TTVH Online

Vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình: Ngày làm việc thứ 3, phiên tòa tiếp tục thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo

13/05/2020 20:52 GMT+7

Ngày 13/5, Phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong Vụ gian lận điểm tại Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 3.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/5, Phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong Vụ gian lận điểm tại Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 3.

Xét hỏi các bị cáo vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình

Xét hỏi các bị cáo vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình

Ngày 12/5, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 2 phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận điểm tại Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình với các tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tội “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ” làm sai lệch kết quả kỳ thi.

Tiếp tục thẩm vấn, xét hỏi làm rõ tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) khai vào thời điểm bắt đầu chấm thi (ngày 30/6/2018), bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Lạc Thủy) đã nhiều lần dụ dỗ để nâng điểm cho thí sinh.

Qua đó, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn là hai người đã dùng chìa khóa do Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) đưa để mở khóa vào phòng chấm thi trắc nghiệm, sửa bài, nâng điểm 145 bài thi của 58 thí sinh theo danh sách do bị cáo Vinh cung cấp từ trước.

Trong ảnh: Quang cảnh phiên xét xử. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Quang cảnh phiên xét xử. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Tiếp đó, sau khi can thiệp nâng điểm bài thi, quá trình chấm thi, Đỗ Mạnh Tuấn phát hiện có một số bài thi của thí sinh mặc dù đã được sửa chữa, can thiệp nâng điểm nhưng số điểm nâng chưa đạt yêu cầu, nên tiếp tục can thiệp nâng điểm cho các bài thi này. Sau đó, dùng máy tính quét lại tập bài thi, ghi đè lên file ảnh đã quét, đổi ngày giờ trên máy tính và gửi kết quả chấm thi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bị cáo Nguyễn Quang Vinh đã chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn "sinh mã phách" trái quy định để lấy thông tin mã phách thí sinh cần nâng điểm bài thi môn tự luận.

Sau đó, Đỗ Mạnh Tuấn giao cho bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) can thiệp chấm nâng điểm bài thi cho 20 thí sinh. Diệp Thị Hồng Liên đã chỉ đạo 3 tổ trưởng tổ chấm thi là Nguyễn Thị Thu Loan (Tổ trưởng Tổ 1), Nguyễn Thị Hồng Chung (Tổ trưởng Tổ 2) và Bùi Thanh Trà (Tổ trưởng Tổ 3) can thiệp nâng điểm cho 20 thí sinh từ 1,25 đến 4,5 điểm.

Về tội “Đưa hối lộ” của bị cáo Hồ Chúc (nguyên giáo viên Trường Trung học Phổ thông Thanh Hà, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), Chúc khai trước kỳ thi có gặp Đỗ Mạnh Tuấn trao đổi có hai người cháu thi Trung học Phổ thông quốc gia và đề nghị Tuấn giúp đỡ. Tuấn nhận lời, đề nghị Chúc đưa họ tên, số báo danh và nói "nếu giúp được sẽ giúp". Sau khi có kết quả thi, tối 12/7/2018, Chúc đã đưa 300 triệu đồng để cảm ơn Tuấn đã nâng điểm bài thi cho hai thí sinh.

Ngày mai (14/5), phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng.

Thanh Hải/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN