TTVH Online

Bóng đá Việt Nam cần liều thuốc đặc trị cho vấn nạn tiêu cực

14/05/2020 06:11 GMT+7

11 cầu thủ thuộc lứa U21 Đồng Tháp đã phải nhận các mức kỷ luật khác nhau từ VFF vì liên quan đến câu chuyện tiêu cực. Đó như gam màu tối trong bức tranh đã có nhiều nét tích cực thời gian qua...

(Thethaovanhoa.vn) - 11 cầu thủ thuộc lứa U21 Đồng Tháp đã phải nhận các mức kỷ luật khác nhau từ VFF vì liên quan đến câu chuyện tiêu cực. Đó như gam màu tối trong bức tranh đã có nhiều nét tích cực thời gian qua. Họ, những cầu thủ trẻ, nhận được nhiều được kỳ vọng để Đồng Tháp làm lại từ đầu với tham vọng trở lại sân chơi chuyên nghiệp. Chính những cầu thủ này đã từng vượt qua cả Hà Nội, Viettel, HAGL hay PVF để vô địch liên tiếp các cấp độ trẻ vừa năm qua (U15-2014, U17-2016 và U19-2018).

11 cầu thủ Đồng Tháp bán độ: Xem nhẹ gốc rễ, hủy hoại tương lai

11 cầu thủ Đồng Tháp bán độ: Xem nhẹ gốc rễ, hủy hoại tương lai

“Buồn cho bóng đá Đồng Tháp”, cựu HLV Đoàn Minh Xương, người từng 2 lần dẫn dắt Đồng Tháp vô địch quốc gia, đã cảm thán như vậy sau khi chứng kiến 11 cầu thủ trẻ xứ bưng biền nhận án phạt lịch sử mới đây.

“Tôi cũng nhiều bất ngờ, buồn lắm, day dứt và cả trăn trở nhưng không sốc”, chuyên gia Đoàn Minh Xương bày tỏ như thế khi nói về câu chuyện này, ông chia sẻ: “Với tư cách một người con Đồng Tháp, đã từng sát cánh cùng nhiều anh em đồng nghiệp, nhiều thế hệ HLV, cầu thủ để xây dựng bóng đá quê hương thì đây quả là điều hụt hẫng.

Quá khứ chúng tôi đã cùng nhau gắn bó, trải qua nhiều thăng trầm vui có, buồn cũng nhiều nhưng luôn hết mình, nhiệt huyết, tận tâm và cống hiến cho bóng đá quê hương”.

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Trong lúc chúng ta đang rất hào hứng với nhiều điều tươi nhuận của bóng đá nước nhà trong thời gian qua thì câu chuyện này thật sự chẳng mấy vui vẻ gì. Đáng tiếc và cả đáng trách nữa khi các em trẻ lại dính vào những điều thế này thế kia.

Tôi buồn vì họ không thể giữ mình trọn vẹn trước cám dỗ, muôn màu trong đời sống bóng đá mà ở đó vẫn còn bóng ma tiêu cực ẩn nấp để len lỏi vào. Đáng trách vì các em đã không có được sự giám sát, bảo ban, khuyên nhủ, theo dõi kỹ càng từ người lớn.

Chúng ta thấy câu chuyện nó xảy ra từ năm 2019 kia, bây giờ mới vỡ ra và chịu xử lý từ cơ quan chức năng. Vậy trong thời gian qua diễn biến thế nào, trách nhiệm đến đâu hay nếu đặt ra giả thiết cứ mãi âm ỉ và không bị phát hiện để xử lý thì sẽ thế nào. Liệu nó có tồn tại dai dẳng, chi phối các em và diễn biến theo chiều hướng tiếp tục nặng nề hơn không?”

Chú thích ảnh
Huỳnh Văn Tiến (số 11, áo đỏ) bị Ban Kỷ luật VFF ban hành án phạt cấm thi đấu 5 năm. Ảnh: Dương Thu

Chuyên gia Đoàn Minh Xương trăn trở: “Sự việc thì cũng xảy ra, án phạt cũng có rồi nhưng vấn đề quan trọng là thực trạng ra sao, nhìn nhận vấn đề thế nào từ câu chuyện này để giải quyết mọi thứ triệt để. Chúng ta thấy bóng đá cũng như đời sống xã hội, không thể tránh khỏi những chuyện tiêu cực len lỏi và chi phối vào đó.

Quan trọng nằm ở chỗ, chúng ta phải làm gì để tạo ra được môi trường trong sạch nhất cho cầu thủ chơi bóng thật sự đàng hoàng. Ai cũng biết, điều cốt lõi nhất là dựa vào ý thức tự thân của mỗi cầu thủ khi họ chọn theo con đường đá bóng.

Trước hết, mỗi cầu thủ phải nghiêm túc, tu dưỡng, rèn giũa, trau dồi không chỉ về kỹ năng mà còn ở phẩm chất. Nói thì dễ và cũng chỉ là lý thuyết nhưng phải nhận ra để hoàn thiện dần chứ không thể xuề xòa mọi thứ. Chính sự xuề xòa, dễ dãi đã giết chết, đánh mất tương lai chơi bóng của rất nhiều cầu thủ tài năng đấy thôi.

Chúng ta hãy bắt đầu từ những người thầy dạy bóng đá cho các em từ những buổi đầu chập chững vào nghề. Anh không chỉ dạy đá bóng đơn thuần, anh còn là người chuẩn mực, gương mẫu với những vấn đề liên quan trong bóng đá.

Ở đó, mọi thứ sẽ như khuôn mẫu để các em nhìn vào và hướng theo. Rồi cả điều kiện vật chất, sinh hoạt ăn ở của các bạn trẻ nữa, nó tác động rất nhiều. Một vấn đề quan trọng không kém, đó là nắm bắt, hiểu biết được tâm sinh lý của các em, khi các em đang ở tuổi ăn tuổi lớn như thế.

Tôi cho rằng các trung tâm đào tạo trẻ không thể hoạt động theo kiểu “trại lính”. Chúng ta cần môi trường nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp thì đúng rồi những cái cần cho câu chuyện dễ tác động đến tâm lý đấy là dung hòa được cả chuyện học đá bóng và sinh hoạt thường ngày của các cầu thủ trẻ”.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng: ‘Có một vấn đề nữa mà các cơ quan quản lý cần quan tâm, đấy là chức năng giám sát các giải đấu, nhất là giải trẻ, ít được để ý. Dễ thấy, những vụ việc các cầu thủ dính đến vừa qua đều nằm vào khuôn khổ các giải trẻ.

Không sâu sát, thiếu giám sát là một nguyên nhân dẫn đến sự buông lỏng quản lý để tạo ra kẽ hở cho tiêu cực len lỏi vào vào phát tán. Không thể chần chừ hơn nữa, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề nghiêm túc, kết hợp các biện pháp như đã nói rất nhiều lâu nay cùng với cơ quan pháp luật để thực hiện mọi thứ nghiêm túc nhất.

Chấp nhận những giải phẫu để cơ thể bóng đá nước nhà thật sự cường tráng còn hơn cứ lâu lâu lại phải chịu những cơn đau như thế”.

Trần Tuấn

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN