TTVH Online

Đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Mỹ - Hàn Quốc rơi vào bế tắc

13/04/2020 15:48 GMT+7

Các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quân sự giữa Washington và Seoul một lần nữa rơi vào bế tắc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ đề xuất của Hàn Quốc về một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng tranh cãi có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ đồng minh gần gũi giữa hai nước.

(Thethaovanhoa.vn) - Các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quân sự giữa Washington và Seoul một lần nữa rơi vào bế tắc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ đề xuất của Hàn Quốc về một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng tranh cãi có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ đồng minh gần gũi giữa hai nước.   

Mỹ - Hàn Quốc xúc tiến thương vụ vũ khí lớn, trị giá 2,6 tỷ USD

Mỹ - Hàn Quốc xúc tiến thương vụ vũ khí lớn, trị giá 2,6 tỷ USD

Trong thông báo ra ngày 13/9, Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ cho biết thương vụ trên bao gồm 6 máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon do hãng Boeing chế tạo với tổng trị giá 2,1 tỷ USD được dùng trong các nhiệm vụ săn tàu ngầm và do thám trên biển.

Những tranh cãi kéo dài xung quanh thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự đã làm dấy lên quan ngại rằng những nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng giữa hai đồng minh Mỹ - Hàn có thể bị ảnh hưởng khi hàng nghìn nhân viên Hàn Quốc trong thành phần Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) đã phải nghỉ việc do hai bên không đạt được thỏa thuận trả lương.   

Tuần trước, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump đã bác bỏ đề của Seoul tăng chi phí quân sự trong thỏa thuận có tên gọi Thỏa thuận Về các biện pháp đặc biệt (SMA), thêm ít nhất 13% so với năm 2019.   

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cũng dẫn lời một quan chức giấu tên của nước này cho rằng rất khó có thể dự đoán khi nào các cuộc đàm phán SMA sẽ kết thúc. Theo quan chức trên, mọi khả năng đều đang bỏ ngỏ. Trong thời điểm hiện nay, khó có thể dự đoán mọi việc sẽ đi về đâu. 

Chú thích ảnh
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Jeong Eun-bo (trái) và người đồng cấp Mỹ James DeHart tại vòng đàm phán chia sẻ chi phí quân sự ở Los Angeles, Mỹ ngày 17/3/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trước đó, ngày 31/3, một ngày trước khi hơn 4.000 nhân viên Hàn Quốc làm việc cho USFK bắt đầu phải nghỉ không lương, trưởng đoàn đàm phán SMA bên phía Hàn Quốc Jeong Eun-bo thông báo hai nước đã thu hẹp “đáng kể” bất đồng, đồng thời đưa ra nhận định lạc quan về việc kết thúc đàm phán. Tuyên bố này của ông Jeong Eun-bo khi đó đã làm dấy lên đồn đoán rằng Tổng thống Trump có thể đã rút lại yêu cầu Seoul tăng mạnh mức đóng góp, như một phần của việc thúc đẩy hợp tác với quốc gia Đông Bắc Á trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này đã không xảy ra.   

Ngay trước khi các cuộc đàm phán SMA với Hàn Quốc bắt đầu vào tháng 9/2019, dư luận đã dự đoán Tổng thống Trump chắc chắn sẽ đưa ra một “cuộc mặc cả khó khăn” do việc đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Seoul có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán đã lên kế hoạch với các đồng minh khác của Washington, trong đó có Nhật Bản và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngăn chặn việc các đồng minh không đóng góp tài chính là một trong những cam kết được ông chủ Nhà Trắng  đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống nhằm thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.   

Chú thích ảnh
Binh sĩ thuộc Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự Yongsan ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một số nhà quan sát còn dự báo sự bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ kéo dài bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh như hiện nay cũng như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, ông Trump dường như khó có thể chú ý đến các cuộc đàm phán SMA.   

Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump bác bỏ đề xuất của Hàn Quốc dường như không có nghĩa đưa thỏa thuận SMA trở lại vạch xuất phát. Theo lời quan chức Hàn Quốc, mặc dù vẫn chưa lên kế hoạch cho vòng đàm phán trực tiếp khác, song các nhà đàm phán hai bên vẫn đang tiếp tục liên lạc.   

Từ năm 1991, Seoul đã gánh một phần các chi phí theo SMA cho nhân viên Hàn Quốc làm việc tại USFK; xây dựng các cơ sở quân sự, trong đó có các căn cứ quân sự  và các cơ sở đào tạo, huấn luyện, hoạt động và truyền thông; cũng như các hỗ trợ hậu cần khác.Theo SMA năm 2019, đã hết hạn vào tháng 12 vừa qua, Hàn Quốc phải đóng góp khoảng 870 triệu USD để trang trải chi phí của 28.500 binh sĩ USFK đồn trú tại nước này.

Ngọc Hà/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN