TTVH Online

Dịch COVID-19: Kiên quyết không để 'những con sâu làm rầu nồi canh'

08/04/2020 16:20 GMT+7

Trước diễn biến của dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt để phòng, chống, kiểm soát tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Đại đa số người dân đã đồng hành cùng Chính phủ, thực hiện tốt các yêu cầu phòng, chống dịch, góp phần mang lại những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

(Thethaovanhoa.vn) - Trước diễn biến của dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt để phòng, chống, kiểm soát tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Đại đa số người dân đã đồng hành cùng Chính phủ, thực hiện tốt các yêu cầu phòng, chống dịch, góp phần mang lại những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về cách ly, phòng dịch COVID-19

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về cách ly, phòng dịch COVID-19

Từ ngày 1-6/4, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã xử lý 167 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, mức phạt 200 nghìn đồng/người; lập biên bản xử lý 9 cơ sở kinh doanh không thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoạt động theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trong nỗ lực của cả cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, vẫn xuất hiện những hành động đi ngược lại các khuyến cáo của cơ quan chức năng, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch COVID-19 có dấu hiệu tội phạm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong xã hội.

Trước tình hình đó, cơ quan điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát đã có những biện pháp kịp thời, ban hành các văn bản về việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

"Con sâu làm rầu nồi canh"

Trước khi các văn bản, chỉ thị công tác của các cơ quan tư pháp được ban hành, các vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 mới chỉ có các trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật, mức phạt này có thể chưa đủ “mạnh” và “thấm”, chưa mang tính răn đe cao, nên vẫn còn rất nhiều trường hợp lặp lại hành vi vi phạm, dù các cơ quan chức năng, báo chí đã thông tin, tuyên truyền rộng rãi. Do đó, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự là biện pháp kịp thời, có tính răn đe cao, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và các bộ, ban, ngành đồng loạt triển khai hàng loạt giải pháp yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài (trừ trường hợp cần thiết), thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, tạm dừng các hoạt động không cấp bách… nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Phần lớn người dân đã thực hiện tốt những yêu cầu trên. Tuy nhiên, đã xuất hiện những "con sâu làm rầu nồi canh", vi phạm các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng, ảnh hưởng tới nỗ lực của cả cộng đồng.

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra xe chở khách hoạt động bất chấp Chỉ thị 16/CT-TTg. Ảnh: Thanh Tuấn - TTXVN

Con số gần 200 trường hợp bị Công an quận Đống Đa (Hà Nội) lập biên bản xử lý vì không đeo khẩu trang nơi công cộng trong mùa dịch COVID-19 chỉ sau một thời gian ngắn ra quân, đã dấy lên sự lo ngại bởi những khuyến cáo đơn giản, thiết thân nhưng rất quan trọng trong chống dịch vẫn không được người dân tuân thủ. Không chỉ vậy, còn xuất hiện những đối tượng sẵn sàng có hành vi lăng mạ, chống đối người thực thi công vụ.

Chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16, trong đó yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng..., vào đêm 2/4, dư luận bàng hoàng, đau xót khi hay tin hai đồng chí công an quận Sơn Trà, Đà Nẵng, đã hi sinh khi truy bắt một nhóm tụ tập đua xe, cướp giật.

Chiều 4/4, trong quá trình tuần tra kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực thuộc thôn Đông Ngũ Kinh, Tổ công tác của xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) phát hiện và nhắc nhở hai đối tượng đi xe máy không đeo khẩu trang, không đội mũ bảo hiểm. Thay vì chấp hành, Đào Xuân Anh (sinh năm 1990) ở xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, đã lăng mạ, dùng mũ cối tấn công các thành viên của Tổ công tác. Hậu quả làm hai thành viên trong Tổ công tác bị thương.

Mặc dù đã có lệnh cấm các phương tiện vận tải chở quá 10 người trở lên để phòng, chống dịch COVID-19, thế nhưng có những xe khách vẫn "phớt lờ" lệnh cấm, chở hàng chục hành khách. Như vào ngày 31/3, Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã lập biên bản đối với 3 lái xe khách lén lút chở quá số người quy định. Ngày 2/4, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Gia Viễn (Ninh Bình) kiểm tra, phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 90T-5299 “nhồi” 46 người trên xe. Hành vi vi phạm của lái xe đã bị Cảnh sát giao thông Công an huyện Gia Viễn lập biên bản và xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời tiếp tục đề nghị xử lý hành vi “không thực hiện phòng, chống dịch COVID-19” theo Nghị định của Chính phủ.

Bên cạnh những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dù phải chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của dịch, nhưng vẫn chấp hành các yêu cầu về phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều trường hợp vì tư lợi, bất chấp những cảnh báo, quy định của pháp luật, cố tình kinh doanh, hoạt động giữa mùa dịch. Như vụ việc đêm 4/4, Tổ công tác của Công an thành phố Huế bất ngờ tiến hành kiểm tra hành chính quán karaoke Hoàng Tử.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện một số đối tượng đang hát karaoke giữa mùa dịch COVID-19. Nghiêm trọng hơn là vụ việc tại quán karaoke Big Big World trên đường Hùng Vương, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) rạng sáng 4/4, 11 thanh niên hát hò nhảy múa, quay cuồng trong tiếng nhạc, trong đó có 10 thanh niên dương tính với ma túy bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Đây là những ví dụ điển hình cho kiểu kinh doanh vi phạm pháp luật và đi ngược lại lợi ích cộng đồng trong thời điểm hiện nay.

Chú thích ảnh
Cửa hàng karaoke Hoàng Tử (số 257 đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế) bị tước giấy phép kinh doanh vì vi phạm Chỉ thị 16. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Xử lý điểm để răn đe, phòng ngừa

Các văn bản của Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát mới ban hành gần đây đã yêu cầu phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ luật Hình sự. Cụ thể như: Không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng (như hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly…); vi phạm quy định ở nơi đông người gây thiệt hại do phát sinh chi phí phòng, chống dịch COVID-19 từ 100 triệu đồng trở lên.

Các hành vi cần xử lý gồm: đưa ra những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong xã hội hoặc nhằm mục đích chống Nhà nước; lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi (như hành vi đầu cơ, buôn lậu; làm giả hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham nhũng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;…); chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm về phòng, chống COVID-19, trong đó chỉ rõ các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội... Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành điều tra, xem xét, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự.

Chú thích ảnh
Bắt đối tượng lừa đảo bán khẩu trang qua facebook chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN

Bảo đảm an ninh, trật tự trong phòng, chống dịch

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội, gây áp lực gia tăng tội phạm và phức tạp về trật tự xã hội. Những nguy cơ này đã được Bộ Công an cảnh báo và có những biện pháp quyết liệt.

Một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật đã có dấu hiệu gia tăng như tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ; hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, lừa đảo, đầu cơ các mặt hàng thiết yếu, y tế, lương thực, thực phẩm để trục lợi, đưa tin không đúng sự thật trên không gian mạng về dịch bệnh; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (giết người, cướp tài sản, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo, trộm cắp tài sản...) diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến nhóm đối tượng nghiện ma túy, “tín dụng đen”, thua cờ bạc, nợ nần... Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường làm việc trực tuyến, tội phạm trên không gian mạng, nhất là đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ gia tăng.

Trước tình hình trên, Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các phương án bảo đảm an ninh, trật tự trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời tăng cường các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Theo các chỉ thị công tác, lực lượng Công an phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án sẽ lựa chọn một số vụ án điểm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe đối tượng vi phạm.

Xuân Tùng/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN