TTVH Online

Ca khúc 'Long Tall Sally' của Little Richard: Khơi nguồn sự nghiệp cho nhiều tên tuổi lớn

17/05/2020 08:41 GMT+7

Little Richard nổi lên trên sân khấu rock ‘n’ roll vào đầu năm 1956 nhờ ca khúc "Tutti-Frutti" trong đó có cụm từ “A wop bop alu bop, a wop bam boom!” mà tới nay vẫn được coi là ca từ rock truyền cảm hứng bậc nhất từng được ghi âm. Nó cũng là ngòi châm cho những màn pháo hoa rực rỡ sau đó mà thành công và bất hủ nhất là "Long Tall Sally".

(Thethaovanhoa.vn) - Little Richard nổi lên trên sân khấu rock ‘n’ roll vào đầu năm 1956 nhờ ca khúc Tutti-Frutti trong đó có cụm từ “A wop bop alu bop, a wop bam boom!” mà tới nay vẫn được coi là ca từ rock truyền cảm hứng bậc nhất từng được ghi âm. Nó cũng là ngòi châm cho những màn pháo hoa rực rỡ sau đó mà thành công và bất hủ nhất là Long Tall Sally.

Vĩnh biệt Little Richard: Người góp phần xóa nhòa ranh giới 'màu da' trong âm nhạc

Vĩnh biệt Little Richard: Người góp phần xóa nhòa ranh giới 'màu da' trong âm nhạc

Little Richard, nghệ sĩ được gọi là “kiến trúc sư” của dòng nhạc rock ‘n’ roll, đã qua đời hôm 9/5 (theo giờ địa phương) sau khi chiến đấu với bệnh ung thư xương, thọ 97 tuổi.

Long Tall Sally, nằm trong những hit đình đám nhất của Little Richard, về sau được coi như chuẩn mực rock ‘n’ roll với hàng trăm nghệ sĩ đã hát lại nó, gồm cả The Beatles và Elvis Presley.

“Nhân chứng” lịch sử của The Bealtes

Hầu hết người yêu nhạc khắp thế giới đều có những phút tự hào liệt kê danh sách các nghệ sĩ họ từng có cơ hội được tới nghe nhạc sống. Nhưng được trực tiếp nghe The Beatles là cái gì đó còn hơn cả khoe khoang. Nhìn thấy Tứ quái trong quãng thời gian lưu diễn ngắn ngủi của họ là trải nghiệm đổi đời mà những người hâm mộ The Beatles chỉ có thể ước ao. Nếu may mắn được xem The Beatles, hẳn nhiều người sẽ dành cả đời mình để hồi tưởng và kể lại.

Và nếu có mặt trong số những buổi hòa nhạc quý như vàng đó, dù là ở Mỹ, Anh, Đức hay bất cứ đâu, hầu hết khán giả đều được nghe Tứ quái biểu diễn ca khúc Long Tall Sally. Bởi vì đây là ca khúc mà The Beatles có thời gian biểu diễn dài nhất. Nó đã xuất hiện từ thời The Quarryman (tiền thân đầu tiên của The Beatles) vào năm 1957, được nhóm biểu diễn xuyên suốt từ CLB Cavern ở Liverpool trong suất diễn trưa, rong ruổi trong tất cả những đêm của họ ở Hamburg (Đức), đi theo tới Mỹ năm 1964 và vẫn được biểu diễn trong buổi xuất hiện cuối cùng vào năm 1966.

Long Tall Sally thậm chí xuất hiện trong buổi gặp gỡ đầu tiên của John Lennon và Paul McCartney vào ngày 6/7/1957. Đây là một trong những ca khúc mà Paul 15 tuổi chọn ca hát và chơi đàn để gây ấn tượng trước John. Với khán giả Mỹ, The Beatles giới thiệu ca khúc này ngay tại buổi diễn đầu tiên ở xứ cờ hoa vào ngày 11/2/1964 cũng như vào buổi diễn cuối vào ngày 29/8/1966.

Một vài thống kê này đã cho thấy Long Tall Sally đã giữ vị trí đặc biệt đến thế nào với The Beatles. Với họ, không nghi ngờ gì nữa, ca khúc gói trọn nhạc rock ‘n’ roll thời kỳ đầu - lý do sơ khởi để The Beatles trở thành nhạc sĩ. Nhưng The Beatles chỉ là một trong nhiều ví dụ nổi tiếng về tầm ảnh hưởng của Long Tall Sally.

Chú thích ảnh
The Beatles với Litte Richard vào tháng 10/1962

Cha đẻ của “Long Tall Sally”

Long Tall Sally ra mắt không lâu trước thời gian Paul gặp John, vào tháng 3/1956. Đây là bản rock ‘n’ roll viết theo thể 12 khuông blues - một trong những vòng hợp âm quen thuộc nhất trong nhạc phổ thông. Ca khúc được viết bởi Robert "Bumps" Blackwell, Enotris Johnson, Little Richard và ghi âm bởi Little Richard.

Little Richard tên thật là Richard Penniman, sinh ra tại Macon, Georgia (Mỹ) năm 1932, được biết đến là một trong những người tiên phong trong quá trình biến đổi R&B thành rock ‘n’ roll hồi giữa thập niên 1950. Được nhớ tới với hình ảnh người đàn ông hoang dã bên cây dương cầm, thành tựu ca hát và sáng tác của ông khiến nhiều người (trong đó đặc biệt có chính ông) tôn vinh ông là “ông vua rock ‘n’ roll” đích thực. Ông vẫn thường nói rằng nếu mình sinh ra là người da trắng thì Elvis Presley sẽ không có cửa.

Richard là con thứ ba trong 13 con của một mục sư. Ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện năng khiếu âm nhạc khi vừa chơi saxophone vừa hát trong dàn hợp xướng phúc âm của gia đình. Sau này, The Beatles vô cùng ngạc nhiên khi vào hậu trường biểu diễn của Richard và nhận ra phía sau người đàn ông hoang dã trên sân khấu là một con chiên vô cùng ngoan đạo.

Những cơ hội âm nhạc sớm tới với Richard nhưng bị hạn chế vì gia đình không muốn ông hát nhạc thế tục. Bản thân Richard cũng mong muốn trở thành nhà truyền giáo. Tuy nhiên, với đam mê âm nhạc lớn lao, ông đã rời nhà năm 16 tuổi và bắt đầu đi biểu diễn khắp nơi. Ông ký hợp đồng với hãng đĩa RCA năm 1951 rồi sau đó là với Peacock năm 1953 nhưng chưa gây được tiếng vang nào trên các BXH trong những năm này.

Chú thích ảnh
Little Richard điên rồ đến ngớ ngẩn để vượt vòng kiểm duyệt của người da trắng

Thành công chỉ thực sự tới với Richard qua ca khúc Tutti-Frutti khi nó leo lên tới No.2 trên BXH Billboard R&B. Ca khúc cũng là thành công chéo lớn khi đứng No.17 trên BXH Billboard Top 100. Ca sĩ trữ tình đình đám thời đó là Pat Boone cũng phát hành một bản hát lại Tutti-Frutti. Nhiều nghệ sĩ da đen hẳn sẽ sung sướng khi ca khúc của mình được một thần tượng của thanh niên như Boone hát lại nhưng với Richard thì không.

Ông cảm thấy bị xúc phạm khi bản thu của Boone đạt thứ hạng cao hơn cả bản của mình. Ông cũng buồn vì dù Boone là một nghệ sĩ tài năng, Boone chắc chắn không phải là một ca sĩ R&B. Thế nên, Richard đã bỏ nhiều công sức hơn - và nhờ đó, làm nên điểm nhấn mới - cho bản thu sau, vốn cực kỳ thành công vào thời điểm đó và bất hủ về sau, là Long Tall Sally.

Các bản cover

Để đảm bảo Boone không thể “hớt tay trên” thành công của Richard nữa, nhà sản xuất Bumps Blackwell quyết định phải làm một ca khúc với nhịp nhanh hơn và ca từ được hát với tốc độ mà họ nghĩ Boone không thực hiện được.

Theo Blackwell, một DJ đình đám khi đó là Honey Chile đã giới thiệu ông với một cô gái nhỏ tên Enotris Johnson. Cô gái này đã đi từ Mississippi tới để bán cho Little Richard một ca khúc với hy vọng có thể dùng tiền này để trả viện phí cho dì Mary ốm yếu của mình. Ca khúc, thật ra chỉ là vài dòng trên giấy, như thế này: “Thấy chú John đi với Sally cao ngồng/ Họ thấy dì Mary đang tới/ Thế nên, họ tránh ngay vào ngõ”.

Không muốn làm phật lòng DJ tiếng tăm, Blackwell đã nhận ca khúc và đưa cho Richard xem. Ban đầu, Richard cũng khá miễn cưỡng nhưng rồi sau đó, ông nhận ra dòng “tránh ngay vào ngõ” chính xác là thứ họ đang tìm kiếm. Thế nên, ông đã nỗ lực luyện tập để hát câu đó nhanh nhất có thể. Họ cùng nhau sửa chữa ca khúc, thêm vào đó phiên khúc và điệp khúc cho tới khi đạt tới hit mà họ mong muốn.

Câu chuyện trong lời bài hát cũng được chi tiết hơn: Chú John luôn nói là mình buồn nhưng thật ra chú có nhiều thú vui đó là đi lại với cô Sally cao nhồng. Khi thấy vợ là dì Mary xuất hiện, chú vội lẩn đi và sau đó là ca hát tưng bừng rằng mọi việc sẽ ổn và đêm nay sẽ rất vui đây.

Không phụ công, sau khi phát hành, Long Tall Sally lập tức trở thành đĩa đơn đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay của Richard. Nó đứng No.1 trên BXH R&B trong suốt 6 tuần liền, và đứng No.6 trên Billboard Hot 100. Vì rock ‘n’ roll thời kỳ đầu vốn là “đặc sản” của người da đen nên nhiều đứa trẻ da trắng đã phải giấu bố mẹ khi mua đĩa Long Tall Sally. Chính điều này khiến Richard quyết định hình ảnh của ông từ giờ phải thật điên rồ đến ngớ ngẩn để người lớn nghĩ là ông vô hại.

Tuy nhiên, ý định ban đầu của họ lại không đạt được: Boone nhanh chóng làm một phiên bản mới của Long Tall Sally và phiên bản này cũng leo lên No.8 BXH Pop.

Sau đó, hàng trăm nghệ sĩ khác, trong đó có nhiều cái tên đình đám bậc nhất thế giới, đã vui thích hát lại Long Tall Sally. Elvis Presley còn phát hành hẳn đĩa đơn Long Tall Sally. Ca khúc cũng xuất hiện trong phim, văn học, nhạc kịch, trò chơi điện tử… trở thành một phần văn hóa đại chúng. Lần này, hẳn Richard không cảm thấy phiền lòng.

Tên tuổi của Richard tiếp tục nổi đình nổi đám trong thập niên 1960 và ông đã hoạt động âm nhạc cho đến những năm cuối đời. Mặc dù thành công trên các BXH của ông chỉ kéo dài trong khoảng 2 năm rưỡi nhưng ông đã gây ảnh hưởng rộng khắp lên nhiều nghệ sĩ lớn thế hệ sau như Bob Dylan, Wilson Pickett, Mick Jagger, Bob Seger, John Fogerty, David Bowie hay The Beatles. Tất cả đều ca ngợi ông là người đã khơi nguồn sáng tạo cho họ. Jimi Hendrix, người chơi nhạc với Little Richard trong giai đoạn 1964-1965 vẫn luôn nói rằng: “Tôi muốn dùng cây guitar của tôi như Little Richard dùng giọng của ông”.

Paul McCartney “nợ” Little Richard

Khi Richard qua đời vào ngày 9/5/2020, đông đảo nghệ sĩ đã tưởng nhớ về ông. “Từ Tutti-Frutti tới Long Tall Sally tới Good Golly, Miss Molly tới Lucille, Little Richard đã hét vào đời tôi từ khi tôi còn là một cậu bé” - Paul McCartney bồi hồi viết. “Tôi nợ Little Richard và phong cách của ông ấy rất nhiều và ông ấy cũng biết vậy. Ông từng nói: Tôi dạy Paul mọi thứ mà giờ cậu ta biết. Tôi phải thừa nhận là ông ấy đúng”.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN