TTVH Online

Vĩnh Phúc tạo đà cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

29/06/2020 11:31 GMT+7

Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

(Thethaovanhoa.vn)- Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Phát huy vai trò chính quyền kiến tạo, phục vụ, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Chú thích ảnh
Với vốn vay 8,4 tỷ đồng từ Quỹ Phát triển KH&CN, Công ty cổ phần Đầu tư OSUM (xã Trung Nguyên, Yên Lạc) từng bước đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường. Ảnh: BVP

Do 100% nguyên liệu nhập khẩu từ Cộng hòa Séc nên những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thủ tục thông quan hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hoạt động SXKD của Công ty cổ phần Đầu tư OSUM (xã Trung Nguyên, Yên Lạc) – Doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm thủy tinh, pha lê gặp trì trệ, doanh thu chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Song, với những nỗ lực của doanh nghiệp, những thuận lợi trong việc thông quan hàng hóa của chính phủ, sự đồng hành của các sở, ngành, đặc biệt là sự hỗ trợ vốn vay 8,4 tỷ đồng từ Quỹ Phát triển KH&CN triển khai “Dự án Đầu tư máy móc dây chuyền khảm vàng lên thủy tinh pha lê" đã giúp công ty từng bước vượt khó, đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, ổn định SXKD.

Thực hiện Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp của chính phủ, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch về thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025; triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV....

Công tác cải cách TTHC được các sở, ngành, các địa phương đẩy mạnh tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp, tạo điều kiện giải quyết sớm các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh; qua đó, đã ngăn chặn được nhiều vụ việc có dấu hiệu phức tạp, ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp nhận và cấp mới 41 giấy phép lao động cho người nước ngoài; cập nhật dữ liệu, vận động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh; hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng website thương mại điện tử; cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tập huấn trực tuyến về Hiệp định EVFTA do Bộ Công Thương tổ chức...

Cuối năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 62 về việc quy định về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh trong 5 năm (2020-2024), xác định giá đất cho hầu hết các khu, cụm công nghiệp, cụm KT - XH, đất làng nghề... tháo gỡ được những khó khăn về xác định giá đất một số khu, cụm chưa có giá đất và giá thuê đất ngoài các khu vực này, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp trong hoạt động SXKD.

Trợ giúp vay vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các gói cho vay, chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-2%/năm với quy mô lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hiện nay, số lượng DNNVV có quan hệ tín dụng với ngành ngân hàng là 2.772 doanh nghiệp, dư nợ 17.212 tỷ đồng, tăng 6,25% so với cuối năm 2019 (chiếm tỷ lệ 44,65% dư nợ cho vay doanh nghiệp).

Tỉnh còn thực hiện hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng; thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương về đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 2020; giãn, hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết; thường xuyên quảng bá xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, tìm đối tác kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thị trường...

Tuy nhiên, dịch Covid-19 cùng với những tác động từ những yếu tố khác đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình phát triển doanh nghiệp và làm cho số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm ngừng kinh doanh trong những tháng đầu năm 2020 tăng cao so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, mặc dù tỉnh đã ban hành Quy hoạch CCN và quy hoạch chi tiết các khu đất cho DNNVV thuê, song, theo quy định hiện nay, ngân sách tỉnh không được đầu tư hạ tầng các CCN, hạ tầng các khu đất cho DNNVV thuê.

Trong khi đó, tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng các CCN, khu đất cho DNNVV thuê. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã được triển khai thực hiện, nhưng vẫn còn hiện tượng “một cửa nhiều khóa”.

Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Kế toán, kiểm toán, tư vấn, đại lý thuế, hải quan chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, thực hiện thủ tục đất đai còn gặp nhiều khó khăn, giá đất tại các KCN còn cao khiến giảm sức hấp dẫn đầu tư... Bởi vậy, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc này, sự hỗ trợ, phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa, đóng góp chung vào sự phát triển KT – XH của tỉnh trong thời gian tới.

PTTT

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN