TTVH Online

Bảo vệ tương lai trước hiểm họa của 'thuốc lá thế hệ mới'

31/05/2020 10:35 GMT+7

Cuối năm 2019, các bác sĩ Bệnh viện Henry Ford ở thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ đã tiến hành ca ghép phổi để cứu sống một bệnh nhân trẻ. Chưa đầy 17 tuổi, nam thiếu niên có hai lá phổi bị hỏng hoàn toàn, mục ruỗng và mất chức năng...

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối năm 2019, các bác sĩ Bệnh viện Henry Ford ở thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ đã tiến hành ca ghép phổi để cứu sống một bệnh nhân trẻ. Chưa đầy 17 tuổi, nam thiếu niên có hai lá phổi bị hỏng hoàn toàn, mục ruỗng và mất chức năng, đến độ ảnh chụp CT trước khi phẫu thuật cho thấy ngực cậu gần như trống rỗng, đến độ bác sĩ Hassan Nemeh, Giám đốc cơ sở cấy ghép tim phổi của bệnh viện,  phải thốt lên: “Tôi chưa từng thấy thứ gì giống như phổi của cậu thiếu niên này trong suốt 20 năm phẫu thuật cấy ghép phổi của mình. Đó là thứ quỷ quái". 

Quang Đăng sáng tạo ‘vũ điệu bỏ thuốc lá’ hưởng ứng chiến dịch của WHO

Quang Đăng sáng tạo ‘vũ điệu bỏ thuốc lá’ hưởng ứng chiến dịch của WHO

Quang Đăng được WHO mời tham gia chiến dịch "Ngày không khói thuốc". Ca khúc chủ đề do nam vũ công thể hiện và sáng tạo vũ điệu "bỏ thuốc lá" sau thành công của "vũ điệu rửa tay".

“Chúng tôi đã yêu cầu các bác sĩ ở bệnh viện Henry Ford chia sẻ về những tác động khủng khiếp của thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử có thể giết chết người, điều đó hoàn toàn là sự thật!” Đó là nội dung bức thư mà gia đình cậu bé đã đồng ý cho các bác sĩ công bố trong một cuộc họp báo sau phẫu thuật, để cảnh báo về “cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong nhiều thập niên, cuộc khủng hoảng liên quan đến trẻ vị thành niên”.

Nếu như không hút thuốc lá điện tử, cậu học sinh ấy, chỉ 1 năm trước hoàn toàn khỏe mạnh, từng là vận động viên ở trường, mê chèo thuyền, hay chơi điện tử, thích đi chơi tán gẫu với bạn bè, sẽ không phải nằm trong phòng bệnh chờ ghép phổi. Các bác sĩ bệnh viện Henry Ford hy vọng rằng câu chuyện của cậu có thể thuyết phục các học sinh khác từ bỏ thuốc lá điện tử hoặc không bao giờ dính vào loại hình thuốc lá này. 

Chú thích ảnh
Thuốc lá được bày bán tại cửa hàng ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có đến 44 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 13-15 đang hút thuốc lá, và nhiều trẻ dưới 13 tuổi cũng đang “làm bạn” với làn khói trắng ”tử thần” này. Ngoài các dạng thuốc lá truyền thống, những năm gần đây, hàng loạt sản phẩm thuốc lá được cho là nhằm vào giới trẻ đã ra đời, như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng…, được gọi chung là “thuốc lá thế hệ mới”. Trong bối cảnh số người trẻ sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, WHO đã chọn chủ đề “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2020. 

Tác hại của thuốc lá đã được nói tới nhiều, thậm chí được in trên vỏ bao thuốc như những lời cảnh báo. Làn khói trắng thuốc lá chứa hàng nghìn hợp chất hóa học, trong đó có 250 hóa chất độc hại và ít nhất 69 hoá chất là nguyên nhân gây ra 90% số ca ung thư phổi, 75% số ca phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% số ca bệnh tim thiếu máu cục bộ. Trung bình mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 8 triệu người, một nửa số người hút thuốc, chết vì các bệnh do thuốc lá gây ra.  Mỗi năm, “sát thủ khói trắng” này còn cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người hút thuốc thụ động.

Bất chấp những tác hại của thuốc lá, ngành công nghiệp thuốc lá trong nhiều thập niên qua, vì lợi nhuận vẫn tích cực triển khai các chiến lược mà WHO gọi là “chiến thuật chết người” để mở rộng đối tượng khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ, gồm cả học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi doanh thu thuốc lá truyền thống tiếp tục giảm, nắm bắt tâm lý thích khám phá, thích thể hiện bản thân của giới trẻ, các công ty thuốc lá đã chạy đua để thay đổi mẫu mã, thiết kế đẹp mắt các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhằm kích thích sự tò mò ở lứa tuổi thanh thiếu niên, với quảng cáo rằng đây là “sự lựa chọn an toàn hơn so với thuốc lá truyền thống”.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên đạp xe hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5/2020 trên các tuyến phố của Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Cả hai sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này đều sử dụng thiết bị điện tử làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào. Khác với thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử không tạo khói mà sinh ra những luồng hơi thơm dịu từ những nguyên liệu chứa tinh dầu hoa quả hay bạc hà nhằm đánh lừa khứu giác của con người. Trong khi đó, thuốc lá làm nóng chỉ phát nhiệt đủ cao để nung nóng điếu thuốc tạo ra các làn khói có thể hít vào. 

Cả 2 loại thuốc lá điện tử này được thiết kế nhỏ gọn như 1 chiếc USB hay chiếc kẹo, không chỉ dễ dàng mang theo mà quan trọng hơn cả là được quảng cáo không gây nghiện, an toàn hơn và giảm đến 95% độ độc hại của chất nicotine so với thuốc lá truyền thống. Điều này cho thấy các công ty thuốc lá không chỉ “mê hoặc” thanh thiếu niên bằng những làn khói ngọt ngào mà còn khuyến khích những người nghiện thuốc chuyển sang thuốc lá điện tử để cai thuốc. 

Để đáp ứng xu hướng của giới trẻ, các công ty thuốc lá còn trực tiếp quảng cáo sản phẩm bằng hình ảnh trên mạng xã hội hay tiếp thị gián tiếp bằng cách tài trợ cho người nổi tiếng, các chương trình trực tuyến và bán hàng online. Tại các cửa hàng, siêu thị, các hãng thuốc lá còn trả tiền để sản phẩm của họ được đặt gần các gian bánh kẹo, nước ngọt, những mặt hàng mà trẻ em thường tìm kiếm. Nhân viên tiếp thị cũng xuất hiện ở khu vực trường học để học sinh dễ dàng tiếp cận sản phẩm, thậm chí ở các nước đang phát triển, thuốc lá còn được phát miễn phí để dùng thử. Ước tính mỗi giờ, ngành công nghiệp thuốc lá đã chi 1 triệu USD cho các hoạt động quảng cáo và tiếp thị sản phẩm. 

Thực trạng này khiến sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 28% học sinh trung học phổ thông và 11% học sinh trung học cơ sở ở Mỹ hút thuốc lá điện tử. Số thanh thiếu niên Mỹ hút thuốc lá điện tử trước tuổi 14 đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua. Số thanh thiếu niên Canada hút thuốc lá điện tử đã tăng gấp đôi từ 10% giai đoạn 2017-2018 lên 20% giai đoạn 2018-2019. Tại 13 quốc gia Đông Âu, 2,6% thanh thiếu niên thành thị không hút thuốc lá đã từng thử hút thuốc lá điện tử ít nhất 3 lần. Gần 3,5% thanh thiếu niên Hàn Quốc sử dụng thuốc lá thế hệ mới mỗi ngày. Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6% nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng lên 2,6%.

Trong khi đó, giới chuyên gia khẳng định thuốc lá thế hệ mới nguy hại chẳng kém gì thuốc lá truyền thống bởi có chứa chất gây nghiện nicotine. Trong thuốc lá điện tử còn chứa rất nhiều chất gây ung thư, gây tổn thương ADN…. Giám đốc Nâng cao sức khỏe của WHO Rudiger Krech khẳng định ”tất cả các sản phẩm thuốc lá đều có hại”. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ đã ghi nhận hơn 2.800 ca tổn thương phổi có liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, trong đó khoảng 70 trường hợp đã tử vong. 

Ở châu Âu, nơi có hơn 25% thiếu niên từ 13-15 sử dụng thuốc lá, các nước Phần Lan, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Bồ Đào Nha, Anh... đã cấm quảng cáo thuốc lá điện tử, đồng thời có các biện pháp quản lý chặt chẽ như quy định từ 18 tuổi trở lên mới được mua thuốc lá và cấm bán hàng online. Mỹ đã ban hành lệnh cấm thuốc lá điện tử hương vị bạc hà, trái cây. Hàng chục nước ở Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Malaysia đã cấm bán các sản phẩm thuốc lá điện tử. Những nước khác như Trung Quốc, Australia, Canada cũng áp dụng nhiều hạn chế đối với sản phẩm thuốc lá này. 

Năm ngoái, Instagram - mạng chia sẻ ảnh và video thuộc sở hữu của Facebook - đã cấm quảng bá sản phẩm thuốc lá điện tử trên nền tảng này sau khi nhà sản xuất thuốc lá điện tử lớn nhất của Mỹ Juul bị kiện vì sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo, bán trái phép thuốc lá điện tử cho các khách hàng vị thành niên, đồng thời bóp méo sự thật về tính an toàn của các sản phẩm. Juul còn bị cáo buộc lợi dụng "những nhân vật có tầm ảnh hưởng" để thu hút khách hàng trẻ bằng cách trả tiền cho những người này để quảng bá sản phẩm tới những tài khoản theo dõi họ trên mạng xã hội. 

Bác sĩ Sharon Levy, Giám đốc Chương trình điều trị cho thanh thiếu niên sử dụng chất gây nghiện tại Bệnh viện Nhi Boston, Mỹ, đã gọi thuốc lá thế hệ mới là "con quái vật", mà điều nguy hiểm nhất là người ta đang “thả rông” nó vì không lường hết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng cha mẹ của cậu thiếu niên vừa được ghép phổi để cứu mạng sống ở Bệnh viện Henry Ford thì hiểu rõ rằng “Cả cuộc sống của con tôi đã bị hủy hoại nghiêm trọng”, bởi từ nay, cậu phải đối mặt với quá trình hồi phục đau đớn kéo dài, phải đấu tranh để giành lại sức mạnh, với hy vọng có thể cải thiện tỷ lệ sống sót trung bình của một bệnh nhân sau ghép phổi là 7 năm. Còn các bác sĩ thì nói rằng, câu chuyện của bệnh nhân đầu tiên phải ghép phổi vì thuốc lá điện tử là một minh chứng sống cho tác hại của loại “thuốc lá thế hệ mới” được quảng cáo là “hầu như vô hại”, để những người cùng trang lứa như cậu không bị lôi kéo và bị biến thành “một thế hệ mới nghiện nicotine”.

TRẦN QUYÊN - TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN