TTVH Online

Ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ: Người dân cả nước hưởng ứng chống dịch COVID-19

01/04/2020 19:42 GMT+7

Ngày 1/4, ngày đầu tiên Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các biện pháp mạnh mẽ nhằm đẩy lùi dịch COVID-19 được triển khai. Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi nhận công tác tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/4, ngày đầu tiên Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các biện pháp mạnh mẽ nhằm đẩy lùi dịch COVID-19 được triển khai. Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi nhận công tác tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất

Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước từ các cơ quan chức năng.

* Tại tỉnh Bình Dương trong ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gần 100% các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉ thị trên.

Khu vực vòng xoay ngã sáu Phú Cường, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, lượng người và xe lưu thông trên các con phố chính nối vào trung tâm thưa hơn ngày thường. Đặc biệt, khu vực trước cổng Miếu bà Thiên Hậu và Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường cửa đóng, then cài, không có người ra, vào như trước. Các cơ sở tôn giáo, cơ sở thờ tự khác trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một đều có bảng thông báo phòng, chống dịch, hạn chế tập trung sinh hoạt tôn giáo đông người.

Chú thích ảnh
Một trạm xe bus trên đường 30/4, phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương đã vắng khách. Ảnh: Nguyễn Văn Việt -TTXVN

Tại các phường trên địa bàn thành phố, ngành chức năng đã kiểm tra quán ăn có quy mô lớn. Lãnh đạo các phường đã trực tiếp nhắc nhở và chủ cửa hàng đều cam kết thực hiện nghiêm. Những ngày tới, các phường tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành kiểm tra, nhắc nhở người dân trong việc kinh doanh, tụ tập đông người. Nơi nào không thực hiện nghiêm, chính quyền địa phương sẽ gửi danh sách lên UBND thành phố Thủ Dầu Một để có biện pháp xử lý.

Chú thích ảnh
Đặt biển hạn chế người và phương tiện qua lại khu vực vào Trung tâm hành chính Thành phố Thủ Dầu Một. Ảnh: Nguyễn Văn Việt -TTXVN

Cũng trong sáng 1/4, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc luân phiên. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị giảm tối đa số người làm việc tập trung tại trụ sở cơ quan và thực hiện giải quyết công việc trực tuyến ở nhà, đặc biệt là đối với cơ quan, đơn vị làm việc tại Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh. 

Chú thích ảnh
Một quán ăn uống trong khu dân cư Chánh Nghĩa phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương đã thực hiện đóng cửa. Ảnh: Nguyễn Văn Việt -TTXVN

Ngành Giao thông Vận tải và các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác, đến các địa phương khác. 

Sở Y tế tỉnh Bình Dương chỉ đạo các cơ sở y tế công lập và các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân bảo đảm 100% quân số làm việc bình thường phục vụ người bệnh và luôn sẵn sàng khi được điều động. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và UBND tỉnh.

Tỉnh Bình Dương yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc trong các nhà máy, cơ sở sản xuất...

* Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, hầu hết người dân đều thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,

Ghi nhận của phóng viên tại thị xã Phước Long, người và phương tiện đi lại trên các con đường ở trung tâm thị xã không đông đúc; nhiều cửa hàng, quán cà phê, các điểm vui chơi đã đóng cửa. Các hộ dân, các chủ kinh doanh đều tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Tại các điểm đông người như chợ, trung tâm thương mại, người dân đều ý thức đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách trên 2 mét. Tại các điểm bán thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động phục vụ người dân nhưng mật độ thưa.

Anh Điểu Lợi, nhân viên văn phòng sống tại xã Long Giang cho biết: "Tình hình dịch bệnh phức tạp, không phải hôm nay mà từ khi nghe có dịch COVID-19, tôi đã chủ động đề phòng, ra đường luôn sử dụng khẩu trang, về nhà dùng nước xịt khuẩn, thường xuyên rửa tay. Sau khi Chỉ thị số 16/CT-TTg có hiệu lực, tôi cũng như bà con ở đây thực hiện nghiêm túc hơn". 

Ông Phạm Văn Thuật, Chủ tịch xã Phước Tín cho biết: Nhìn chung các hàng quán, các địa điểm buôn bán trên địa bàn đã nhận thức được tầm quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Với một số quán ăn, quán cà phê còn mở hàng, địa phương đã yêu cầu các quán này chỉ bán cho người mang về. Các quán đã cam kết thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong những ngày tới, lực lượng chức năng xã sẽ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của người dân trên địa bàn.

* Ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tuân thủ nghiêm các qui định.

Người dân địa phương cũng bắt đầu thay đổi hành vi và thói quen thông qua việc mua đồ ăn, thức uống mang về nhà nhằm hạn chế tiếp xúc đông người. Các cửa hàng kinh doanh mặt hàng được phép mở cửa, siêu thị, bách hóa bán hàng hóa thiết yếu… đều có bảng hướng dẫn việc tổ chức bán, cung ứng hàng hóa tận nhà hoặc giãn cách lượng khách trong từng thời điểm (không quá 10 người ở các siêu thị, cửa hàng bách hóa…). 

Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các cơ quan thông tin đại chúng… phát huy vai trò tiên phong trong việc chung tay phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân về những giải pháp hữu hiệu đang triển khai, tránh tâm lý hoang mang trước đại dịch, tổ chức may và phát khẩu trang miễn phí…

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 1/4, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã tổ chức 4.729 cuộc tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19, thu hút trên 126.000 lượt người tham dự; tổ chức may và phát trên 31.700 khẩu trang miễn phí, gần 2.700 chai nước rửa tay, xà phòng rửa tay, sát khuẩn… cho nhân dân phòng, chống dịch.

Trước thời điểm 0 giờ ngày 1/4, chính quyền cơ sở cử các đoàn liên ngành đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cam kết thực hiện những hành động thiết thực như: Ở yên trong nhà, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết, không tụ tập quá 2 người, đeo khẩu trang theo qui định…

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang cho biết, mạng lưới Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với người sử dụng lao động yêu cầu 100% công nhân và khách hàng phải mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào công ty. Các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.  

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đoàn Văn Phương cam kết cung ứng đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn. Do vậy, thời điểm trước và trong ngày 1/4, lượng người đến các cơ sở mua sắm tại Tiền Giang tuy có tăng, nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn hoặc khan hiếm hàng hóa...

* Sáng 1/4, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, quán cà phê… trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã chủ động treo biển tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. Các tuyến phố chính tại thành phố Buôn Ma Thuột như đường Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đều trở nên vắng vẻ khi người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Anh Lê Hữu Phước, một chủ quán cà phê tại thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được nội dung của Chỉ thị số 16 nên đã chủ động tạm dừng hoạt động đến hết ngày 15/4. Đây là việc làm cần thiết trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, chủ đơn vị kinh doanh hàng hóa và nhân dân trong tỉnh phải chấp hành tốt các quy định, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để chung sức cùng nhân dân cả nước phòng, chống dịch bệnh.

Ghi nhận tại chợ Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, hoạt động mua, bán các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… diễn ra bình thường.

Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, chị và những người trong gia đình đã hạn chế tối đa việc đi ra ngoài để cách ly theo phạm vi gia đình. Từ ngày 1/4, chị chỉ đi chợ một lần/ngày để mua lương thực, thực phẩm đủ dùng chứ không tích trữ nhiều, vừa gây biến động thị trường vừa mất an toàn vệ sinh khi thực phẩm bị lưu lại.

Nhằm ngăn chặn nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập 8 chốt chặn kiểm soát cửa ngõ ra vào tỉnh và 6 chốt Biên phòng kiểm soát trên 73 km đường biên giới. Các phương tiện xe khách, xe tư nhân, xe máy từ các tỉnh khác đến Đắk Lắk đều được kê khai y tế, kiểm tra thân nhiệt và lấy thông tin hành khách… để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tính đến sáng 1/4, tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19. Toàn tỉnh có 54 trường hợp thực hiện cách ly tại cơ sở y tế (44 trường hợp đã hoàn thành cách ly); 66 trường hợp cách ly tập trung (43 trường hợp đã hoàn thành cách ly); 256 trường hợp cách ly tại nhà và nơi cư trú (221 trường hợp đã hoàn thành cách ly).

Phóng viên TTXVN tại các địa phương

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN