TTVH Online

Liên tiếp các vụ cháy di tích tại Hà Nội: Hồn cốt văn hóa ngàn năm bỗng hóa... tàn tro!

07/07/2020 08:28 GMT+7

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy di tích, gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ mất đi công trình kiến trúc cùng rất nhiều di vật, cổ vật đẹp, điều đáng tiếc hơn cả là những giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị tinh thần được gây dựng và gìn giữ hàng trăm năm qua cũng hóa tàn tro. Nỗi xót xa không thể đo đếm được.

(Thethaovanhoa.vn) - Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy di tích, gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ mất đi công trình kiến trúc  cùng rất nhiều di vật, cổ vật đẹp, điều đáng tiếc hơn cả là những giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị tinh thần được gây dựng và gìn giữ hàng trăm năm qua cũng hóa tàn tro. Nỗi xót xa không thể đo đếm được.

Cháy chùa cổ hơn 300 tuổi

Cháy chùa cổ hơn 300 tuổi

Ngọn lửa bùng lên dữ dội đã thiêu rụi toàn bộ chánh điện chùa Hội Sơn (TP HCM) khiến nhiều tượng phật, ban thờ, kinh kệ... bị cháy theo. Trụ trì chùa đánh giá, thiệt hại từ vụ hỏa hoạn này là vô giá.

Vụ cháy đầu tiên xảy ra tại chùa cổ Cự Đà, huyện Gia Lâm vào tối 10/1/2020 làm hạng mục Tam bảo gồm: Tiền đường, thượng điện của chùa bị cháy. Cụ thể, vụ cháy khiến phần mái bị sập, than hóa các cấu kiện gỗ, vì kèo và hệ thống đồ thờ trong di tích. Đây là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Lê, có tuổi đời tới 300 năm, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1996.

Vụ thứ hai là vụ cháy chùa Linh Quang, huyện Quốc Oai vào rạng sáng 24/6, khiến ngôi Tam bảo bị thiêu rụi hoàn toàn, hệ thống đồ thờ bị than hóa. Đáng tiếc, Tam bảo của chùa mới được trùng tu hoàn toàn bằng gỗ lim, hoàn thành được 6 năm nay. Cũng vào đêm 24/6, đền Lâm Du, quận Long Biên bị cháy khiến gần như toàn bộ hiện vật trong đền bị cháy, hạng mục kiến trúc chính của ngôi đền bị than hóa. Trong khi đó, đền Lâm Du là nơi giữ như nhiều hiện vật quý như: Các bức hoành phi, câu đối, ly môn, hệ thống tượng… Trước đó, năm 2018 là vụ cháy tại đình Thọ Tháp, quận Cầu Giấy; năm 2016 là chùa Tĩnh Lâu, quận Tây Hồ…

Các vụ cháy di tích trên được đánh giá gây thiệt hại lớn, bởi đều cháy ngôi thờ tự chính, nơi chứa rất nhiều hiện vật, cổ vật của di tích, trong đó có những hiện vật, cổ vật quý. Những giá trị được người dân lưu giữ nhiều thế kỷ qua, chứa đựng chiều sâu văn hóa, lịch sử của cả cộng đồng dân cư bỗng chốc bị biến mất dưới ngọn lửa; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân bị ảnh hưởng.

Trong tâm thức của người Việt, đền chùa được coi là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần. Bởi vậy, khi xảy ra cháy, nhiều người bàng hoàng, xót xa nhưng chỉ biết bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi nơi mà họ luôn trân trọng và tự hào. Nhiều bậc cao niên chứng kiến di tích của làng bị cháy đã không cầm được nước mắt. Những gì còn lại sau vụ cháy chỉ là tro tàn . Nếu sau đó, địa phương phục dựng lại thì đó lại là di tích mới.

Chú thích ảnh
Ngôi Tam bảo của chùa Linh Quang biến thành than sau đêm hoả hoạn

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ, nhiều thứ khác mất đi có thể làm lại được, nhưng riêng di tích mất đi không thể khôi phục được. Bởi ai cũng có thể hiểu, những giá trị tạo nên di tích là những thứ riêng có và trải qua những thăng trầm của thời gian trong nhiều thế kỷ.

Nguyên nhân các vụ cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Nhưng đa phần được mọi người chỉ ra do: Ý thức của người dân chưa thực hiện tốt việc phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện xuống cấp và các đền chùa đều thiết kế, sử dụng bằng vật liệu dễ cháy. Tâm lý của nhiều người trông coi di tích không muốn tắt nến, hương khi đóng cửa di tích mà thường để cho điện thờ ấm cúng. Vì vậy, khi cốc nến đổ vỡ, gây cháy, người ta không thể phát hiện kịp thời. Nhiều đồ đạc trong di tích để không gọn gàng. Một mặt, các đền chùa thiết kế bằng nhiều cấu kiện gỗ là tác nhân khi xảy ra cháy đã gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được quan tâm.

Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết, các di tích thực hiện tu bổ đều có thỏa thuận với công an phòng cháy chữa cháy theo sự phân cấp. Nhưng với các di tích khác, dường như công tác phòng cháy chữa cháy được đầu tư nhỏ giọt, có chăng chỉ là trang bị một vài bình chữa cháy loại nhỏ. Cũng có thể lý giải nguồn kinh phí dành cho hạng mục này chưa được chú ý, đó là chưa kể đến nhiều di tích ở vùng ngoại thành eo hẹp về nguồn kinh phí.

Điều cần thiết hiện nay, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, bên cạnh việc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy, cần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương nơi có di tích.

Cũng đứng trước thực trạng đó, cuối tháng 6 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện tốt phòng cháy chữa cháy tại các di tích. Trong đó, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát hệ thống cấp điện, hương, nến…, hệ thống phòng cháy, chữa cháy trong di tích, tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy cho người bảo vệ, trông coi di tích.

Hiện tại, chưa có một quy chuẩn cụ thể về phòng cháy chữa cháy cho các di tích nói chung. Trong khi, Hà Nội đang bước vào những ngày hè nóng nực và khô hanh. Hà Nội sở hữu hơn 5.900 di tích. Vấn đề phòng cháy chữa cháy trong các di tích cần được coi là trách nhiệm quan trọng và tiến hành một cách bài bản,  đồng bộ bên cạnh công tác tu bổ, chống xuống cấp hiện nay.

Đinh Thuận/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN