TTVH Online

Chữ và nghĩa: Vaccine - Chuyện cũ đang mới

20/05/2020 06:54 GMT+7

Đại dịch Covid-19 đang "nóng" và vẫn tiếp tục còn nóng tiếp nếu thế giới chưa có biện pháp dập dịch hiệu quả.

(Thethaovanhoa.vn) - Đại dịch Covid-19 đang "nóng" và vẫn tiếp tục còn nóng tiếp nếu thế giới chưa có biện pháp dập dịch hiệu quả. Mà muốn dập dịch triệt để thì phải tìm ra vaccine hữu hiệu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các nhà khoa học nhiều nước đang chạy đua với thời gian để giải quyết bài toán nan giải này. Báo VietnamNet (vietnamnet.vn) ngày 7/5/2020 đưa tin "Việt Nam thành công bước đầu trong sản xuất vắc xin ngừa Covid-19".

Chữ và nghĩa: Corona - Từ 'vương miện' hóa ra 'đại dịch'

Chữ và nghĩa: Corona - Từ 'vương miện' hóa ra 'đại dịch'

Gần như cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang quay cuồng vì chủng mới của virus corona. Chỉ cần vào Google đánh 6 chữ cái này (corona) là ta sẽ có ngay khoảng 700 triệu kết quả trong vòng chưa đến 1 giây.

Đây mới chỉ là một vài kết quả ban đầu của Công ty VABIOTECH trong quá trình thử nghiệm. Và nếu thành công thì đây quả là một chiến công đáng ghi nhận của ngành Y học Việt Nam.

Vacxin, văcxin, vắc xin, vắc-xin... đều là biến thể chính tả của từ vaccine, một từ nhập từ tiếng Pháp (gốc Latin là vaccina), chỉ "yếu tố mang mầm bệnh đã giảm độc tính, dùng đưa vào cơ thể để tạo miễn dịch, chủ động phòng bệnh" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Thuật ngữ vaccine xuất phát từ vaccinia, loại virus gây bệnh đậu bò nhưng khi đem chủng cho người lại giúp ngừa được bệnh đậu mùa (tiếng Latin vacca nghĩa là "con bò cái"). Việc dùng vaccine để phòng bệnh được gọi chung là chủng ngừa (hay tiêm phòng/tiêm chủng), mặc dù vaccine không những được cấy (chủng), tiêm (chích) mà còn có thể được đưa vào cơ thể qua đường miệng (uống).

Các nhà khoa học đã sản xuất ra vaccine, có "những kháng nguyên đã được làm mất tác dụng gây bệnh nhưng còn giữ được tính chất sinh kháng thể, khi được đưa vào cơ thể người hoặc động vật có tác dụng phòng bệnh đặc hiệu đối với vi sinh vật gây bệnh" (Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr. 775). Cơ chế này diễn ra khi hệ miễn dịch nhận diện vaccine là vật lạ nên hủy diệt chúng và "ghi nhớ" chúng. Về sau, khi tác nhân gây bệnh thực thụ xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch đã ở tư thế sẵn sàng để tấn công tác nhân gây bệnh nhanh chóng hơn và hữu hiệu hơn (bằng cách huy động nhiều thành phần của hệ miễn dịch, đặc biệt là đánh thức các tế bào lympho B). Đây là nguyên lý cơ bản của sự miễn dịch đặc hiệu.

Chú thích ảnh
Nhóm nghiên cứu tại VABIOTECH tiêm thử nghiệm vắc xin trên chuột. Ảnh: BSCC

Công lao tìm ra vaccine đầu tiên thuộc về một bác sĩ người Anh, tên là Edward Jenner. Vào năm 1796, khi châu Âu xảy ra dịch đậu mùa, Jenner đã thực hiện thành công thử nghiệm vaccine ngừa căn bệnh này. Quan sát thấy, những nông dân vắt sữa bò có thể bị lây bệnh đậu bò, nhưng sau khi khỏi bệnh, họ trở nên miễn nhiễm đối với bệnh đậu mùa, Jenner chiết lấy dịch từ các vết đậu bò trên cánh tay của nữ bệnh nhân (tên là Sarah Nelmes) rồi cấy dịch này vào cánh tay của cậu bé 8 tuổi khỏe mạnh cùng làng (tên là James Phipps). Sau đó Phipps đã có những triệu chứng của bệnh đậu bò. 48 ngày sau, Phipps khỏi hẳn bệnh. Jenner liền tiêm chất có chứa mầm bệnh đậu mùa cho Phipps, nhưng Phipps không mắc căn bệnh này nữa.

80 năm sau, nhà bác học Pháp Louis Pasteur nghiên cứu bệnh tả khi dịch tả đang hoành hành làm cho gà chết hàng loạt. Ông cấy các vi khuẩn tả trong phòng thí nghiệm rồi tiêm cho gà. Kết quả những con bị tiêm chết sạch. Mùa hè năm 1878, ông chuẩn bị một bình dung dịch nuôi cấy vi khuẩn dạng huyền phù (hệ những hạt rất nhỏ lơ lửng trong một chất lỏng) rồi đi nghỉ mát. Khi trở về, ông lại trích lấy huyền phù đó đem tiêm cho gà. Lần này thì bầy gà chỉ bị bệnh nhẹ rồi cả đàn cùng khỏe lại.

Pasteur hiểu ra, khi ông đi vắng, đám vi khuẩn trong huyền phù đó đã bị biến tính và suy yếu. Ông bèn lấy vi khuẩn tả (bình thường) đem tiêm cho những con gà vừa trải qua thí nghiệm trên và những con chưa hề bị chích vi khuẩn. Kết quả là những con nào từng được chích vi khuẩn (biến tính) thì có khả năng đề kháng lại mầm bệnh, số còn lại chết hết. Qua đó, Pasteur đã xác nhận giả thuyết của Jenner là đúng đắn.

Phát minh "ngừa bệnh bằng vaccine" đó có tính bước ngoặt, mở đường cho ngành Miễn dịch học ra đời và phát triển. Bởi chủng ngừa đã đẩy lùi được rất nhiều bệnh: Triệt tiêu bệnh đậu mùa trên toàn cầu, thanh toán gần như hoàn toàn bệnh bại liệt, giảm đáng kể các bệnh sởi, bạch hầu, ho gà, thuỷ đậu, quai bị, thương hàn, uốn ván... - những căn bệnh trước kia con người hoặc là "bó tay chịu chết", hoặc là mắc bệnh rồi chịu hậu quả với di chứng suốt đời (như bị liệt hai chân, rỗ mặt, vô sinh...).

Tuy nhiên, dù phạm vi sử dụng và hiệu quả vô cùng lớn, vaccine vẫn chưa trở thành "vũ khí vạn năng" chống lại dịch bệnh. Loài người hiện nay vẫn chưa thể nào tìm ra vaccine phòng ngừa các căn bệnh nguy hiểm như AIDS, sốt rét và đặc biệt là virus corona chủng mới hiện nay (Covid-19). Chúng ta hy vọng là trí tuệ nhân loại sẽ thắng thế sự "độc ác và tinh quái" của con virus đáng sợ này.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN