TTVH Online

CLB Mekong Art: Hơn 30 năm 'chơi với màu sắc'

03/06/2020 22:40 GMT+7

Triển lãm "Tác phẩm mỹ thuật" của CLB Mekong Art, Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, CLB nữ họa sĩ Ngân Hà đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 10/6/2020. “Chủ xị” của triển lãm lần này là CLB Mekong Art, nơi đứng ra liên minh các CLB và hội nhóm, thu hút 65 tác giả, trong đó có 5 họa sĩ đến từ Huế.

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Tác phẩm mỹ thuật của CLB Mekong Art, Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, CLB nữ họa sĩ Ngân Hà đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 10/6/2020. “Chủ xị” của triển lãm lần này là CLB Mekong Art, nơi đứng ra liên minh các CLB và hội nhóm, thu hút 65 tác giả, trong đó có 5 họa sĩ đến từ Huế.

CLB Mekong Art đã tổ chức hàng trăm sự kiện mỹ thuật lớn nhỏ, hàng chục triển lãm quy mô ở nhiều tỉnh thành, ra tận miền Trung, miền Bắc và ra nước ngoài...

Nơi chốn không gò bó

Manh nha từ cuối năm 1986, đến đầu năm 1988 thì Lê Triều Điển đồng sáng lập và làm chủ nhiệm CLB Mekong Art, nơi quy tụ rất nhiều họa sĩ ở Nam bộ, đặc biệt là các cây cọ tự học. Duy trì được CLB này hơn 30 năm qua thì công của nhà thơ Phạm Thị Quý, tức họa sĩ Hồng Lĩnh - vợ Lê Triều Điển - là rất lớn. Hoàn toàn có thể nói, nếu vắng chị, một cá tính lãng đãng như Lê Triều Điển thì khó làm nổi.

Điểm riêng biệt đầu tiên của Mekong Art là đa số anh chị em không có sẵn tay nghề sáng tác mỹ thuật, chỉ có niềm yêu thích hội họa, có người một năm vẽ vài tấm, tham gia cho vui, vì họ là kỹ sư, kiến trúc, bác sĩ, nhiếp ảnh... Nhưng sau khi tham gia một thời gian, thấy không khí nhộn nhịp, đã kích hoạt họ học hỏi thêm và sáng tác nhiều hơn. Có những họa sĩ nhờ nơi đây mà học nghề, sáng tác và thành danh, như Lê Kiệt từ gần 20 năm trước.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lê Triều Điển, chủ nhiệm CLB Mekong Art hơn 30 năm qua

Còn một số anh chị em mới tốt nghiệp các trường mỹ thuật, nhưng chưa định hình, thì tham gia để được giới thiệu tác phẩm trong giai đoạn ban đầu, sau khi thành danh thì đi vào sinh hoạt trong hội, coi Mekong Art như là bàn đạp để tiến lên.

Lê Triều Điển kể: “Năm 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa, từ miền Tây tôi chuyển sinh hoạt mỹ thuật của mình về Sài Gòn, nơi một thời là kỷ niệm. Tiếp xúc với một số anh chị em họa sĩ Sài Gòn trước đây còn ở lại trong nước có hoàn cảnh giống mình, ngoài công việc tìm hướng để nuôi dưỡng khát khao sáng tạo, Sài Gòn còn có nhiều cơ hội để tổ chức đời sống cơm áo gạo tiền. Vào năm 1988, tôi tổ chức cho các họa sĩ Vĩnh Long triển lãm tại thành phố lần đầu, rồi tiếp tục sau đó nhiều lần nữa, Mekong Art cũng từ đây mà ra đời”.

Qua sự cấp tiến của các họa sĩ lãnh đạo như Quách Phong, Ca Lê Thắng, Diệp Minh Châu, Thanh Châu, Đào Minh Tri… mỗi năm Hội Mỹ thuật TP.HCM cho CLB Mekong Art một lần triển lãm nhóm. Chính điều này tạo ra sức hút với nhiều họa sĩ và những người thích tay ngang cầm cọ thời bấy giờ. Trước năm 2000, các phòng triển lãm có đông công chúng đến xem, tác phẩm vẫn bán được cho các phòng tranh, cho Công ty Sơn mài Lam Sơn, nhất là Việt kiều và khách Tây.

Nhịp cầu của đam mê

“Là một sân chơi không gò bó, không nguyên tắc, nên anh chị em rất thích, nhưng phần lớn tác phẩm thì chỉ ở mức độ phong trào mà thôi, lâu lâu có vài bạn trẻ nổi trội hơn, đã thấy vui. Tôi xin rút không làm chủ nhiệm lâu rồi, nhưng anh em cứ giữ lại làm cái đầu máy xe lửa cổ lỗ, xình xịch, kéo một đoàn tàu đủ mọi thành phần, mọi trình độ cho vui. Âu cũng là cái số” - Lê Triều Điển chia sẻ.

Từ triển lãm ra mắt lần đầu tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng năm 1988, Mekong Art đã có được sự ủng hộ hoặc tham dự của nhiều tên tuổi như Lữ Thê, Phạm Văn Hạng, Trần Hữu Lộc, Lê Trường Đại, Thế Đệ, Nguyễn Chương, Nguyễn Bom, Nguyễn Thanh, Nguyễn Phái, Lương Trường Thọ, Ái Lan, Ngọc Phượng, Bích Liên, Quỳnh Nga, Thúy Hồng, Nguyễn Thị Liễu, Quảng Xuân Diệu, Nguyễn Duy Nhựt, Nguyễn Thành Nhân, Ngọc Uyển, Thụy Vy, Văn Y, Đoàn Việt Tiến, Thanh Tùng... Từ Mỹ, Lương Trường Thọ cho biết: “Mekong Art là nhịp cầu của đam mê, không mê thì khó chơi được với nhau dài lâu như thế, vì các thành viên quá khác nhau ở nhiều khía cạnh, khó tìm được tiếng chung”.

Thuộc nhóm họa sĩ đến từ Huế, Trần Vĩnh Thịnh cho biết: “Năm anh em họa sĩ Huế chúng tôi rất lấy làm vui và cảm động vì được Mekong Art tín nhiệm mời vào tham gia triển lãm lần này. Đây quả thực là một triển lãm có nhiều thú vị, bởi nó không phân biệt tuổi tác, thế hệ, vùng miền, kể cả tay nghề. Nói chính xác thì đây là một triển lãm của những gương mặt đam mê hội họa, muốn đứng ngoài suy nghĩ xấu đẹp và kỹ thuật sáng tác để được chơi với màu sắc một cách thỏa thích. Tôi nghĩ với tinh thần cởi mở này, Mekong Art sẽ còn đi lâu dài, sẽ còn là cầu nối quan hệ giữa các vùng miền, các thái độ và các phong cách”.

Văn Bảy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN