TTVH Online

Cùng trẻ em vượt qua Covid-19 bằng truyện tranh

19/08/2020 06:54 GMT+7

Hướng đến độc giả từ 7 đến 12 tuổi, bộ truyện tranh gồm 6 cuốn (Chibooks và NXB Văn học vừa ấn hành) không chỉ giúp các em vượt qua Covid-19, mà còn là một định hướng cho nghị lực sống dài lâu. Bộ sách hiện đang được khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền dịch, phát hành, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ...

(Thethaovanhoa.vn) - Hướng đến độc giả từ 7 đến 12 tuổi, bộ truyện tranh gồm 6 cuốn (Chibooks và NXB Văn học vừa ấn hành) không chỉ giúp các em vượt qua Covid-19, mà còn là một định hướng cho nghị lực sống dài lâu. Bộ sách hiện đang được khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền dịch, phát hành, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ...

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Viết sách nhờ ghi nhật ký giùm con

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Viết sách nhờ ghi nhật ký giùm con

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi vừa được NXB Kim Đồng ấn hành cuốn sách đầu tay do chính chị viết sau rất nhiều cuốn sách và các bộ phim do chị dịch - sách Bụng Phệ nhanh chân…

Bộ truyện gồm: Chiếc khẩu trang biết đếm (tác giả: La Hi), Levin là một chú mèo (Đào Cửu), Chuyến du hành 9.000mm (Trương Hiểu Linh), 14 trò chơi của ông nội (Triệu Lăng), Bà mẹ chạy trốn (Thiên Mạch) và Hộp cơm rỗng (Ngải Văn Nhi - Tinh Hỏa). Bộ sách này được chuyển ngữ bởi dịch giả Nguyễn Lệ Chi.

Mở cái nhìn ngộ nghĩnh về Covid-19

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi cho biết, bộ truyện tranh này chỉ gồm 6 cuốn, ra đời tại Trung Quốc ngay sau khi nước này có dịch. “Tôi đọc được giới thiệu trên báo chí Trung Quốc, nên tìm cách tiếp cận và nhận thấy bộ sách giàu tính nhân văn, viết với góc nhìn từ trẻ em, nên dễ gần gũi với trẻ em. Tôi đã liên hệ với NXB để mua bản quyền dịch” - Nguyễn Lệ Chi cho biết.

Bộ truyện lồng ghép về các cách thức lây lan của Covid-19 vào các ngữ cảnh dễ nhớ, không áp đặt. Tác giả Thiên Mạch gọi Covid-19 là “tiểu yêu quái”, nghe rất lạ tai, nhưng khá phù hợp với truyền thống huyền thoại - cổ tích của nước này, cũng như vài nước khác tại khu vực Đông Á. “Chúng rất ghê gớm. Nếu người nào không may bị chúng nhìn trúng, sẽ lập tức bị viêm phổi rất nặng, thậm chí có người đã qua đời” - Thiên Mạch viết.

Chú thích ảnh
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và bộ truyện tranh về Covid-19

“Nghe nói có nhà đã bỏ rơi chó mèo, nói rằng chúng bị nhiễm Covid-19. Cô bé đã gọi điện hỏi bố mẹ xem có đúng như vậy không. Họ đều trả lời rằng tới giờ vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào cho rằng có lây nhiễm Covid-19 từ chó mèo” - tác giả Ngải Văn Nhi - Tinh Hỏa viết.

Nói chung, điểm nổi bật của 6 truyện tranh này là khả năng chắt lọc các các tình huống ứng xử và tâm lý của mọi người giữa đại dịch Covid-19, đặc biệt là trẻ em. Vì viết cho trẻ em, nên các tình huống và suy nghĩ ngộ nghĩnh luôn luôn được cài cắm, nhắc lại một cách tự nhiên, để các em đỡ thấy nhàm chán, nặng nề.

Chú thích ảnh
Bộ truyện tranh vừa phát hành

Dù viết về khoa học thường thức, nhưng chính các tình huống và tâm lý ngộ nghĩnh này đã giúp cho câu chuyện có được chất văn chương cần thiết. Bộ sách mang lại những liên tưởng, suy nghĩ bất chợt, dễ nhớ.

Ngoài việc giúp trẻ em tiếp cận và hiểu hơn về Covid-19, có lẽ bộ sách còn mang lại các giá trị khác như thêm yêu thương vật nuôi. Mỗi vật nuôi đều có sinh mạng, tình cảm riêng, thậm chí cả các con vật bị bỏ hoang cũng luôn có tình cảm, khát khao được yêu thương. Bộ sách cũng khuyến khích các em chủ động quan sát, biết tự lập, biết chăm sóc bản thân khi bố mẹ vắng nhà, khi đối diện nguy hiểm.

Hoặc kêu gọi các em biết dũng cảm vượt qua khó khăn, chia sẻ tình cảm, biết chăm sóc gia đình, bố mẹ, ông bà khi gặp sự cố... Kêu gọi các em về tinh thần nhường nhịn, hy sinh, sẻ chia giúp đỡ người ngoài.

Chú thích ảnh
Cách vẽ tích hợp, nhẹ nhàng

Có cách vẽ truyện tranh riêng

Với cách vẽ truyện tranh có nét riêng, không giống manga kiểu Nhật Bản, hoặc comic kiểu Mỹ, hoặc manhua kiểu Trung Quốc, hoặc manhwa kiểu Hàn Quốc… mà là tích hợp các phong cách này. Thậm chí tích hợp cả phong cách hoạt hình Tây phương, hoạt họa anime của Nhật Bản, cổ tích kiểu nhạc kịch Broadway…

Chú thích ảnh

Tuy Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, các truyện này do tác giả Trung Quốc viết, nhưng về phong thổ và con người, trừ quyển Chuyến du hành 9.000mm có một chút xíu, còn lại chúng ít bị khu biệt vào một địa điểm, một đất nước nào cụ thể. Điều này có thể do tác động từ bối cảnh toàn cầu hóa và các hệ lụy của xã hội tiêu dùng, giải trí, sự phai mờ bản sắc là tình trạng chung của nhiều nước.

Nhưng cũng có thể do đại dịch Covid-19 lan nhanh ra toàn cầu, 6 nhà văn thiếu nhi và họa sĩ muốn viết các tác phẩm mà trẻ em nước nào cũng chia sẻ được? Có lẽ vì vậy mà bộ truyên này đã được 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mua bản quyền dịch và phát hành chăng?

Như Hà 

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN