TTVH Online

Kịch 'Bồ công anh': Vở kịch đam mỹ cảm động

08/06/2020 19:14 GMT+7

Sân khấu 5B vừa ra mắt vở kịch "Bồ công anh" (tác giả và đạo diễn: Hữu Quốc - Vũ Trần) lập tức bán vé rất chạy. Một vở kịch nói về người đồng tính nghiêm túc và cảm động.

(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu 5B vừa ra mắt vở kịch Bồ công anh (tác giả và đạo diễn: Hữu Quốc - Vũ Trần) lập tức bán vé rất chạy. Một vở kịch nói về người đồng tính nghiêm túc và cảm động.

Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại, mở màn với 'Bệnh sĩ'

Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại, mở màn với 'Bệnh sĩ'

20h tối tối 23/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam diễn phục vụ khán giả vở Bệnh sĩ. Tác phẩm mở màn chuỗi chương trình khởi động trở lại 12 nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau thời gian gián đoạn vì Covid-19.

1. Bồ công anh là một loài hoa quá mỏng manh, chỉ cần có gió thổi qua là những cánh hoa liền bay tan tác. Lấy bồ công anh làm biểu tượng cho những phận người “không giống bình thường” này, vở kịch đã có ngay thông điệp nhân văn. Nhìn họ mạnh mẽ nhưng kỳ thực họ rất dễ tổn thương, và số phận không cho họ có những hạnh phúc mà người bình thường đáng có.

Họ phải ẩn mình, sống với nhau trong một cộng đồng, nương tựa nhau vượt qua nỗi buồn, nỗi đau. Và đôi khi có những mối tình nghiệt ngã phải chấp nhận thiệt thòi như 2 chàng trai cùng có tên Trần Công Anh. Một người vì trách nhiệm với gia đình nên phải cưới vợ. Một người may thay có bà mẹ hiểu con, dũng cảm đương đầu với miệng đời, thì cũng phải dắt con đi xa ẩn mình. Người xem bùi ngùi chảy nước mắt cho cuộc chia ly.

Oái oăm thay, xen giữa 2 chàng trai lại có thêm 1 cô gái nữa. Thế là vòng oan nghiệt có thêm một nút thắt. Sơn Quỳnh cuối cùng cũng biết chồng mình không bình thường, nhưng tình yêu của cô vẫn không thay đổi. Đúng hơn, trong tình yêu ấy hàm chứa cả tình bạn thời niên thiếu, chứa cả tình mẹ yêu con, chấp nhận tất cả.

Chú thích ảnh
NSƯT Hạnh Thúy (vai mẹ) và Hoàng Ngọc Sơn (con trai) trong vở “Bồ công anh”. Ảnh: H.K

Nhìn cái cách Sơn Quỳnh chăm sóc Công Anh khi anh bệnh nặng, khi anh tàn úa bởi nhớ thương, mới thấy cô đẹp và cao thượng biết bao. Cô lẳng lặng đi bên đời anh, không than van, không đòi hỏi, chỉ thèm nghe anh gọi một tiếng “mình ơi” là mãn nguyện rồi. Nhân vật này làm người ta thắt lòng không kém 2 nhân vật chính.

Và cuối vở là cảnh Sơn Quỳnh đẩy mạnh cánh cửa sổ đã đóng chặt bấy lâu cho ánh sáng tràn vào. Công Anh đã nhốt mình trong thứ định kiến của người đời, âm u, tàn nhẫn. Những cánh cửa như thế cần được mở toang cho con người bay đến vùng trời tự do, vùng trời thấu hiểu. Cánh cửa là một thiết kế thông minh, mang biểu tượng nhân văn rất rõ. Chỉ xin cánh cửa mở ra sớm hơn, đừng quá muộn màng, bởi khi chậm chân một chút thì có bao nhiêu cuộc đời đã tàn lụi đáng thương…

Chú thích ảnh
Hoàng Ngọc Sơn và Hữu Tài trong vở “Bồ công anh”. Ảnh: H.K

2. Thiết kế chủ đạo của sân khấu cũng tạo một ấn tượng rất đẹp và đầy cảm xúc. Những cụm hoa bồ công anh mọc rải rác khắp ngọn đồi, trắng tinh khiết, giản dị, thẩm mỹ, gợi sự chân thành, tha thiết, vô tư. Thì người ta sống và yêu cũng thế, không so đo toan tính, cứ trao hết trái tim cho nhau. Nhưng phía sau những cụm hoa ấy lại là một cái nền đầy cánh hoa bồ công anh tung bay theo gió, rất mong manh, rất tội nghiệp. Đó chính là số phận của họ, phải tan tác, chia ly, bay về phương trời vô định. Sự phối hợp của âm nhạc cũng đắt giá vô cùng. Khi những giai điệu cất lên, lòng người bỗng chùng xuống, quá bùi ngùi nhưng cũng quá ngọt ngào…

Kịch lẫn phim về người đồng tính đã có nhiều, nhưng với 5B thì đây chỉ là vở thứ 2 sau vở Tía ơi con lấy chồng. 5B cũng “mở cửa” thoáng hơn, dám đụng tới đề tài nhạy cảm này. Nhưng 5B đầy bản lĩnh để đi trên sợi dây ranh giới giữa thanh tao và dung tục, chỉ cần sẩy chân là làm người ta khó chịu.

Chú thích ảnh
Hoàng Ngọc Sơn và NSƯT Mỹ Uyên trong vở “Bồ công anh”. Ảnh: H.K

Với truyền thống nghệ thuật nơi này, giám đốc NSƯT Mỹ Uyên đã giữ cho vở kịch vừa đủ nghiêm túc đúng với thương hiệu 5B, nhưng cũng đầy đủ chất đời, thực tế, hấp dẫn. Và Mỹ Uyên cũng tham gia vào bộ 3 nhân vật “2 chàng trai - 1 cô gái”, mà tài năng của chị khiến khán giả tâm phục.

Từ một cô gái yêu đời, tung tăng bước vào tình yêu và hôn nhân, cho đến một phụ nữ cam chịu, hy sinh, ôm nỗi đau đứng bên lề trái tim của chồng, Mỹ Uyên diễn lúc thì dễ thương, lúc thì sâu sắc, khiến người ta phải khóc. Và người xem khóc cả cho 2 diễn viên trẻ là Hoàng Ngọc Sơn và Hữu Tài trong vai đồng tính, khi họ chia ly, khi họ gặp nhau trong giấc mơ hấp hối…

Chú thích ảnh
Thanh Tuyền (vai mẹ) và Hữu Tài trong vở “Bồ công anh”. Ảnh: H.K

Họ đã diễn rất giỏi với sự chừng mực, mà nếu không khéo sẽ biến thành thô thiển. Những động tác yêu đương đem lên sân khấu là con dao hai lưỡi, cực kỳ nguy hiểm. Hai diễn viên trẻ này đã biết giữ cho nhân vật sự ngọt ngào cần thiết của tình yêu, nhưng cũng không mất tính thẩm mỹ mà sân khấu đòi hỏi. Hoàng Ngọc Sơn đã xuất hiện nhiều trên sân khấu, nhưng Hữu Tài là một gương mặt gần như mới toanh, không ngờ lại chinh phục khán giả đến vậy. Hữu Tài với gương mặt trong trẻo, nét diễn chân thành, cho nên nhân vật làm người ta thương.

Hoàng Kim

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN