TTVH Online

Điện ảnh chiến tranh 'hợp duyên' với văn chương

20/05/2020 10:15 GMT+7

Ngay từ những ngày đầu của nền điện ảnh Việt Nam, những người làm phim truyện ở Việt Bắc đã quan tâm khai thác nguồn kịch bản điện ảnh từ văn học. Sau khi bộ phim "Vật kỷ niệm" (Nguyễn Hồng Nghi - Phạm Kỳ Nam) ra đời năm 1960, đạo diễn Huy Thành đã gợi ý Xưởng phim Việt Nam chọn tác phẩm văn học hay để dựng phim.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay từ những ngày đầu của nền điện ảnh Việt Nam, những người làm phim truyện ở Việt Bắc đã quan tâm khai thác nguồn kịch bản điện ảnh từ văn học. Sau khi bộ phim Vật kỷ niệm (Nguyễn Hồng Nghi - Phạm Kỳ Nam) ra đời năm 1960, đạo diễn Huy Thành đã gợi ý Xưởng phim Việt Nam chọn tác phẩm văn học hay để dựng phim. Ông nói: “Truyện hay có thể làm phim ở nước ta không phải là ít, cần chọn cho được những truyện thật hay mà quần chúng đã xác nhận để làm phim”.

Phim chiến tranh 'Người trở về' tung trailer dữ dội

Phim chiến tranh 'Người trở về' tung trailer dữ dội

Điện ảnh Quân đội vừa chính thức giới thiệu bộ phim chiến tranh "Người trở về", của đạo diễn Đặng Thái Huyền. Bộ phim sẽ ra mắt trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

1. Việc chuyển thể tác phẩm văn học thành điện ảnh là một xu thế tất yếu. Song, chuyển từ ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh không phải theo cách chuyển kiểu cơ học, nghĩa là có gì chuyển nấy, trình tự thế nào giữ nguyên trình tự ấy, đảm bảo chuyển nguyên vẹn 100%… Việc chuyển thể còn phụ thuộc vào tài năng, cách xử lý thông minh, nhanh nhạy, tái tạo của người sáng tạo tác phẩm lần thứ hai.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng: “Có nhiều cách để chuyển thể kịch bản, hoặc nhà văn nhượng thẳng tác phẩm văn học cho nhà làm phim để họ mặc sức sáng tạo, hoặc tác giả có thể cùng kiểm soát khi tác phẩm được chuyển thể. Nhưng cách tốt nhất theo tôi, đạo diễn nên mời họ làm tác giả kịch bản. Bởi khi các nhà văn không biết biến tác phẩm của mình thành ngôn ngữ điện ảnh thì sẽ tham gia cùng đạo diễn viết kịch bản một cách chi tiết, dễ hiểu, tiếp đó đạo diễn muốn làm gì thì làm”.

Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy văn học và điện ảnh đã “cộng hưởng”, phối hợp thành công để tạo nên những bộ phim có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và chính điều đó đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong công chúng.

Kịch bản điện ảnh phần lớn là tác phẩm của các nhà văn. Trong đó có lực lượng viết kịch bản chuyên nghiệp, như: Đào Hồng Cẩm, Hoàng Tích Chỉ, Nguyễn Khắc Phục, Chu Lai, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Quang Lập, Xuân Đức, Đoàn Tuấn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Hoài Nguyên, Lê Ngọc Minh, Lưu Trọng Văn, Bành Mai Phương, Đinh Thiên Phúc…Cũng có nhà văn viết không chuyên như: Nguyễn Quang Thiều, Hà Phạm Phú, Nguyễn Quang Thân…

Các nhà biên kịch chuyển thể tác phẩm văn học của chính mình như: Tô Hoài, Nguyễn Văn Thông, Bùi Đức Ái, Hồ Phương, Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu… Hoặc đạo diễn kiêm biên kịch như: Nguyễn Văn Thông, Hải Ninh, Nguyễn Khánh Dư, Đặng Nhật Minh, Đoàn Minh Tuấn, Long Vân, Lưu Trọng Ninh, Hồ Quang Minh, Đỗ Quang Hải… Có trường hợp người viết kịch bản “tay ngang” đã ghi dấu ấn đặc biệt về phim chiến tranh cách mạng như GS-TS-Bác sĩ Trần Quán Anh với kịch bản Tiền tuyến gọi đã được dựng phim, tác giả được nhậnGiải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2017).

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “Đừng đốt”, phim chuyển thể từ “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”

2. Những tác phẩm văn học thu hút bạn đọc với số lượng lớn, bỏ xa những tác phẩm thuộc hàng “ăn khách” khác cho thấy đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là một đề tài được quan tâm của cả cộng đồng. Sức sống của dòng văn học về chiến tranh cách mạng vẫn mạnh mẽ tuôn chảy từ các nhà văn đến bạn đọc.

Những hành động anh hùng của con người anh hùng, dân tộc anh hùng đã bước từ trang sách lên phim điện ảnh. Phim Người chiến sĩ trẻ (1964, biên kịch Hải Hồ, đạo diễn Hải Ninh - Nguyễn Đức Hinh) xây dựng hình tượng người anh hùng Cù Chính Lan. Phim Kim Đồng (1964) do 2 đạo diễn Nông Ích Đạt - Vũ Phạm Từ dàn dựng từ kịch bản của nhà văn Tô Hoài. Từ tác phẩm văn học Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc (năm 1955), sau 30 năm tác phẩm điện ảnh ra đời (năm 1995), đạo diễn Lê Đức Tiến đã xây dựng bộ phim cùng tên ca ngợi anh hùng Đinh Núp của núi rừng Tây Nguyên. Hình tượng Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong những năm tháng đầu tiên sự nghiệp hoạt động cách mạng đã được đạo diễn Huy Thành xây dựng thành công trong phim Tổ quốc tiếng gà trưa (năm 1997).NSND Trần Phương xây dựng hình tượng chị Ba Định trong phim Đêm Bến Tre. Từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã có phim Đừng đốt do NSND Đặng Nhật Minh đạo diễn. Từ nhật ký Mãi mãi tuổi 20 (Nguyễn Văn Thạc) và Những bức thư thời chiến có phim Mùi cỏ cháy do NSƯT Nguyễn Hữu Mười đạo diễn...

Kịch bản phim truyện điện ảnh (dựa trên tác phẩm văn học đã có) là mối giao duyên giữa văn học và điện ảnh. Đạo diễn mời chính là nhà văn viết kịch bản, hoặc mời nhà biên kịch chuyên nghiệp, hoặc chính đạo diễn tự viết kịch bản. Từ tiểu thuyết Bến không chồng (Dương Hướng), 2 nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, Lưu Trọng Văn viết kịch bản cho bộ phim cùng tên…

Những kịch bản hay, hấp dẫn đã được khởi nguồn từ những tác phẩm văn học có chiều sâu, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử cùng với sự lao động sáng tạo của nhà văn. Những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật đã tạo nên hồn cốt cho phim vừa có chất, vừa có sức sống mãnh liệt qua thời gian và tác động nhanh, mạnh đến công chúng. Ngay từ khi hình thành nền điện ảnhcho đến nay, các nhà làm phim luôn có ý thức tận dụng nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn chương để đưa lên màn ảnh. Phim về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến góp phần tri ân với cha anh và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.

Có tác phẩm văn học ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng sau này mới được dựng thành phim. Dựa theo truyện ngắn Vật kỷ niệm của người đã mất (Văn Ngữ - Cường Tráng), 2 đạo diễn Phạm Kỳ Nam và Nguyễn Hồng Nghi dàn dựng thành phim Vật kỷ niệm (1960). Phim Lửa trung tuyến do đạo diễn Phạm Văn Khoa và Lê Minh Hiền dàn dựng dựa theo truyện ngắn cùng tên của Văn Dân. Phim Vợ chồng A Phủ được đạo diễn Mai Lộc - Hoàng Thái dàn dựng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài (1961). Từ tác phẩm Một truyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã xây dựng phim Chị Tư Hậu (1963) - một bộ phim kinh điển thành công ghi dấu ấn chặng đường đầu của điện ảnh Việt Nam.

Dựa theo truyện ngắn Câu chuyện về một bài ca của mình, Nguyễn Văn Thông đã cùng Trần Vũ chuyển thể và đạo diễn thành công phim Con chim vành khuyên- Giải “Bông sen Vàng” tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ II.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim “Nguyễn Văn Trỗi”, phim chuyển thể từ hồi ký “Sống như anh”

Phim chuyển thể trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có bước phát triển mạnh về số lượng phim, kịch bản phong phú, đội ngũ được trưởng thành, tiếp nối giai đoạn trước…). Từ hồi ký Sống như anh của Trần Đình Vân,năm 1966, 2 nghệ sĩ Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo đã xây dựng phim Nguyễn Văn Trỗi. Bộ phim xúc động về cuộc đời giản dị, anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ I (1970).

Từ vở kịch nói Nổi gió, Chị Nhàn của Đào Hổng Cẩm và tiểu thuyết Vùng trời của Hữu Mai, đạo diễn Huy Thành đã xây dựng thành công 3 bộ phim cùng tên vào các năm 1966, 1977, 1975. Phim Nổi gió đã đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ I (1970). Từ truyện ngắn Khói của nhà văn Anh Đức, Trần Vũ và Nguyễn Thụ chuyển thể kịch bản và đạo diễn bộ phim cùng tên (năm 1967). Từ truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, năm 1969, đạo diễn Nguyễn Văn Thông dàn dựng thành công bộ phim cùng tên. Từ vở kịch Tiền tuyến gọi của Trần Quán Anh, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã xây dựng thành công bộ phim cùng tên. Bộ phim đã nhận Huy chương Vàng kịch bản tại LHP Campuchia.

Phim Chị Nhung dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được 2 đạo diễn Nguyễn Đức Hinh và Đặng Nhật Minh đạo diễn thành công (năm 1970) và được nhận Bằng khen của LHP Việt Nam lần thứ II (1973). Phim Mùa gió chướng, phim Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến) do chính nhà văn Nguyễn Quang Sáng chuyển thể kịch bản. Bộ phim đoạt Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ V (1980).

Đạo diễn Hồng Sến dàn dựng thành công phim Hòn đất (1982, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Đức). Phim Mẹ vắng nhà (đạo diễn Khánh Dư) dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Thi, phim đoạt giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ V (1980). Từ truyện ngắn Cỏ lau của nhà văn Nguyễn Minh Châu, đạo diễn Vương Đức đã làm nên phim Cỏ lau.

Bích Hồng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN