TTVH Online

Đếm ngược 1 năm đến Olympic Tokyo

22/07/2020 06:55 GMT+7

Nhật Bản đã kiểm soát phần lớn virus corona. Thế nhưng, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ, thì không. Vì thế, tròn 1 năm trước khi Olympic diễn ra, đây vẫn là một vấn đề lớn của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và nước chủ nhà Nhật Bản.

(Thethaovanhoa.vn) - Nhật Bản đã kiểm soát phần lớn virus corona. Thế nhưng, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ, thì không. Vì thế, tròn 1 năm trước khi Olympic diễn ra, đây vẫn là một vấn đề lớn của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và nước chủ nhà Nhật Bản.

Kết quả bóng đá Ngoại hạng Anh: Arsenal thua sốc Aston Villa, Man City đá như dạo chơi vẫn thắng

Kết quả bóng đá Ngoại hạng Anh: Arsenal thua sốc Aston Villa, Man City đá như dạo chơi vẫn thắng

Kết quả bóng đá. Kết quả bóng đá Ngoại hạng Anh. Vòng 37 Ngoại hạng Anh chứng kiến 2 thái cực vui, buồn của 2 “ông lớn” Arsenal và Man City.

Một năm nữa, thế giới sẽ bắt đầu tập trung tại Nhật Bản để chào mừng sự kiện khai mạc Thế vận hội Tokyo, vốn ban đầu được sẽ diễn ra trong tuần này. Hoặc có thể là không.

Nỗi lo dịch bệnh

4 tháng sau khi IOC và các quan chức ở Nhật Bản hoãn Olympic trong bối cảnh tỉ lệ nhiễm virus corona tăng vọt và phong tỏa trên toàn thế giới, sự không chắc chắn vẫn là nỗi lo lớn nhất. Bản chất không thể đoán trước của virus đang khiến các quan chức không thể khẳng định dứt khoát rằng, Olympic sẽ diễn ra hoặc, nếu có, sự kiện sẽ trông như thế nào.

Có thể sẽ không khán giả. Có lẽ chỉ những người sống ở Nhật Bản mới có thể tham dự. Hoặc có thể chỉ những người từ các quốc gia đã kiểm soát được virus. Liệu sẽ có một làng Olympic dành cho khoảng 10 nghìn vận động viên? Liệu những vận động viên đến từ Mỹ, nơi đại dịch không có dấu hiệu giảm, sẽ được phép tham dự?

Trong một cuộc họp báo mới đây, Thomas Bach, Chủ tịch của IOC, cho biết, việc lập kế hoạch cho Olympic có rất nhiều lựa chọn. Tất cả trong số đó, như ông nói, đều ưu tiên sức khỏe của các vận động viên. “Olympic sau những cánh cửa đóng kín rõ ràng là điều chúng ta không hề muốn”, Bach nói. “Chúng tôi đang tìm giải pháp bảo vệ sức khỏe của tất cả những người tham gia và cũng phản ánh tinh thần Olympic”.

Quan trọng không kém, hoãn Olympic một lần nữa không phải là lựa chọn tại thời điểm này, nếu không muốn nói nếu Olympic không được tổ chức vào mùa hè tới, nó sẽ không được tổ chức nữa. Sau cùng thì vấn đề vẫn là nỗi lo bùng phát virus corona và sự an toàn của con người. Hay nói như ông Harvey Schiller, cựu giám đốc điều hành của Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ thì “Mọi người lúc này đang tập trung vào sức khỏe của công dân nước họ”.

Chú thích ảnh
Mới đây, IOC và nước chủ nhà Nhật Bản khẳng định Thế vận hội sẽ diễn ra vào năm 2021

Không ai nghi ngờ về quyết tâm của IOC và Nhật Bản, quốc gia rất muốn tổ chức Olympic sau khi đã đầu tư khoảng 12 tỷ USD để chuẩn bị. Và IOC cũng sẽ mất hàng tỷ USD doanh thu từ bản quyền truyền thông, vé và tài trợ nếu Thế vận hội không xảy ra. Vì thế, bất chấp sự gia tăng gần đây về số ca nhiễm virus corona và lệnh cấm đi lại từ 129 quốc gia, Nhật Bản vẫn hi vọng Olympic 2020 bị hoãn sẽ trở lại vào ngày 23/7/2021 tại Tokyo.

Trớ trêu là ngay sau khi Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo, đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào đầu tháng này, bà đã gặp Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, để thảo luận về các biện pháp ngăn chặn virus. “Tôi muốn dẫn dắt Thế vận hội và Paralympic vào năm tới như một bằng chứng cho thấy chúng tôi đã chiến thắng virus corona”, bà nói.

Vậy nhưng, mới đây thôi, Tokyo đã nâng mức cảnh báo đại dịch lên màu đỏ, mức cao nhất, để phản ứng với sự tăng đột biến gần đây của các trường hợp nhiễm bệnh tập trung ở khu phố đêm, trong đó có 293 ca nhiễm mới vào thứ Sáu tuần trước.

Phải thừa nhận là so với các thành phố quốc tế khác, Tokyo khá thành công trong việc khống chế virus. Một thành phố có 14 triệu dân nhưng chỉ có chưa đầy 9 nghìn trường hợp nhiễm bệnh và 326 người chết kể từ tháng 2, so với hơn 3,5 triệu trường hợp và gần 140 nghìn người tử vong ở Mỹ.

Nỗi lo đi lại

Một phần chiến lược của Nhật Bản là đóng cửa biên giới với các công dân đến từ 129 quốc gia, trong đó có Mỹ và các phần lớn châu Âu, châu Phi, Mỹ Latin và phần còn lại của châu Á. Gần đây, Nhật Bản đã công bố kế hoạch đàm phán nhằm vận chuyển hàng không hai chiều với Australia, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam, tuy nhiên, tất cả vẫn không biết khi nào họ có kế hoạch mở lại biên giới với công dân từ phần còn lại của thế giới.

Thực tế thì ngay trong Nhật Bản, người dân vẫn cảnh giác với việc đi lại, vì thế mà kế hoạch khuyến khích du lịch nội địa đã vấp phải sự phản đối vì mọi người lo lắng rằng người Tokyo có phát tán virus tới các khu vực khác của đất nước. Trong khi đó, các cuộc thăm dò cho thấy công chúng cũng cảnh giác với Thế vận hội. Trong một cuộc khảo sát vào cuối tháng 6 của Asahi Shimbun, một trong những tờ báo hằng ngày lớn nhất Nhật Bản, 59% những người được thăm dò nói rằng họ muốn Thế vận hội bị hoãn một lần nữa hoặc hủy bỏ.

Chú thích ảnh
Khảo sát của báo chí cho thấy, người dân Nhật Bản không còn hào hứng với Thế vận hội

Dù sao thì virus corona vẫn chưa dừng tàn phá lịch thể thao toàn cầu khi IOC mới đây đã quyết định hoãn Olympic trẻ mùa hè 2022 tại Senegal đến năm 2026. Theo Bach, việc tổ chức ba Thế vận hội - Thế vận hội Tokyo, Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh và Thế vận hội mùa hè 2024 ở Paris - cộng với Thế vận hội trẻ vào năm 2022 và 2024 là quá tải. Không có gì ngạc nhiên khi Bach thừa nhận, một kế hoạch cụ thể cho Olympic Tokyo diễn ra như thế nào vẫn chưa được hoàn tất.

Theo ông Han Xiao, chủ tịch của Hội đồng tư vấn Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ, việc hạn chế đi lại đang khiến các vận động viên tỉnh táo đau đầu cả đêm. Nhiều người cần phải cạnh tranh để đủ điều kiện tham gia Thế vận hội, và cũng để trau dồi kỹ năng của họ tại một sự kiện mà đối với nhiều người là đỉnh cao của sự nghiệp thể thao của họ. Muốn giành vé đến Tokyo không phải là dễ, nhưng các vận động viên cũng cần đảm bảo rằng họ sẽ được phép tham gia.

Dĩ nhiên, các chính phủ nói chung không thể can thiệp vào quyền tham gia Thế vận hội của một vận động viên, nhưng những cuộc tranh luận này thường liên quan đến các vấn đề chính trị. Và virus corona thì đã thay đổi cục diện.

Uỷ ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo vừa khẳng định sẽ tổ chức Olympic theo các kế hoạch của giải bị hoãn, chỉ lùi lại 1 năm, theo đó, Olympic 2020 sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến 8/8/2021. Các nội dung thi đấu vẫn sẽ diễn ra ở cùng địa điểm được chuẩn bị cho năm 2020 theo dự kiến. Điều này đồng nghĩa cả 43 địa điểm, Làng Olympic, Trung tâm báo chính chính và Trung tâm truyền phát quốc tế sẽ được sử dụng cho Olympic vào năm 2021.

Được biết thì Tokyo 2021 sẽ mở màn với môn bóng mềm vào ngày 21/7, 2 ngày trước lễ khai mạc, tại sân bóng chày Fukushima Azuma. Các trận đấu bóng đá vòng loại cũng sẽ diễn ra trong ngày, còn vòng loại môn rowing và bắn cung sẽ được tổ chức trong ngày khai mạc…

Mạnh Hào

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN