TTVH Online

Nhà thơ Trương Đăng Dung: 'Xin đừng hỏi thơ có thể làm được gì…'

26/08/2020 06:57 GMT+7

Trong văn giới, từ lâu tên tuổi PGS-TS Trương Đăng Dung gắn liền với những nghiên cứu lý thuyết chuyên sâu và những bản dịch tài hoa, ít ai nghĩ ông có thể làm được thơ, chứ đừng nói thơ hay. Vậy mà ở tuổi U60, ông bắt đầu làm thơ, tập "Em là nơi anh tị nạn" (NXB Văn học) vừa phát hành có lẽ sẽ là một tiếp nối thành công của tập "Những kỷ niệm tưởng tượng" (NXB Thế giới, 2011).

(Thethaovanhoa.vn) - Trong văn giới, từ lâu tên tuổi PGS-TS Trương Đăng Dung gắn liền với những nghiên cứu lý thuyết chuyên sâu và những bản dịch tài hoa, ít ai nghĩ ông có thể làm được thơ, chứ đừng nói thơ hay. Vậy mà ở tuổi U60, ông bắt đầu làm thơ, tập Em là nơi anh tị nạn (NXB Văn học) vừa phát hành có lẽ sẽ là một tiếp nối thành công của tập Những kỷ niệm tưởng tượng (NXB Thế giới, 2011).

Thơ sau chống Mỹ và sự tiếp nối mạch thơ Việt

Thơ sau chống Mỹ và sự tiếp nối mạch thơ Việt

Giữa hai thế hệ nhà thơ thời chống Pháp và chống Mỹ tồn tại sự thống nhất đến mức “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình”. Nhưng thơ chống Mỹ và thơ hậu hiện đại hôm nay lại như “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Thơ của Trương Đăng Dung là kết quả của chiêm nghiệm, giống như sắc thuốc Nam, để gói ghém nhiều hình ảnh, suy tư trong các câu chữ đã kiệm lời hết mức. Nói như nhà thơ Giáng Vân: “Thời gian, không gian, sự sống, cái chết, đức tin, nỗi đau của kiếp người... ở Trương Đăng Dung đều là ẩn dụ, hoán dụ, hay là biểu tượng, vì vậy, nó mang tính phổ quát”.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trương Đăng Dung.

* Tuổi U60 ông mới xuất hiện với tư cách người làm thơ, nhưng thực tế thì ông đến với việc làm thơ từ khi nào?

- Năm 1978, bài thơ đầu tiên của tôi được in ở báo Văn nghệ, đó là bài thơ Âm hưởng mùa Hè. Bài này tôi viết ở Budapest (Hungary), khi còn là sinh viên năm thứ nhất. Có thể xem đây là bài khép lại giai đoạn sáng tác tuổi học trò, nặng về mô tả tình cảm trong hình thức thơ truyền thống.

Đến năm 2011, tôi mới xuất bản tập thơ đầu tiên, tập Những kỷ niệm tưởng tượng, khi tập hợp được những bài viết theo hình thức thơ tự do, mà tiêu biểu là bài Những kỷ niệm tưởng tượng. Đây là một trong những bài thơ tôi thích nhất, được viết vào tháng 4/1983, khi là nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Đến cuối tháng 10/1983, bài thơ được dịch và in trang trọng trong tạp chí Uj iras (Tác phẩm mới) của Hungary. Hơn 20 năm sau, bài thơ mới được in trên tạp chí Sông Hương (số 6/2004), số chuyên đề về festival và diễn đàn thơ.

* Vậy với ông, thơ là gì?

- Thật khó để có thể định nghĩa về thơ. Mà cũng không cần phải định nghĩa. Mỗi nhà thơ có quan niệm và mỹ cảm riêng về thơ. Với tôi, thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện. Thơ như một diễn ngôn khác, có khả năng thể hiện sâu sắc hơn, đa diện hơn cái thế giới bên trong của thi sĩ, với tinh thần bóp méo cấu trúc của hiện thực để giữ lại cấu trúc của cái tôi, giống như Ch. Caudwell quan niệm.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Trương Đăng Dung tại lễ trao giải của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011, khi tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” được vinh danh. Ảnh: Phong Điệp

* Khi ông làm thơ về các kinh sách, hoặc về các nhân vật như F. Kafka, Tô Thùy Yên..., ông muốn gửi gắm điều gì phía sau đó?

- Tôi muốn mở rộng chiều kích của phản ánh nghệ thuật qua việc thay đổi đối tượng phản ánh. Tôi sử dụng những bí tích và dụ ngôn tôn giáo làm đối tượng của phản ánh nghệ thuật để khám phá quan hệ giữa thiên chức và quyền lực, nỗi đau và đức tin trong một thế giới mà trí năng đang bộc lộ sự bất lực trước những phôi pha, đổ vỡ của đời sống.

Cũng như thế, khi tôi làm thơ về các nhà văn lớn như F. Kafka, Dostoevsky, Nikos Kazantzakis, Tô Thùy Yên..., tôi muốn lấy chính các chủ thể sáng tạo làm đối tượng phản ánh nghệ thuật để cho đối tượng của phản ánh nghệ thuật không chỉ bó hẹp ở thế giới bên ngoài, mà còn có ở thế giới bên trong của người sáng tạo, tạo nên những dụ ngôn về tồn tại người trong tương quan với thời gian, nỗi cô đơn và cái chết.

Chú thích ảnh
Tập thơ vừa phát hành “Em là nơi anh tị nạn” của Trương Đăng Dung

* Trong cả tư cách nhà thơ và nhà nghiên cứu về văn học, ông nghĩ gì về thơ trong đời sống hiện nay?

- Chúng ta đang sống trong một thế kỷ mà trật tự thế giới luôn được điều chỉnh trước những biến động chính trị, nhưng con người thì vẫn bị lãng quên ngay trong chính những việc mà người ta thực hiện nhân danh lợi ích của con người.

Xin đừng hỏi thơ có thể làm được gì trong một thế giới mà con người đang tiếp tục bị lãng quên. Thơ có thể và cần phải nói được nhiều hơn về con người, theo cách của thơ. Không phải chỉ có tiểu thuyết mới cần phải khám phá những khía cạnh mới, phức tạp hơn và bí ẩn hơn của đời sống. Và cũng không chỉ tiểu thuyết đang đứng trước nguy cơ bất lực trong việc khám phá cái bản thể tồn tại, vốn đang bị tư duy giáo điều cùng hệ thống các quy ước đầy tính thực dụng của thời hiện đại bỏ quên, mà ngay cả thơ đương thời cũng đang ở trong tình trạng đó.

* Và cả về tương lai thơ Việt?

- Thời đại nào cũng có người hiểu thơ và yêu thơ, cũng như có người không hiểu thơ và không yêu thơ. Tôi thấy văn học nước nhà nói chung và thơ nói riêng đang vận động với những nỗ lực đáng ghi nhận. Chúng ta nên để cho mọi khuynh hướng sáng tác được thể hiện, cũng như cần chấp nhận sự xuất hiện của các nhóm độc giả với những yêu cầu thưởng thức văn học khác nhau. Đã qua rồi cái thời mà gần như cả nước chỉ biết và thích một vài nhà thơ hoặc một khuynh hướng sáng tác duy nhất.

* Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ chuyên sâu và thẳng thắn này.

Người dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Hungary

Năm 1983, trong thời gian làm luận án tiến sĩ tại Hungary, Trương Đăng Dung bắt đầu dịch nghĩa và chú giải Truyện Kiều. Nhà thơ nổi tiếng Tandori Dezső (1938-2019) cùng nhuận sắc và dịch thơ, năm 1984, bản Truyện Kiều tiếng Hungary do Nhà xuất bản châu Âu ấn hành, được giới chuyên môn đánh giá rất tốt.

Chú thích ảnh
Tập “Truyện Kiều” tiếng Hungary do Trương Đăng Dung và Tandori Dezso dịch, chú giải

Năm 2018, cũng tại Nhà xuất bản châu Âu, tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung được in song ngữ, do Giáp Văn Chung và Hay Janos dịch ra tiếng Hungary; được mời giao lưu, ra mắt trang trọng tại Festival sách quốc tế tại Budapest năm 2018.

Trương Đăng Dung sinh năm 1955 tại Nghệ An, sống tại Hà Nội. Từ năm 1978, ông là thành viên của Viện Văn học. Về lý thuyết văn học, ông nhận ảnh hưởng từ Martin Heidegger, Franz Kafka… cho đến các khuynh hướng sáng tác hiện đại, hậu hiện đại.

Văn Bảy (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN