803 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.188 ca tử vong.

Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã nhóm họp trong hai ngày 14 và 15/9 để xây dựng chương trình nghị sự dự kiến sẽ được công bố vào ngày 23/9 tới. Để tránh kịch bản Canada phải tổ chức tổng tuyển cử sớm, chương trình hành động của chính phủ thiểu số của đảng Tự do cần nhận được sự ủng hộ của một trong các Khối Quebec, hoặc đảng Dân chủ mới (NDP) hay đảng Bảo thủ. Dự kiến, trong tuần này, Thủ tướng Trudeau sẽ gặp lãnh đạo các đảng để tham khảo ý kiến về kế hoạch hành động của chính phủ. Theo giới quan sát, tình hình dịch bệnh hiện nay có thể khiến chính phủ đảng Tự do phải chuyển trọng tâm từ khôi phục lại nền kinh tế trong dài hạn sang ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Trong một diễn biến đáng chú ý, Khối Quebec cho biết toàn bộ các nghị sĩ và lãnh đạo thuộc đảng này đang trong giai đoạn cách ly vì một nhân viên có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Lê Ánh - Hương Giang/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN