TTVH Online

Mô hình tài chính của MU có phải bất thường?

04/05/2020 20:08 GMT+7

Mô hình tài chính của MU là một cơ chế khá kì lạ: Nợ nần nhiều nhưng vẫn ăn nên làm ra trong thế giới bóng đá. Liệu những biến động của bóng đá mùa đại dịch Covid-19 có làm sụp đổ mô hình ấy?

(Thethaovanhoa.vn) - Mô hình tài chính của MU là một cơ chế khá kì lạ: Nợ nần nhiều nhưng vẫn ăn nên làm ra trong thế giới bóng đá. Liệu những biến động của bóng đá mùa đại dịch Covid-19 có làm sụp đổ mô hình ấy?

Thời hoàng kim, MU từng thua bẽ mặt trước đội hình toàn 'chú nhóc' của Arsenal

Thời hoàng kim, MU từng thua bẽ mặt trước đội hình toàn 'chú nhóc' của Arsenal

Arsenal từng khuất phục MU ở thời kỳ đỉnh cao bằng những cầu thủ chỉ 19, 20 tuổi. Đó là khi Samir Nasri lập cú đúp giúp “Pháo thủ” đánh bại MU với tỉ số 2-1 vào tháng 11/2008.

Điều gì gây ấn tượng cho chúng ta trong bối cảnh trái bóng Premier League chưa hẹn ngày trở lại? Đó có thể là cảnh HLV Jose Mourinho rời băng ghế chỉ đạo, trở thành người đi phát rau củ quả cho cộng đồng trong bối cảnh nước Anh vẫn đang trong tình trạng cách ly xã hội.

MU: Thất bại chuyên môn, doanh thu vẫn thắng

Đó có lẽ là một cảnh tưởng ít người dám hình dung. Việc bóng đá phải tạm dừng vì dịch bệnh là một lý do. Đáng nói hơn, những thông tin thú vị xung quanh trái bóng tròn cũng thưa vắng nốt. Nói cụ thể bao gồm những gì thuộc về đời sống, thương hiệu, thứ phong cách định hình một đội bóng nào đó ở Premier League khiến họ thu hút cả tỷ cổ động viên trên toàn cầu theo dõi.

Thật dễ dàng để quên đi thực tế tình hình tài chính của các đội bóng. Những cú nhấp chuột hay chạm điện thoại cập nhật các CLB ngày càng giảm. Doanh thu đang tập trung vào những khía cạnh khác. Vậy điều này có xảy ra với MU không? Suốt 7 năm qua, sự tăng trưởng không giới hạn về thương hiệu của MU quả là một điều kỳ diệu khi chẳng còn bóng dáng Sir Alex Ferguson trên băng ghế chỉ đạo. Làm thế nào để ngăn chặn MU cứ tằng tằng thăng tiến về những con số doanh thu? Một kịch bản trớ trêu về đội chủ sân Old Trafford mùa trước: Họ có thể thất bại những trận ngớ ngẩn như trước Southampton. Những ai theo dõi MU qua truyền hình cảm thấy tức tối và chuyển kênh. Họ cứ làm, còn MU trên thương trường tiếp tục báo về những kỷ lục về doanh thu, các hợp đồng thương mại đáng để mơ ước.

Thực tế chẳng có bất cứ điều kỳ diệu nào hết. Chẳng ai biết được tương lai trung và dài hạn của MU ra sao. Điều chắc chắn lúc này là tất cả đang chứng kiến điều hiếm khi xảy ra trong thế giới bóng đá. Khía cạnh thương mại của Quỷ đỏ đang thành công rực rỡ, nhưng quanh họ còn đó khoản nợ lên tới 400 triệu bảng.

MU, Man United, chuyển nhượng MU, Koulibaly, Pogba, Arsenal, MU Arsenal, Rojo, Harry Kane, bóng đá, tin bóng đá, bong da hom nay, tin tuc bong da, tin tuc bong da hom nay
MU là một đội bóng nợ như chúa chổm, nhưng vẫn tạo ra sức hút về mặt thương mại hơn bất cứ đội bóng nào ở Premier League

Nợ và doanh thu song hành cùng MU

Chẳng có một CLB nào đó vận hành theo một cơ chế kỳ lạ như thế. Một cơ chế dựa vào tăng trưởng và động lực bất biến. Vậy điều gì xảy ra nếu những yếu tố nêu trên bất ngờ mất đi? Mở rộng vấn đề, liệu mô hình MU theo đuổi có phải điều gì đó tệ hại? Những gì diễn ra cho đến lúc này thể hiện một khoản nợ khổng lồ và doanh thu giảm đi không phải vấn đề gì quá to tát. Tất cả có thể cảm nhận MU sẵn sàng tiếp cận với những khoản vay mà chẳng phải lo lắng nhiều. Doanh thu từ các hợp đồng thương mại, chứ không phải những gì diễn ra trên sân bóng, mới là nguồn lợi chính của MU, giúp họ có vị thế tốt hơn nhiều CLB Anh khác. Nói một cách khác, sự đa dạng các nguồn thu giúp một đội bóng chống đỡ được sự trống vắng nào đó xảy ra trong thế giới bóng đá, dù là vì thành tích nghèo nàn hay ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Luận điểm này liệu có đáng thuyết phục? Những con số toán học chỉ ra điều này không hề sai. Trang Daily Mail tiết lộ MU sẽ mất số tiền lên tới 116 triệu bảng tổng doanh thu đến từ các trận đấu, bản quyền truyền hình và hợp đồng thương mại nếu Premier League mùa này bị hủy bỏ ngay tức thì. Con số này lớn hơn bất cứ đội bóng nào khác ở hạng đấu cao nhất nước Anh. Thế thì tại sao MU chẳng cần phải lo lắng? Các nhà tài trợ của đội bóng ở đâu đó nhắc đến yêu cầu giảm giá. Phần lớn những hợp đồng tài trợ của MU đều có điều khoản về các trường hợp bất khả kháng. Nguồn làm ăn quan trọng của nhà Glazer lại nằm ở các hoạt động bán lẻ tại Mỹ.

Ai cũng thấy rõ áp lực tài chính của MU ra sao. Năm ngoái, quỹ lương đội chủ sân Old Trafford tăng lên tới 300 triệu bảng. Khoản tiền nợ nửa đỏ thành Manchester cần trả là 26 triệu bảng. Nếu kịch bản phải đá không khán giả kéo dài tới hết năm nay, khoản lỗ của MU sẽ tăng vọt. Không khó hiểu vì sao kế hoạch “Project Restart” lại được đẩy nhanh đến thế, bất chấp lo ngại nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát nếu cố thúc đẩy giải đấu trở lại. Đơn giản, nhiều CLB ở Anh lúc này rất cần nguồn thu. MU có thể lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn: Khoản nợ tăng vọt, nhưng đi kèm với đó doanh thu cũng tăng và sức hút thương mại chẳng hề giảm đi.

Đức Hùng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN