TTVH Online

MU: Cốt lõi của bóng đá đâu chỉ là chiến thuật

08/09/2020 07:57 GMT+7

Ole Solskjaer không phải vị chiến lược gia có nhiều dấu ấn chiến thuật độc, lạ nhưng vẫn giành được kết quả tốt. Ông đã cho thấy tài năng của các cầu thủ quan trọng hơn cả chiến thuật.

(Thethaovanhoa.vn) - Ole Solskjaer không phải vị chiến lược gia có nhiều dấu ấn chiến thuật độc, lạ nhưng vẫn giành được kết quả tốt. Ông đã cho thấy tài năng của các cầu thủ quan trọng hơn cả chiến thuật.

Bóng đá hôm nay 8/9: MU được mời mua Bale. Mbappe dương tính với Covid-19

Bóng đá hôm nay 8/9: MU được mời mua Bale. Mbappe dương tính với Covid-19

MU được mời ký hợp đồng với Bale. Mbappe dương tính với Covid-19. Lịch thi đấu bóng đá hôm nay.

Cuộc đua chiến thuật

Thế giới bóng đá luôn nhớ tới Hà Lan với lối chơi “cơn lốc”, khởi nguồn của các chiến thuật pressing hiện nay. Người hâm mộ những năm 90 hay sau này cũng sẽ luôn biết tới Italy là một đội tuyển với triết lý bóng đá phòng ngự chặt chẽ.

Lịch sử bóng đá mãi mãi ghi nhận những tên tuổi HLV vĩ đại, những người tạo ra các chiến thuật, trường phái lối chơi mới. Nếu như trước đây có như Johan Cruyff, Karl Rappan (người tạo nền tảng cho hệ thống phòng ngự Catenaccio của Italy) thì bóng đá hiện đại lúc này nổi bật với Pep Guardiola, Jurgen Klopp. HLV Maurizio Sarri tuy chưa đạt nhiều thành công nhưng cũng tạo ra dấu ấn riêng của mình với triết lý Sarri-ball.

Bóng đá càng phát triển, yếu tố chiến thuật lại càng được quan tâm, chú ý hơn. Những HLV có cá tính, có khả năng chiến thuật nổi bật luôn được các CLB hàng đầu săn đón. Đối với họ, điều đó đồng nghĩa với thành công. Vì thế, vị chiến lược gia nào lúc này cũng cố gắng tự phát triển cho mình một lối chơi riêng không giống ai, không ai nắm bắt được hoàn toàn.

Vô tình những điều đó tạo nên một cuộc đua về chiến thuật. Đồng thời, những HLV không có dấu ấn chiến thuật riêng, luôn phải thay đổi liên tục bị đánh giá thấp hơn. Điều đó dĩ nhiên mang lại rất nhiều áp lực cho các HLV.

Tuy nhiên, nhìn vào Maurizio Sarri và Ole Solskjaer sẽ thấy thực tế chiến thuật không mang lại quá nhiều khác biệt. Nó thực chất không phải điều cốt lõi của bóng đá.

Chú thích ảnh
Ole Gunnar Solskjaer được khen ngợi là có khả năng truyền cảm hứng cho các học trò

Cầu thủ mới là trung tâm của bóng đá

Maurizio Sarri bắt đầu nổi danh khi dẫn dắt Napoli. Triết lý Sarri-ball của ông nổi tiếng từ đây và được Pep Guardiola đánh giá cao. Thậm chí, HLV của Man City từng ca ngợi đó là chiến thuật hấp dẫn mà ông từng biết. Với Sarri-ball, các cầu thủ được yêu cầu rất nhiều điều về chuyền bóng và di chuyển đúng theo chiến thuật.

Trong cả sự nghiệp, ông Sarri đã giành được những gì? Một chức vô địch Europa League cùng Chelsea và một danh hiệu Serie A cùng Juventus. Điểm hay rằng, ông giành nó khi đội bóng của ông không chơi theo Sarri-ball. Chelsea tiến tới chức vô địch Europa League bởi sự tỏa sáng của các cá nhân như Olivier Giroud và Eden Hazard. Trong khi đó, “Lão bà” băng băng về đích khi trong đội hình có quá nhiều cái tên chất lượng như Cristiano Ronaldo, Dybala, Higuain, Pjanic, v.v… Tại Napoli trước đây, ông chẳng giành được gì cả.

Trong khi đó, Ole Solskjaer dẫn dắt MU với vấn đề ở mọi vị trí. Hàng thủ lỏng lẻo, tuyến giữa thiếu sức sáng tạo trong khi hàng công lại quá thất thường. Thế nhưng, HLV Solskjaer vẫn đưa MU vào tới bán kết Europa League, kết thúc mùa giải Premier League ở vị trí thứ 3. Điểm khác biệt đến từ ông đưa Bruno Fernandes tới Old Trafford.

Khả năng lãnh đạo cùng sức sáng tạo trong tấn công của Fernandes đã thổi một làn gió mới vào MU. Nó làm cháy rực ngọn lửa chiến đấu trong “Quỷ đỏ”. Có cầu thủ người Bồ, ông Solskjaer lại còn đón chào sự quay trở lại của Paul Pogba ở tuyến giữa và phát triển tài năng của Mason Greewood. Đó là những nhân tố tạo nên thành công của MU mùa trước. Còn về cá nhân Ole Solskjaer, ông không có bất kỳ chiến thuật nào đặc biệt. Vị chiến lược gia này bị nhiều chuyên gia bóng đá chê bai vì điều này nhưng rõ ràng, nếu MU thi đấu tốt dần lên thì chiến thuật bình thường cũng đâu vấn đề gì.

Nhớ lại thời điểm Pep Guardiola mới tới Premier League mùa giải 2016-17, ông cũng chẳng làm được gì tại đây. Chỉ khi đổ tiền nâng cấp đội hình, Man City của Pep Guardiola mới thống trị Premier League, chiến thuật của ông mới mang lại thành quả.

Chiến thuật của Pep Guardiola vĩ đại là vậy, nhưng nên nhớ rằng, rời Barcelona, ông chưa vào chung kết Champions League lần nào chứ đừng nói vô địch giải đấu này. Bayern tại Bundesliga là ông trùm cả trước và sau khi Pep Guardiola đi. Man City trước khi Pep tới cũng từng vô địch Premier League 2 lần. Rõ ràng, chiến thuật chỉ là chất phụ gia thêm vào giúp tài năng của các cầu thủ được phát huy tốt nhất.

Bóng đá vốn dĩ rất đơn giản, chỉ có con người làm cho nó phức tạp lên mà thôi.

Quý Dậu

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN