TTVH Online

'Mẹ và người tình': Phục hồi 'thương hiệu' Kịch Phú Nhuận

27/05/2020 06:38 GMT+7

Đêm 24/5, sân khấu Phú Nhuận đã trở lại với vở kịch "Mẹ và người tình" với khán phòng đông kín khán giả. Sau mùa dịch Covid-19, bà bầu NSND Hồng Vân đã có một chủ trương mới cho sân khấu này, mà "Mẹ và người tình" là một khởi điểm đẹp.

(Thethaovanhoa.vn) - Đêm 24/5, sân khấu Phú Nhuận đã trở lại với vở kịch Mẹ và người tình với khán phòng đông kín khán giả. Sau mùa dịch Covid-19, bà bầu NSND Hồng Vân đã có một chủ trương mới cho sân khấu này, mà Mẹ và người tình là một khởi điểm đẹp.

Sắp diễn ra Liên hoan sân khấu về 'Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân'

Sắp diễn ra Liên hoan sân khấu về 'Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân'

Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ IV dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 tới tại Hà Nội.

1. Kịch Phú Nhuận vốn nổi tiếng với “thương hiệu” kịch văn học và tâm lý xã hội, nhưng mấy năm gần đây đã dàn dựng quá nhiều kịch ma khiến khán giả lấy làm tiếc. Nhân dịp ký lại hợp đồng thuê địa điểm với Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, (TP.HCM), NSND Hồng Vân quyết định “làm mới” lại tất cả. Chị sẽ phục hồi những vở kịch tâm lý, kịch văn học có giá trị trước kia và đặc biệt là sẽ đưa dàn diễn viên trẻ, những thế hệ học trò của chị vào thử sức. Hồng Vân có cả trăm em học viên suốt 16 khóa đào tạo, vì vậy chị muốn tạo cơ hội cho các em làm nghề tử tế.

Mẹ và người tình là một vở kịch tâm lý xã hội khá nặng ký, từng đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Toàn quốc 2009 với một dàn ngôi sao như Hồng Vân, Đức Hải, Thanh Vân, Lan Phương… Người xem ấn tượng mạnh mẽ với nội dung quá thâm thúy, lời lẽ sâu cay, và bố cục vững chắc, cộng với lối diễn vừa đậm đặc chính kịch nhưng cũng rất nhiều mảng miếng hài khiến người ta khóc cười đủ hết.

Đúng ra, ngôn ngữ của tác giả Lê Chí Trung vốn như vậy, anh sâu cay lắm, lật mặt cuộc đời bằng cách vờn với cái vỏ bên ngoài đẹp đẽ sau đó mới bóc tách từng lớp ung thối bên trong. Khi tất cả hiện nguyên hình là giả dối, xảo trá… thì con người mới bàng hoàng thèm nhớ điều thiện, khát khao hạnh phúc bình dị.

Chú thích ảnh
NSND Hồng Vân và Hoàng Sơn trong vở “Mẹ và người tình”. Ảnh: H.K

Gia đình bà Xuân đúng là như thế. Ban đầu nó xuất hiện như một biểu tượng của hạnh phúc. Cha mẹ con cái quây quần, chúc tụng, tặng quà, âu yếm, rồi những danh vị, chức tước, tiền của…cứ là tràn ngập. Hình như mọi thứ đều đi đúng quỹ đạo, đúng đường ray mà bà Xuân (NSND Hồng Vân) mong muốn.

Đùng một cái, bà Xuân tuyên bố sẽ tái giá với ông Sơn (Hoàng Sơn) vì chồng đã chết từ lâu, bà đã vất vả nuôi con khôn lớn, thành đạt, giờ bà muốn dành thời gian cuối đời ít ỏi của mình sống đúng với điều mình mong ước. Cả gia đình lập tức đảo lộn. Lũ con sợ mất danh dự, sợ bị chia tài sản, bèn âm thầm lập đủ mưu kế ác độc để chia cắt mối tình của mẹ.

Chú thích ảnh
Hồng Vân, Lê Lộc, Hữu Tín, Bảo Châu trong “Mẹ và người tình”. Ảnh: H.K

Từ xung đột này mỗi người mới lộ rõ bản chất. Thì ra, họ chỉ giả vờ hạnh phúc thôi, tận bên trong họ đều sống theo kiểu chịu đựng. Và anh em quay sang chì chiết, công kích lẫn nhau, cuối cùng nói ra được mâu thuẫn với mẹ mình.

2. Bao nhiêu năm bà Xuân đã áp đặt con cái sống theo “định hướng”, không đếm xỉa tới tư chất của mỗi đứa. Con trai lớn học dở nhưng bà lại bắt nó leo lên chức vị cao bằng cách cưới vợ quyền thế. Con trai kế thích đi lính nhưng bà lại bắt nó kinh doanh, làm đại gia. Đứa con trai khác thích làm diễn viên thì bà bảo phải du học để về làm giám đốc. Một đứa con trai khác yêu cô sinh viên sư phạm thì bà bắt cưới con gái nhà giàu. Và cô con gái nhiễm tư tưởng thực dụng của bà đã định dứt bỏ người yêu hiền lành, chân thật… Không ai có quyền sống đúng với bản chất và mơ ước của mình. Họ phải sống gượng ép, sinh ra giả tạo, xảo quyệt.

Chú thích ảnh
Hồng Vân, Lê Lộc trong “Mẹ và người tình”. Ảnh: H.K

Rồi đến lúc, sự gượng ép, giả tạo ấy bung ra như một lò xo nén quá lâu. Và họ quay sang áp đặt mẹ như mẹ đã áp đặt họ. Mẹ không có quyền sống với tình yêu và mơ ước của mẹ nữa. Tất cả bùng nổ như một bãi mìn để lại những sát thương tâm hồn khó hàn gắn được.

Khán giả cũng vỡ òa một thông điệp cảnh tỉnh, vì hình như ai trong chúng ta cũng từng áp đặt như thế đối với người khác, cũng từng bẻ cong cuộc đời mình và cuộc đời người khác, cũng từng sống gượng, sống giả, sống mệt mỏi trên đống phù phiếm?

NSND Hồng Vân diễn lại đúng vai bà Xuân của mình năm xưa, nhưng lần này chị ít “lửa” hơn, mà rất đằm thắm, mềm mại. Chị nói: “Tôi bớt đi chất Bắc gay gắt của nhân vật và cả vở kịch, thay vào đó là chất Nam bộ dung dị”.

Hoàng Sơn cũng là một cây hài có tiếng, anh vào vai ông giáo già hiền lành rất dễ thương, nhưng tiếc rằng nhân vật này ít miếng hài để anh thi thố tài năng.

Ngoài hai “ngôi sao” này, thì hầu hết các diễn viên còn lại đều thuộc thế hệ trẻ như Lê Lộc, Hữu Tín, Trịnh Duy Anh, Tuấn Dũng, Bảo Châu, Lạc Hoàng Long, Phạm Yến, Di Dương…Họ đều ở mức tròn vai. Khó thể đòi hỏi họ xuất sắc với một vở nặng ký như thế này ngay trong suất đầu biểu diễn.

Chú thích ảnh
Phạm Yến, Lạc Hoàng Long và Hoàng Sơn trong “Mẹ và người tình”. Ảnh: H.K

Nhưng có thấp thoáng những ấn tượng và triển vọng, chẳng hạn Phạm Yến trong vai Thu, con dâu thứ ba trong nhà, cứ lăng quăng, thô tháo đúng như một “dân chợ trời” mà kịch bản yêu cầu, khán giả cười rần rầm vì cô.

Lê Lộc là con gái của diễn viên nổi tiếng Lê Giang, nay nối nghiệp mẹ với ngoại hình đẹp và lối diễn khá tốt. Tuấn Dũng trong vai đứa con trai bị thương tật có nhiều tâm lý phức tạp, vui buồn mặc cảm bất chợt.

Nói chung, lớp trẻ diễn xuất như vậy là đạt yêu cầu. Nhưng về tiếng nói sân khấu thì các bạn trẻ cần rèn luyện thêm cho tròn vành rõ chữ, và nhấn nhá tốt hơn. Lời thoại trong các vở như thế này có khi rất sâu sắc, nếu không biết cách nhấn nhá thì không đọng lại trong tâm trí người xem, rất uổng.

Hoàng Kim

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN