TTVH Online

'Thủ đô của Thủ đô – kinh thành của kinh thành'

08/09/2020 06:28 GMT+7

Ngày 2/10 tới sẽ là thời điểm Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) kỉ niệm tròn 10 năm ngày lần đầu mở cửa đón khách. Mười năm trước, cột mốc ấy xuất hiện sau đúng 1 ngày, kể từ khi bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO đã trao Bằng chứng nhận Di sản Văn hoá Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho UBND thành phố Hà Nội.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/10 tới sẽ là thời điểm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) kỉ niệm tròn 10 năm ngày lần đầu mở cửa đón khách. Mười năm trước, cột mốc ấy xuất hiện sau đúng 1 ngày, kể từ khi bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO đã trao Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho UBND thành phố Hà Nội.

Dấu ấn 10 năm trong việc Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long

Dấu ấn 10 năm trong việc Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long

Đã tròn 10 năm, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ những giá trị nổi bật toàn cầu. Hiếm di sản nào trên thế giới có sự tiếp nối lịch sử xuyên suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ VII đến XX) như Hoàng thành Thăng Long. 10 năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long đã để lại nhiều dấu ấn với cách làm bài bản, nhờ vậy, di sản này luôn là điểm đến hấp dẫn.

Có lẽ, chẳng cần nói gì nhiều về giá trị của một Di sản Thế giới như vậy – nhất là khi, nó gắn với trung tâm quyền lực, chính trị và xã hội của một nước Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Tới mức, như cách gọi của giới chuyên môn, Hoàng thành là “Thủ đô của Thủ đô – kinh thành của kinh thành”.

Thực tế, 10 năm đón khách vừa qua, Hoàng thành Thăng Long cũng phần nào được phía quản lý triển khai nhiều hoạt động để khai thác tiềm năng hiện có. Đó là những chuỗi hoạt động giáo dục di sản, là các chương trình âm nhạc và hội chợ sách, là việc mở cửa hệ thống căn hầm tại Cục Tác chiến; cải tạo cảnh quan khu vực Hậu Lâu, và thêm các tiện ích để thu hút du khách tới tham quan.

Chú thích ảnh

Rồi, theo thời gian, những công nghệ hiện đại cũng được ứng dụng tại đây để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích như: Wifi miễn phí, thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh, màn hình tương tác diễn giải lịch sử và gần nhất là hệ thống tham quan “ảo”... nhằm giúp người xem có khám phá di sản qua điện thoại thông minh hoặc máy tính.

Đặc biệt, tháng 8/2015, đồ án Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt và giao Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai, với tiêu chí "Một điểm đến văn hóa đặc sắc, một công viên di sản tươi đẹp giữa lòng Hà Nội". Song song với đó là những ý tưởng về phục dựng điện Kính Thiên, hay lễ hội đèn Quảng Chiếu từng có ở Hoàng thành.

Bởi vậy, cũng không lạ khi số lượng du khách tới đây đã tăng khá nhanh trong những năm qua: Nếu như năm 2013 (bắt đầu bán vé tham quan) mới có khoảng 120.000 lượt khách, năm 2016 đón 245.321 lượt khách, thu phí 5,58 tỷ đồng thì đến năm 2019, lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long đã đạt 517.476 lượt, thu phí hơn 10,5 tỷ đồng.

Nhưng, để khai thác đúng với tiềm năng sẵn có của Hoàng thành Thăng Long, 10 năm vừa qua chắc chắn mới chỉ là những bước đi cơ bản đầu tiên.

Cần nhắc lại, theo khảo sát của các chuyên gia Pháp đưa ra vào năm 2015, Hoàng thành Thăng Long đủ sức đón một lượng khách du lịch vào khoảng 2,4 triệu người/năm trên tổng diện tích hơn 18,3 ha. Cụ thể, khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu có thể tiếp nhận 1.500 du khách mỗi ngày, trong khi khu vực Thành cổ Hà Nội đón được 5.000 du khách. Có nghĩa, chúng ta mới chỉ khai thác khoảng 20% tiềm năng đón khách của di sản văn hóa này.

Thực tế, nhiều chuyên gia đã phân tích nhược điểm của Hoàng thành Thăng Long: Các kiến trúc cổ tại đây hầu hết đều là phế tích nằm sâu dưới lòng đất, hoặc là những tòa nhà cũ từ thời Pháp. Một vài kiến trúc còn lại như cửa Đoan Môn, thềm điện Kính Thiên… không thể thỏa mãn kỳ vọng của du khách, khi họ phải dùng tới... trí tưởng tượng rất nhiều.

Bởi thế, cũng từ đó, những giải pháp để thu hút khách tham quan tiếp tục tìm tới Hoàng thành Thăng Long có thể được định hình khá rõ: Trong khi chờ đợi những kiến trúc hữu hình - như điện Kính Thiên- được phục dựng tại đây, những trầm tích văn hóa được hình thành trong suốt 1000 năm lịch sử của Hoàng thành Thăng Long cần được nghiên cứu để tiếp tục phát huy.

Đó có thể là những thay đổi mang tính bước ngoặt về tổ chức trưng bày và dẫn dắt du khách, là việc tiếp tục sử dụng công nghệ để phục vụ người xem, là việc khai thác chiều sâu văn hóa từ câu chuyện của những hiện vật được tìm thấy tại Hoàng thành. Và trong một chừng mực, không gian của Hoàng thành Thăng Long cũng cần được tiếp tục tận dụng cho những hoạt động văn hóa phù hợp như tổ chức hội chợ sách, triển lãm về di sản, thậm chí là biểu diễn âm nhạc truyền thống.

Thậm chí, như góp ý của rất nhiều tour du lịch, những tiện ích như dịch vụ mua sắm đồ lưu niệm, chụp ảnh với đồ cổ trang, quán cà phê hoặc ăn trưa nhẹ (trong trường hợp tour kết thúc vào buổi trưa) tại đây cũng cần được hoàn thiện để Hoàng thành Thăng Long có thể dễ dàng kết nối với các tour du lịch tại Hà Nội.

Cần nhớ: Bên cạnh góc độ kinh tế, vấn đề thu hút du khách tới Hoàng thành Thăng Long còn gắn với một yếu tố quan trọng: Sự có mặt thường xuyên của người xem sẽ làm di sản “sống lại” trong đời sống đương đại, từ đó giúp cho những hệ giá trị văn hóa, lịch sử đi kèm theo nó tiếp tục duy trì và lan tỏa tới cộng đồng bằng những con đường khác nhau.

Sơn Tùng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN