TTVH Online

Triển lãm 'Nguyên thoái': Đối thoại với thiên nhiên từ nội tâm ra ngoại giới

30/07/2020 08:58 GMT+7

Với quan niệm “nguyên” là nguyên bản và nguyên chất, còn “thoái” là biến chất và hủy hoại, triển lãm nhóm "Nguyên thoái" là cuộc đối thoại với thiên nhiên từ nội tâm ra ngoại giới.

(Thethaovanhoa.vn) - Với quan niệm “nguyên” là nguyên bản và nguyên chất, còn “thoái” là biến chất và hủy hoại, triển lãm nhóm Nguyên thoái là cuộc đối thoại với thiên nhiên từ nội tâm ra ngoại giới.

Khai mạc triển lãm ảnh về những khoảnh khắc của cuộc sống thời COVID-19

Khai mạc triển lãm ảnh về những khoảnh khắc của cuộc sống thời COVID-19

Sáng 26/6, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức triển lãm ảnh về những khoảnh khắc của cuộc sống thời COVID-19 với tựa đề “Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19”.

Triển lãm vừa kết thúc hôm qua 29/7 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, với sự tham dự của Nguyễn Thùy Hương, Phạm Văn Đức, Võ Thị Thu Sương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Ciarna Hackett và Lý Ngọc Hải.

Thiên nhiên của mỗi người

Như Truyện Kiều: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, khi chúng ta cùng nhìn một cảnh vật, cứ tưởng là sẽ giống nhau, nhưng thực tế là khác nhau, tùy tâm trạng, ý niệm và nhận thức của mỗi người. Cùng suy ngẫm về “nguyên” và “thoái” của thiên nhiên, nhưng 6 họa sĩ đã có cách tiếp cận khác nhau.

Ví dụ Lý Ngọc Hải thể hiện thiên nhiên qua các loài vật. “Ở một góc độ nào đó, quan điểm về nguyên thoái cũng như là tốt xấu, tất cả đều mang tính tương đối. Đôi khi phần nguyên bản đẹp đẽ bên ngoài mà ta nhìn thấy có thể đã bị thoái hóa bên trong. Hoặc cái phần xương tưởng như là đã thoái hóa kia lại là phần nguyên của một thực thể khác” - Lý Ngọc Hải nói.

Còn với Võ Thị Thu Sương thì nguyên thoái được đánh dấu bằng sự tan vỡ ảo tưởng về đỉnh cao của văn minh, nơi làm phá vỡ mạng lưới hoạt động của tự nhiên. Họa sĩ này vẽ loạt tranh thể hiện sự sự lưỡng nan của nhận thức, vẽ về khởi nguyên của tội ác và suy vong.

Chú thích ảnh
Các họa sĩ của “Nguyên thoái”

Nguyễn Thùy Hương thì dùng các màu sắc biểu tượng của thiên nhiên và công nghiệp, sự tàn phá đặt gần nhau. Chị nói: “Thật đau lòng khi rừng mất đi hàng ngày, nhà mọc lên thay thế cho cảnh quan tươi mát, màu xám đang lấn át dần màu xanh..., nên những bức tranh của tôi vẽ niềm trăn trở đó”.

Liêu Nguyễn Hướng Dương thì cho rằng tự mỗi người đã là thiên nhiên của chính mình. Anh đưa ra thông điệp “Tui là thiên nhiên” trong loạt tranh mới. Anh cho biết: “Nếu thiên nhiên ngày càng mất đi, chúng ta cũng sẽ mất dần cuộc sống tươi đẹp. Bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ tương lai cuộc sống của chính chúng ta mà thôi”.

Cũng giống như Liêu Nguyễn Hướng Dương, Ciarna Hackett và Phạm Văn Đức quan vẽ chính mình là cách lột tả thiên nhiên. “Sự tồn tại của còn người từ nguyên thủy là do thích nghi với môi trường. Cuộc song hành giữa con người và thiên nhiên là không thể tách rời cùng với những tương tác và hệ quả. Con người còn tồn tại bao lâu nữa nếu chúng ta không trân trọng, gìn giữ những gì thiên nhiên đã và đang ban tặng cho chúng ta” - dẫn theo thông điệp mà triển lãm này đặt ra.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Nai" (sơn mài, 100cm x100cm, 2020) của Lý Ngọc Hải

Vẽ từ sự tác động của Covid-19

Từ Ireland sang Việt Nam, Ciarna Hackett bị mắc kẹt bởi đại dịch Covid-19 nên phải ở yên tại chỗ trong nhiều tháng. Thế là nữ họa sĩ này nghĩ ra ý tưởng vẽ các tranh nhỏ, như là một truy vấn về tâm lý của chính mình trước môi trường sống đang bị giãn cách. Ciarna Hackett nói rằng bình thường thì Ireland và Việt Nam có thể khác nhau, nhưng khi bị đại dịch vây bủa, thì hai nước khá giống nhau, vì cùng chung những đồng cảm và quan tâm về những vấn đề thiên nhiên, xã hội, môi trường, con người, bệnh tật và tồn tại, diệt vong.

“Tôi rất hạnh phúc khi được mời tham gia triển lãm Nguyên thoái, ngay khi thế giới đang từng ngày tìm cách để bình thường mới” - Ciarna Hackett nói.

Liêu Nguyễn Hướng Dương là một họa sĩ rất thành công về khía cạnh thị trường trong suốt 10 năm qua, những cây đào anh vẽ đã bán vài trăm bức, mang lại danh tiếng cho anh tại quốc nội và quốc tế. Đặc biệt, tranh hoa đào của anh đã mang lại lợi nhuận vững bền cho nhiều phòng tranh và nhà môi giới. Hiện chúng vẫn còn rất hút khách.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Tui là thiên nhiên" (acrylic, 150cm x 120cm, 2020) của Liêu Nguyễn Hướng Dương

Vậy mà họa sĩ này muốn dừng lại hẳn, cũng là khá dũng cảm. Bởi vẽ tranh đã khó, bán tranh càng khó hơn, dừng lại việc bán tranh chạy càng khó hơn nữa. Chuyển từ ấn tượng chủ đạo sang biểu hiện chủ đạo, loạt tranh mới trong Nguyên thoái của anh như bứt gốc khỏi con đường mà anh đã đi mòn lối trong hơn 10 năm qua. Nhìn ở khía cạnh tìm tòi sáng tạo, sự thay đổi có tính phiêu lưu này quả là đáng ghi nhận, khi chất “nghệ” tạm thắng thế chất nghề.

Liêu Nguyễn Hướng Dương cho biết chính Covid-19 đã thay đổi anh đáng kể, thời gian giãn cách khiến anh cật vấn lại nhiều điều, trong đó có cả danh-lợi-tình. Anh nói rằng nếu tiếp tục vẽ hoa đào thì vẫn có lối để đi, nhưng đó là vẽ một đời sống ở bên ngoài, nay anh muốn vẽ một thiên nhiên, một đời sống từ bên trong.

“Đã hơn 10 năm cho một hành trình, tôi tự thấy đã đến lúc phải thay đổi, dù thách thức là khó tránh khỏi” - Hướng Dương nói.

Như Hà

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN