TTVH Online

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020): Xúc động hình tượng Bác Hồ trên sân khấu phía Nam

19/05/2020 07:00 GMT+7

Trên sàn diễn của nhiều loại hình nghệ thuật, hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng sâu sắc để các nghệ sĩ sáng tạo nên những giá trị thiêng liêng. Tùy theo đặc trưng của mỗi thể loại: Hát bội, cải lương, kịch nói, múa rối, đờn ca tài tử Nam Bộ… mà các nghệ sĩ đã khai thác nhiều góc độ khác nhau.

XÚC ĐỘNG HÌNH TƯỢNG BÁC HỒ TRÊN SÂN KHẤU PHÍA NAM

(Thethaovanhoa.vn) - Trên sàn diễn của nhiều loại hình nghệ thuật, hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng sâu sắc để các nghệ sĩ sáng tạo nên những giá trị thiêng liêng. Tùy theo đặc trưng của mỗi thể loại: Hát bội, cải lương, kịch nói, múa rối, đờn ca tài tử Nam Bộ… mà các nghệ sĩ đã khai thác nhiều góc độ khác nhau.

Nhiều tác phẩm của sân khấu phía Nam đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng công chúng như cải lương Đêm trắng, Bức chân dung huyền thoại, kịch Dấu xưa, Điều ước thiêng liêng...

Thăng hoa cảm xúc

Năm 1990, Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, NSƯT Thanh Điền được trao giải đặc biệt với vai diễn Bác Hồ trong vở Đêm trắng (tác giả: Lưu Quang Hà, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang - NSƯT Thanh Điền).

Vở cải lương Đêm trắng kể chuyện Bác Hồ xem xét án tử hình một đại tá quân đội, Cục trưởng Cục Quân nhu. Đây là một câu chuyện có thật trong những năm toàn dân và toàn quân ta dồn hết sức người, sức của cho kháng chiến chống thực dân Pháp (những năm 1950). Trong lúc từ Chủ tịch đến người dân đều phải mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi ngày dành một nắm gạo vào hũ gạo tiết kiệm kháng chiến… thì Hoàng Trọng Vinh (tên nhân vật) chất gạo đầy kho để báo cáo thành tích nhưng không cấp cho bộ đội, bớt xén công quỹ tiêu xài phè phỡn, hoang phí…

Chú thích ảnh
NSƯT Thanh Điền (ngồi giữa) vào vai Bác Hồ trong vở kịch “Dấu xưa”

Vở cải lương nói về sự kiện xử lý một cán bộ có công với đất nước, nhưng tham nhũng, sống xa hoa, hoang phí, gây mất đoàn kết và mất lòng tin của nhân dân, khiến Bác đã trăn trở trước quyết định tử hình vị cán bộ đó.

Vào thời điểm đó, vai diễn ghi dấu ấn quãng đường dài gắn bó với sân khấu cải lương của NSƯT Thanh Điền. Năm 2017, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) dàn dựng vở kịch Dấu xưa (tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc), một lần nữa NSƯT Thanh Điền đã đóng vai Bác Hồ trong sự ngưỡng mộ của khán giả yêu sân khấu kịch nói. Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thanh Điền, NSƯT Mỹ Uyên, nghệ sĩ - đạo diễn Chánh Trực, nghệ sĩ Thái Kim Tùng, Lê Vinh, Cao Việt Hưng, Quốc Trung...

Với chương trình Sân khấu hóa và Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt đã dàn dựng rất nhiều tiết mục, trích đoạn, ca cảnh về hình tượng Bác như: Dâng Người tiếng hát mùa Xuân, Người là niềm tin tất thắng, Dấu chân phía trước, Hoa sen Tháp Mười, Miền Nam nhớ mãi ơn Người, Người sống mãi trong lòng miền Nam…

Trên sân khấu Hát bội, NSND Đinh Bằng Phi đã dàn dựng trích đoạn do ông sáng tác Từ làng sen tạo nhiều cảm xúc thăng hoa khi lần đầu tiên nghệ thuật hát bội xuất hiện hình tượng lãnh tụ.

Mỗi tác phẩm trong từng thể loại đều được thể hiện bằng sự thăng hoa cảm xúc của tập thể nghệ sĩ, mỗi khâu từ kịch bản văn học, mỹ thuật, âm nhạc, hóa trang, phục trang, ánh sáng, âm thanh… đều góp phần mang lại cho người xem sự thương kính, dạt dào tình cảm khi các câu chuyện trong từng thể loại có sức lan tỏa mãnh liệt.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã từng dàn dựng và công diễn vở cải lương Bức chân dung huyền thoại (tác giả: Ngọc Trúc, chuyển thể cải lương: Trúc Giang, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).

Kịch bản của vở diễn được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM lựa chọn trực tiếp đầu tư cho đợt vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vở diễn là câu chuyện cảm động về tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ, dù chưa được Bác vào thăm nhưng nhân dân miền Nam vẫn hướng về Người với lòng kính yêu vô hạn.

Cách đây không lâu, vở Điều ước thiêng liêng (tác giả: Nguyên An, đạo diễn: Chánh Trực) là vở diễn được Thành ủy TP.HCM đầu tư nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ra mắt tại Nhà hát 5B. Vở diễn xoay quanh câu chuyện về tấm lòng của người dân miền Nam đối với Bác Hồ, đặc biệt tình cảm chân thành, trong sáng của thiếu nhi miền Nam.

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở kịch “Điều ước thiêng liêng”

Niềm tự hào khi thể hiện hình tượng Bác

NSƯT Thanh Điền chia sẻ: “Với vở cải lương Đêm trắng, tôi gặp khó khi thể hiện hình tượng Bác trong lịch sử. Bởi, từ cốt cách, hình thể cho đến dáng đi, cách suy nghĩ đòi hỏi người nghệ sĩ phải thể hiện hết sức dung dị. Khi được chọn đóng vai Bác Hồ, tôi thấy đó là niềm vinh dự, tự hào của người nghệ sĩ. Tôi vui, hạnh phúc, song cũng cảm thấy áp lực rất lớn đối với mình”.

Với vai Bác Hồ trong vở Đêm trắng, NSƯT Thanh Điền đã bỏ nhiều công sức để xây dựng hình tượng Bác. Cũng như sau này khi bước vào vở kịch Dấu xưa, anh đã nghiên cứu, học tập, xem đi xem lại nhiều phim tư liệu về Bác Hồ để thể hiện đúng từng động tác, phong thái, dáng đi của Người.

NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: “NSƯT Thanh Điền đã chịu khó học hỏi, chắt lọc những tinh hoa trong diễn xuất của người nghệ sĩ từng diễn thành công vai Bác Hồ, để sau nghệ thuật cải lương với vở Đêm trắng, anh vào vở Dấu xưa thể hiện rất tốt cốt cách, tinh thần của Bác, từ cách thoại đến giọng nói trầm ấm, thân tình của Bác trong câu chuyện kể”.

Và sau một thời gian tập luyện, khi động tác đã nhuần nhuyễn, đến lúc diễn trên sân khấu kịch, khi vở Dấu xưa được đưa đến trường học, trung tâm văn hóa quận huyện trên địa bàn TP.HCM, NSƯT Thanh Điền đã diễn rất tự nhiên. Anh nói: “Qua hàng trăm suất diễn, tôi gần như quên mất mình và thể hiện đúng như tác phong, tinh thần của Bác. Có thể nói rằng, đây chính là vai diễn để đời trong sự nghiệp diễn xuất của tôi, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc bởi sức lan tỏa rất lớn từ nhân vật Bác đến với công chúng”.

Sau thế hệ của anh, hiện nay có nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh đã diễn rất tự tin hình tượng Bác Hồ trong hàng loạt các ca cảnh, trích đoạn cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ. Hoàng Quốc Thanh cho biết, anh nghiên cứu tâm lý nhân vật vào thời điểm câu chuyện diễn ra trong từng ca cảnh mà đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt đã khai thác.

Với NSND Đinh Bằng Phi, để đưa hình tượng Bác đến với khán giả hát bội đòi hỏi một một sự kỳ công. Với tài năng diễn xuất, tinh thần làm nghề nghiêm túc, luôn cố gắng học hỏi trau dồi chuyên môn, chịu khó tìm hiểu kỹ lưỡng, NSND Đinh Bằng Phi đã thể hiện nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ấn tượng.

“Với thủ pháp dàn dựng ước lệ, tôi xây dựng nhân vật lãnh tụ xuất hiện trong giấc mơ của những người nghệ sĩ hát bội, khi đến thăm Làng Sen đã được Người động viên, cùng vượt qua khó khăn, để giữ gìn viên ngọc quý của nghệ thuật hát bội. Dù nhân vật xuất hiện với thời lượng ngắn nhưng đã tạo cảm xúc thăng hoa cho nghệ sĩ và khán giả yêu nghệ thuật hát bội” - NSND Đinh Bằng Phi nói.

Mong “Liên hoan sân khấu về hình tượng Bác Hồ”

“Tôi vẫn luôn nặng lòng với sân khấu cải lương. Cứ đau đáu chờ đợi những kịch bản mới về lãnh tụ, để tôi có cơ hội tiếp tục thể hiện hình tượng Bác trên sân khấu. Mừng là đã có những trại sáng tác mà tác giả trẻ tích cực tham gia, viết về Bác. Qua những bài ca cổ, những trích đoạn cải lương, những ca cảnh đầy tính nhân văn, hình tượng Bác đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi đến công chúng và đến với các nghệ sĩ thể hiện. Tôi tin sẽ Bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục tổ chức Liên hoan sân khấu về hình tượng Bác Hồ để hàng năm có nhiều tác phẩm được ra đời, phục vụ công chúng” (Tâm sự của NSƯT Thanh Điền).

 

Thanh Hiệp

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN