TTVH Online

Thư gửi robot Citizen: Đọc sách cũng giống như... đang yêu

24/04/2020 07:06 GMT+7

Ngày Sách Việt Nam vừa mới qua được vài ngày. Vấn đề được nhiều người quan tâm vẫn là chuyện làm cách nào ta có thể vượt qua được những chướng ngại đến từ sự phát triển của Internet cũng như lối sống nhanh, hiện đại để vẫn giữ được “tình yêu” với sách như "thuở ban đầu"?

(Thethaovanhoa.vn) -  Sophia thân mến!

Góc nhìn 365: 'Ngày sách Việt Nam' và chướng ngại của văn hóa đọc

Góc nhìn 365: 'Ngày sách Việt Nam' và chướng ngại của văn hóa đọc

Chúng ta đang có một Ngày Sách Việt Nam (21/4) đáng nhớ, khi nó diễn ra vào giữa thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.

Ngày Sách Việt Nam vừa mới qua được vài ngày. Vấn đề được nhiều người quan tâm vẫn là chuyện làm cách nào ta có thể vượt qua được những chướng ngại đến từ sự phát triển của Internet cũng như lối sống nhanh, hiện đại để vẫn giữ được “tình yêu” với sách như "thuở ban đầu"?

Sophia biết không, “tình yêu” với sách của tôi khởi đầu rất lạ lùng. Hồi nhỏ khi còn bao cấp, trong khu tập thể của chúng tôi, chuyện các gia đình phải khóa cửa nhốt các con trong nhà để đi làm là việc hết sức bình thường. 2 anh em tôi cũng phải chịu cái cảnh ấy gần 4 năm học.

Khi bị nhốt ở nhà, vị trí 2 anh em hay ngồi chính là khung cửa sổ. Từ chỗ đấy có thể xem được lũ bạn tôi tụ tập đánh quay, chơi bi... dưới sân khu tập thể. Nhưng không phải hôm nào cái sân ấy cũng nhộn nhịp, lắm khi trời mưa to cả ngày hoặc là có những trò mới, lũ trẻ trong khu kéo đi chỗ khác, vì thế không khí rất buồn.

Để lấp cái khoảng trống ấy, tôi và cậu em kém 2 tuổi phải tìm những trò khác giải khuây. Thôi thì đủ trò, từ chơi bóng bàn dưới sàn nhà, đến chơi bài tam cúc, rồi mang sách báo ra đọc. Từ chồng báo cũ, đến cuốn truyện cổ tích đã bị xé rách nham nhở, rồi cả sách tiếng Nga của bố tôi - không đọc được thì xem tranh vẽ. Có hôm bố tôi để quên cái radio ở nhà, hai anh em ngồi thò chân ra ngoài cửa sổ vừa nghe đài vừa mơ ước và tưởng tượng ra những cảnh đi chơi rất thú vị.

Tuy nhiên những việc như thế chỉ kéo dài được một vài tháng đầu, lâu dần cũng thấy chán. Chỉ còn mỗi việc đọc sách là duy trì được lâu. Vấn đề là sách ở nhà có ít quá thành thử những buổi đi học tôi hay hỏi bạn bè để mượn sách, bất kể loại sách gì để về đọc khi bị nhốt. Đọc nhiều đâm ra “nghiện”. Về sau hễ cứ có tiền là đi mua sách, lâu không có sách đọc là khó chịu.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Sophia thân mến!

Hiện nay, với sự bùng nổ của Internet, nhiều người, nhất là những người trẻ ngại đọc sách, vì ngại mất thời gian, trong khi đó chỉ cần vài động tác là có thể kiếm được rất nhiều thông tin trên mạng.

Tôi nhớ dịp đầu năm học này, cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi đang theo học có mời phụ huynh tham gia một buổi sinh hoạt với chủ đề chia sẻ tình yêu với sách. Một trong nhiều câu hỏi các cháu THPT nêu ra với tôi đó là, làm cách nào để có tình yêu với sách? Và nên đọc sách vào lúc nào? Vì bây giờ lịch học dày đặc cả tuần, hiếm có thời gian rảnh.

Vì thời gian chỉ có một tiết học, cho nên tôi chỉ kể tóm tắt cho các cháu nghe chuyện đọc sách của mình hồi còn đi học. Rồi đưa ra cho các cháu một vài ví dụ mà thế hệ chúng tôi may mắn được trải nghiệm bên ngoài cuộc sống trong những năm tháng khó khăn. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình: Hãy đọc để có thông tin trước, sau học cách quan sát, suy đoán các sự việc xung quanh chúng ta để kiểm chứng những điều đã đọc. Làm tốt việc ấy sẽ có tình yêu với sách.

Về thời gian đọc sách? Tôi nghĩ cũng giống như khi ta đang yêu, khi yêu lúc nào có thời gian rảnh rỗi ai chả muốn gặp mặt nhau. Đọc sách cũng gần giống như thế, nó cũng như một môn thể thao rèn luyện trí óc, vì vậy tốt nhất là phải luyện tập hàng ngày. Cái hay của đọc sách là có thể đọc được ở bất cứ chỗ nào, công viên, bến xe, trên máy bay, phòng ngủ… Vì có tình yêu với sách cho nên hãy luôn mang theo để bất cứ khi nào rảnh là đọc được.

Nhưng theo tôi quan trọng nhất vẫn chính là thái độ của chúng ta đối với việc đọc sách. Cần phải hiểu được đọc sách, ngoài việc giúp cho chúng ta học hỏi, phát triển trí tuệ thì việc chính vẫn là để áp dụng cái hay vào công việc, biến những con chữ trên các trang giấy thành những kỹ năng sống hàng ngày. Đấy cũng là học đi đôi với hành.

Có được thái độ như thế, mỗi cá nhân sẽ hình thành được những “bộ lọc” để tìm đến những thông tin tốt, chắt lọc và "giác ngộ" những điều hay từ trong sách, dù đó là loại hình sách gì. Đấy cũng là cách để chúng ta yêu sách.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Quốc Thắng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN