TTVH Online

Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 10): Đâu là những bộ manga đỉnh cao, đáng đọc?

18/05/2020 19:04 GMT+7

Trong kỳ này, người viết sẽ gợi ý bạn đọc tìm hiểu những đỉnh cao truyện tranh của Nhật Bản. Đây là những bộ truyện đã hoàn thành, với nội dung đặc sắc và cách kể truyện chặt chẽ, lớp lang.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong kỳ này, người viết sẽ gợi ý bạn đọc tìm hiểu những đỉnh cao truyện tranh của Nhật Bản. Đây là những bộ truyện đã hoàn thành, với nội dung đặc sắc và cách kể truyện chặt chẽ, lớp lang. Nếu đã quá quen thuộc với những Doraemon, Astro Boy, Dragon Ball, Naruto, One Piece... mời các bạn cùng theo dõi 8 bộ truyện sau đây.

Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 9): Có hay không 'truyện tranh kinh điển'?

Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 9): Có hay không 'truyện tranh kinh điển'?

Nhắc đến “truyện tranh kinh điển”, bất cứ người đọc nào cũng sẽ hình dung đến một vài tên gọi như "Doraemon", "Dragon Balls", "One Piece"... Tuy nhiên, sau khi tìm sâu hơn về lịch sử truyện tranh từ Á Đông đến Âu Mỹ, một vấn đề được đặt ra và cần lời giải đáp: Thế nào là một tác phẩm “truyện tranh kinh điển”? Và có bao nhiêu tác phẩm “truyện tranh kinh điển” trên thế giới? Trong kỳ này, chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời.

Trước tiên, xin được nhắc lại, ở những kỳ trước, chúng ta đã cùng đi dọc chiều dài lịch sử truyện tranh tại các khu vực khác nhau trên thế giới, để biết rằng truyện tranh không phải “lãnh địa độc quyền” của Nhật Bản hay Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của manga Nhật và comic Hoa Kỳ là điều đã được thực tế khẳng định. Chính vì vậy, nếu muốn bước chân vào thế giới truyện tranh, chúng ta cần tiếp cận với những tác phẩm đỉnh cao của hai nền văn hóa “kiến tạo vùng” truyện tranh này trước tiên.

1. “Fullmetal Alchemist” (Hiromu Arakawa)

Nhắc đến truyện tranh Nhật Bản hiện đại, không thể không nhắc đến Fullmetal Alchemist (Cang giả kim thuật sư) của nữ tác giả Hiromu Arakawa. Xoay quanh hành trình tìm kiếm Hòn đá triết gia của anh em nhà Elric nhằm khôi phục cơ thể, bộ truyện đem đến cho người đọc những tình tiết gay cấn và bài học sâu sắc về cuộc sống, tình cảm gia đình, tình bạn, về cả sự hy sinh và buông bỏ... Những tư tưởng triết học và các quy luật giả kim mang tính biểu trưng cũng được tác giả truyền tải theo cách sinh động.

Thuật giả kim trở thành biểu tượng cho hành trình mỗi người vượt qua thử thách, tôi luyện chính mình.

Chú thích ảnh
"Fullmetal Alchemist - Cang giả kim thuật sư" (Hiromu Arakawa)

2. “Rurouni Kenshin” (Nobuhiro Watsuki)

Các tác giả truyện tranh Nhật Bản có một niềm đam mê bất tận với lịch sử. Lịch sử với những nhân vật nổi tiếng trở thành chất liệu để họ sáng tạo nên những câu chuyện riêng đầy bất ngờ thú vị, và Rurouni Kenshin của Nobuhiro Watsuki chính là một tác phẩm như thế.

Lấy bối cảnh những năm đầu thời kỳ Minh Trị đầy biến động, tác giả Nobuhiro Watsuki đã kể lại câu chuyện về chàng lãng khách Kenshin, một thiên tài kiếm thuật, một sát thủ bước ra khỏi cuộc chiến với những vết thương và ám ảnh tinh thần. Trên con đường lang bạt ấy, Kenshin và đồng đội phải tiếp tục chiến đấu để tìm kiếm sự bình yên cho chính tâm hồn mình.

Chú thích ảnh
"Rurouni Kenshin - Lãng khách Kenshin" (Nobuhiro Watsuki)

3. “Deathnote” (Tsugumi Ohba và Takeshi Obata)

Sở hữu quyển sổ thiên mệnh của tử thần, Light Yagami có thể kết liễu bất cứ ai, chỉ cần biết tên và khuôn mặt của người đó. Nhân danh “trừng trị tội ác”, Light (Kira) đã ra tay tàn sát cả tội phạm lẫn những người vô tội. Đối thủ của Light là L - một thám tử làm việc cho Interpol. Anh có nhiệm vụ truy tìm tay sát nhân hàng loạt có biệt danh Kira.

Chú thích ảnh
"Deathnote" (Tsugumi Ohba và Takeshi Obata)

Bộ truyện khai thác cuộc đấu trí căng thẳng của 2 thiên tài: Light Yagami và L. Với cách xây dựng tình huống và nhân vật hấp dẫn, bộ đôi tác giả Tsugumi Ohba và Takeshi Obata đã đặt ra vấn đề hết sức nóng bỏng trong đời sống hiện nay với nhiều luồng ý kiến tranh luận không ngớt về thiện - ác, về luật pháp và về nhân quyền.

Cho đến nay, Deathnote vẫn là bộ truyện tranh có số lượng tác phẩm chuyển thể thành phim nhiều nhất tại Nhật Bản (3 movie, 1 phần hậu truyện và 1 TV series do Nhật Bản sản xuất, 1 TV series do Netflix sản xuất). Có thể nói, dù đã kết thúc được 14 năm, nhưng sức sống của Deathnote đến hiện tại vẫn vô cùng mãnh liệt.

4. “Mushishi” (Yuki Urushibara)

Không giống như những bộ truyện có đề tài siêu nhiên khác thường chú trọng đến tính bất ngờ và yếu tố ly kỳ, có phần kinh dị, Mushishi có cách kể truyện chậm rãi với những hình ảnh tươi sáng, nhẹ nhàng. Theo chân nhân vật chính Ginko trên hành trình thu phục những sinh vật huyền bí, người đọc sẽ được trải nghiệm nhiều cảnh đời với nhiều câu chuyện khác nhau.

Đọc Mushishi của Yuki Urushibara chính là “đọc” về một thế giới đầy niềm bi cảm (mono no aware) vốn đã tồn tại trong văn hóa tinh thần Nhật Bản hàng ngàn năm nay. Nếu bạn yêu thích những câu chuyện nhân sinh man mác buồn, đừng bỏ lỡ Mushishi.

Chú thích ảnh
"Mushishi - Trùng sư" (Yuki Urushibara)

5. “Basara” (Yumi Tamura)

Lấy bối cảnh là nước Nhật Bản hậu tận thế, tác giả Yumi Tamura đã xây dựng lại cả một thế giới giả tưởng rộng lớn với nhiều con người mang định mệnh riêng: Đấu tranh chính trị của nội bộ hoàng tộc và cuộc chiến giành tự do của chính những người dân nơi sa mạc ngập tràn gió cát. Ở đó, có những người trẻ tuổi theo đuổi ước mơ, có những âm mưu thâm độc, có những nỗi đau không lời, và có cả những người sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn...

Basara là thiên sử thi về chiến tranh, về tình yêu, về máu và nước mắt của những “đứa con của số phận”, và đúng như một bản sử thi lưu truyền trong dân gian, người đọc sẽ tìm thấy những điều vĩ đại ở đó.

Chú thích ảnh
"Basara" (Yumi Tamura)

6. “Slam Dunk” (Takehiko Inoue)

Xuất phát điểm là một “tay mơ” có năng khiếu điền kinh, vì muốn gây ấn tượng với cô bạn gái mới quen, Hanamichi Sakuragi quyết định đăng ký tham gia câu lạc bộ bóng rổ của trường dù chẳng thích thú gì thể dục thể thao. Thế nhưng dần dần, sau những đấu tập và thi đấu trực tiếp cùng đồng đội, chính Hanamichi lại say đắm và hết mình với môn thể thao này.

Suốt từ khi ra mắt tác phẩm cho đến nay, Slam Dunk luôn được xếp vào danh sách những manga thể thao đỉnh cao không chỉ bởi tác giả đã kể lại một câu chuyện đầy đam mê, nhiệt huyết về bóng rổ học đường và về tinh thần thể thao; mà còn bởi nhờ sự xuất hiện của Slam Dunk, bóng rổ đã được giới trẻ Nhật Bản đón nhận, từ đó trở nên phổ biến trên toàn đất nước.

Chú thích ảnh
"Slam Dunk" (Takehiko Inoue)

7. “Gintama” (Hideaki Sorachi)

Nếu bạn nghĩ rằng đã là manga chiến đấu dành cho thanh thiếu niên thì phải nghiêm túc, căng thẳng, các nhân vật luôn đứng trước thử thách ý chí đầy cam go khốc liệt, thì chắc chắn bạn sẽ bất ngờ khi đọc Gintama của Hideaki Sorachi.

Với nét vẽ khá đơn giản, Gintama gây ấn tượng với người đọc đầu tiên là bởi những câu chuyện hài hước khi Edo (Nhật Bản) bị người ngoài hành tinh chiếm đóng. Nhân vật trung tâm của truyện là Gintoki, một samurai hết thời mê đồ ngọt, nhưng lại bị bệnh tiểu đường. Cùng với cộng sự thân thiết là Kagura và Shinpachi, bộ ba cùng nhau bước vào hành trình “trừ gian diệt bạo” vô cùng khôi hài, nhưng lại ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc.

Chú thích ảnh
"Gintama" (Hideaki Sorachi)

8. “Honey And Clover” (Chica Umino)

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống sinh viên của 3 chàng trai Yuta Takemoto, Shinobu Morita, Takumi Mayama và 2 cô gái Hagumi Hanamoto, Ayumi Yamada. Họ học chung một trường nghệ thuật, nhưng mỗi người lại có những ngã rẽ riêng cho cuộc đời mình. Không có nút thắt kịch tính, bộ truyện chiếm lấy cảm xúc người đọc bởi chính những câu chuyện giản dị, đời thường về cuộc sống của sinh viên như chuyện phòng trọ, nợ môn, đi làm thêm, tình yêu đơn phương, tìm kiếm đam mê...

Chú thích ảnh
"Honey And Clover" (Chica Umino)

Với Honey and Clover, tác giả Chica Umino đã tấu lên khúc nhạc du dương về vấp ngã và trưởng thành, về tình bạn và tình yêu, đặc biệt, là về những sự lựa chọn trong cuộc đời mỗi người.

Những bộ truyện trên đều đã được xuất bản tại Việt Nam. Chúc các bạn độc giả có những thời khắc thưởng thức truyện tranh thú vị!

(Còn nữa)

Nguyễn Hoàng Dương

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN