TTVH Online

Góc nhìn 365: Xa như… tượng đài

14/05/2020 06:59 GMT+7

Chỉ trong một tuần lễ, hai câu chuyện về tượng đài nối nhau xuất hiện và đều chiếm một vị trí quan trọng trong dòng thời sự chủ lưu.

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong một tuần lễ, hai câu chuyện về tượng đài nối nhau xuất hiện và đều chiếm một vị trí quan trọng trong dòng thời sự chủ lưu.

 UBND tỉnh Thanh Hóa bác đề xuất xây tượng đài Bà Triệu với kinh phí 20 tỷ đồng

UBND tỉnh Thanh Hóa bác đề xuất xây tượng đài Bà Triệu với kinh phí 20 tỷ đồng

Ngày 8/5, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh đã có văn bản bác đề xuất xây dựng tượng đài Bà Triệu tại khu công viên Quảng trường trung tâm huyện Yên Định với kinh phí 20 tỷ đồng.

Đó là trường hợp của tượng đài chiến thắng Khâm Đức (trị giá 14 tỷ đồng) đang xây dở dang tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam) và dự án xây dựng tượng đài Bà Triệu (trị giá gần 20 tỷ đồng) tại huyện Yên Định, Thanh Hóa.

Như hầu hết các dự án xây dựng tượng đài khác, những lý do về giáo dục truyền thống và phát triển du lịch được đưa ra để giải thích về sự cần thiết của 2 tượng đài này.

Còn ở hướng ngược lại, điều khiến dư luận băn khoăn - thậm chí phản ứng - là câu hỏi về sự cần thiết trước mắt của 2 công trình trên, khi cả Yên Định và Phước Sơn đều là những địa phương nghèo.

Trước mắt, luồng ý kiến ấy đã cho thấy sự hợp lý phần nào, khi ý tưởng xây dựng tượng đài Bà Triệu hiện không được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thông qua. Nhưng, vượt hơn chuyện ở một hai địa phương cụ thể, những gì vừa diễn ra khiến người ta nhớ lại hàng loạt cuộc tranh luận vẫn thường xuyên diễn ra nhiều năm nay quanh vấn đề xây tượng đài. Tại đó, câu hỏi "cần thiết hay không", “lãng phí hay không?” luôn thường trực trong sự phản biện của cộng đồng.

Thẳng thắn thì tâm lý “cân đong đo đếm” ấy cho thấy: Nhiều người dân chưa bị thuyết phục bởi sự cần thiết và hữu ích của loại công trình này. Và ở đây, bên cạnh câu chuyện về các chức năng văn hóa, giáo dục, lịch sử…, rõ ràng với nhiều người, tượng đài là “chuyện ở đâu” chứ không gần gũi và thiết thân tới đời sống hàng ngày của mình.

***

Thống kê hiện tại cho thấy tại Việt Nam có gần 400 tượng đài khác nhau. Đa phần trong số đó được xây dựng trong giai đoạn sau 1954, khi hòa bình lập lại. Như những gì từng được các chuyên gia phân tích, những tượng đài ấy đáp ứng nhu cầu của đất nước trong một giai đoạn nhất định, nhưng phần lớn lại có chất lượng thẩm mỹ chưa thật tốt bởi những hạn chế về điều kiện kinh tế và năng lực mỹ thuật của chúng ta.

Chú thích ảnh
Tượng đài chiến thắng Khâm Đức (trị giá 14 tỷ đồng) đang xây dở dang tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Nguồn: Báo Lao động

Để rồi, những năm gần đây, khi các điều kiện này đã tốt hơn trước, việc bổ sung những tượng đài quan trọng (cũng như thay thế những tượng đài xuống cấp hoặc không đạt chất lượng) bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương. Và bởi xuất hiện nhiều, đã có lúc dư luận sử dụng khái niệm “hội chứng xây tượng đài” trong câu chuyện này.

Chỉ có điều, trong sự xuất hiện ấy, nhiều phân tích tại các cuộc tọa đàm, hội thảo cho thấy: Một lượng lớn các tượng đài đang được xây khá dễ dãi, với cách tạo hình rập khuôn, máy móc và không có gì đột phá so với giai đoạn trước đây.

Ở đó, tư duy phổ biến vẫn là việc chạy theo yếu tố hoành tráng và quy mô, như một cách biểu đạt sự tôn vinh với nhân vật hoặc sự kiện được tạc tượng. Nó cũng giống như một quan niệm đang tồn tại ở rất nhiều người: Tượng đài là nơi uy nghiêm, người xem nên “ngước lên” để chiêm ngưỡng tượng.

Chắc chắn, đó không phải là cách tiếp cận duy nhất để xây dựng các tượng đài kỷ niệm - khi mà ở rất nhiều nơi trên thế giới, một lượng lớn các danh nhân, vĩ nhân, sự kiện lịch sử… xuất hiện dưới dạng những bức tượng ngoài trời có kích thước rất bình dị. Chúng thường nằm trong những công viên nho nhỏ, gần gũi với cuộc sống, nơi người dân đi dạo, chạy bộ hoặc ngồi thư giãn tận hưởng thiên nhiên.

Chưa nói tới những bức tượng ngoài trời mà người Pháp từng xây ở Việt Nam (như tượng Pasteur, tượng Yersin ở Hà Nội), tượng kiến trúc sư Kazik - một công trình “thuần Việt” tại Hội An - là minh chứng điển hình cho điều này. Công lao của Kazik với di sản thế giới này là điều miễn bàn, vậy nhưng bức tượng của ông tại một công viên nhỏ giữa phố cổ Hội An chỉ cao chừng 2,5 mét. Dù vậy, chẳng ai nói, bức tượng ấy không tạo sự gần gũi, tự nhiên và trang nhã, như phong cách của Kazik lúc sinh thời.

Trở lại câu chuyện chung của tượng đài. Có lẽ, chúng ta cần hướng tới một quy hoạch tượng đài dài hơi, dành chỗ cho những tìm tòi sáng tạo và từng bước thực hiện tùy theo điều kiện kinh tế hiện có, thay cho việc vội vã chạy theo những tượng đài cao tới 25 mét như tượng đài chiến thắng Khâm Đức, hay 18 mét như ý tưởng về tượng đài Bà Triệu vừa qua.

Đó không chỉ là chuyện tiết kiệm về kinh phí - khi mà trong rất nhiều trường hợp, độ hoành tráng của tượng đài gây ra cảm giác về sự xa cách, chứ không phải vĩ đại như ta lầm tưởng.

H.N

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN