TTVH Online

Người quan sát: Gặp thời...

24/04/2020 09:29 GMT+7

Có câu: “Lỡ bước 2 Xe đành bỏ phí/ Gặp thời một Tốt cũng thành công”.

(Thethaovanhoa.vn) - Có câu: “Lỡ bước 2 Xe đành bỏ phí/ Gặp thời một Tốt cũng thành công”.

VIDEO: Văn Lâm và nỗi lo của HLV Park Hang Seo

VIDEO: Văn Lâm và nỗi lo của HLV Park Hang Seo

Việc giải vô địch Thái Lan sẽ bị tạm hoãn đến tận tháng 9 năm nay khiến thủ thành Văn Lâm của câu lạc bộ Muangthong United sẽ phải nghỉ thi đấu đến 5 tháng.

1. HLV trưởng CLB SHB Đà Nẵng, Lê Huỳnh Đức, người đã có 2 chức vô địch V-League cùng đội bóng bên bờ sông Hàn, cũng phải thừa nhận rằng, bóng đá có thời. Đấy là khi ông đề cập đến thành công của các ĐTQG Việt Nam trong khoảng hơn 2 năm đổ lại, dưới triều đại HLV Park Hang Seo và thành tích của chính SHB Đà Nẵng khoảng thời gian 2009-2012 vậy.

“Tuần trăng mật” của Lê Huỳnh Đức với SHB Đà Nẵng kéo dài đến hơn 3 năm, tính từ thời điểm cựu tiền đạo đội trưởng ĐTQG lên nắm quyền ở sân Chi Lăng (đầu mùa giải 2008). Tiền hô hậu ủng, quân lại toàn tinh binh, với sự trở lại của những bộ ba: Quốc Anh - Hải Lâm - Phước Vĩnh, tả có Quang Cường, hữu là Phan Thanh Phúc, cùng lần lượt Almeida, Gaston Merlo trên tuyến đầu…

"Chia bài" ở SHB Đà Nẵng vào thời kỳ vàng son là Lê Hồng Minh, Giang Thành Thông, sau đến Minh Phương, rồi thế hệ tài năng thứ hai trong vòng 15 năm đổ lại của bóng đá Quảng - Đà là Phan Thanh Hưng và Nguyên Sa. Cũng lứa này, còn có Hoàng Quãng, Duy Lam, Hà Minh Tuấn… SHB Đà Nẵng nổi lên như một thế lực thực sự, thách thức và lật đổ HAGL, ĐTLA, B.Bình Dương…

Vài năm sau đó, CLB Hà Nội mới xuất hiện (phiên hiệu tiền thân là Hà Nội T&T) và độc chiếm ngôi vị số 1 Việt Nam cho đến bây giờ.

“Nền bóng đá đã và đang sản sinh ra một đôi thế hệ cầu thủ thực sự tài năng. HLV Park Hang Seo cũng nhờ đó mà phất. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận tài năng của thuyền trưởng người Hàn Quốc, nhưng bóng đá mang tính thời điểm. Một HLV có thể thành công ở thời điểm này, nhưng lại thất bại ở thời điểm khác là vì thế”, Lê Huỳnh Đức chia sẻ.

2. Vẫn câu chuyện thời thế. Hơn 10 năm trước, bộ đôi HLV Alfred Riedl và Henrique Calisto từng có công khai sáng cho nền bóng đá ở cả cấp độ CLB lẫn ĐTQG. Thành công trong 2 năm 2007-2008 của bóng đá Việt Nam, các cập độ ĐTQG, cũng giúp đổi đời cho cả một thế hệ cầu thủ tài năng: Nhờ đá bóng mà mua được nhà, tậu được xe và tiền trong ngân hàng luôn rủng rỉnh.

Chú thích ảnh
Tiền trong bóng đá dễ kiếm, song cũng dễ tiêu tan - Thực tế bóng đá Việt thời lên chuyên đã minh chứng. Ảnh: Hoàng Linh

Cựu tiền đạo ĐTQG Huỳnh Phúc Hiệp (mới 19 tuổi) dù không đá trận nào ở VCK Asian Cup 2007, nhưng vẫn bỏ túi hàng trăm triệu đồng tiền thường, khi Việt Nam lần đầu giành quyền vào chơi tứ kết giải châu Á. Trước đó, Phúc Hiệp cũng thuộc biên chế Olympic Việt Nam đá cực bốc, đi đến vòng loại cuối cùng tranh vé đến Olympic Bắc Kinh 2008.

Chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 là cột mốc quan trọng với bóng đá Việt Nam ở kỷ nguyên lên chuyên và thực sự đã đổi đời cho không biết bao nhiêu cầu thủ. Nhiều người đến bây giờ vẫn giành sự kính yêu với HLV Calisto là vì thế. Chính phù thủy người Bồ Đào Nha đã giúp học trò có được những bản hợp đồng tiền tỷ, thậm chí nhiều chục tỷ đồng chuyển nhượng.

Bóng đá Việt Nam và cầu thủ Việt Nam lên hương thực sự, nhưng những ngày sống trong nhung lụa không kéo dài mãi, đặc biệt với những người không biết tích lũy. Sau năm 2013, khi các ông bầu rủ nhau bỏ cuộc chơi, giá trị cầu thủ trên sàn chuyển nhượng sụt giảm nghiêm trọng. Đến ngay cả lứa vô địch AFF Suzuki Cup 2018, được giá nhất là Quế Hải cũng chưa đầy 9 tỷ đồng.

3. Giờ là chuyện thời sự. Giữa mùa dịch Covid-19, bỗng nhiên các vấn đề cũ được xới lại và nó khiến người ta phải nổi da gà với dòng tiền chảy trong bóng đá. Đây là giai đoạn khó khăn, khan hiếm tiền mặt, với ngay cả các ông chủ đội bóng cũng phải nghĩ đến việc tự giải cứu; các CLB chủ động giảm lương theo giờ làm và cầu thủ sung túc nhất cũng phải suy tính cho tương lai.

Tiền trong bóng đá dễ kiếm, song cũng dễ tiêu tan. Điều quan trọng lúc này là duy trì mạch thở, nhịp đập cho bóng đá, chứ không phải đọ tiền nữa. 10 năm trước, các ông chủ đem tiền ra đấu và trang sức của họ là những bản hợp đồng hàng chục tỷ đồng, còn bây giờ là thời của tăng xin, giảm cho, miễn phí càng tốt. Đúng là cạn đìa mới biết lóc/trê, người xưa dạy cấm sai!

Hơi thở bóng đá đã bắt đầu trở lại, nhưng khi nào dòng tiền chảy lại trong huyết quản bóng đá, thì còn lâu. Bởi bóng đá vẫn bị ví như tằm ăn rỗi và còn phụ thuộc vào vấn đề kinh doanh của các ông chủ đội bóng nữa! Gặp thời thì hên, còn không thì...

Tùy Phong

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN